Củng cố niềm tin người nộp thuế: Kinh nghiệm từ Singapore

ThS. Đặng Thị Bạch Vân - Quan Hán Xương

Từ nhiều năm trước đây, các quốc gia trên thế giới đã nhanh chóng thí điểm và đi vào áp dụng cơ chế tự khai tự nộp thuế nhằm đơn giản hóa hệ thống quản lý thuế và hướng đến khuyến khích tuân thủ tự nguyện.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Cơ chế này tạo sự chủ động cho người nộp thuế, đảm bảo tờ khai thuế phù hợp hơn với thực tế hoạt động SXKD trong bối cảnh số lượng người nộp thuế lẫn mức độ phức tạp của các hoạt động kinh doanh không ngừng gia tăng. Ngoài ra, việc thực hiện cơ chế tự khai tự nộp cũng nhằm nâng cao ý thức tự giác thực hiện pháp luật thuế. Ở góc độ quản lý thuế, cơ chế tự khai tự nộp tạo động lực để tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra thuế, tạo điều kiện tổ chức, sắp xếp bộ máy quản lý chuyên sâu, chặt chẽ và hiệu quả.

Tuy nhiên, không phải tất cả các quốc gia thực thi cơ chế tự khai tự nộp đều thật sự hữu hiệu. Kinh nghiệm quản lý thuế của Singapore dựa trên nền tảng đặt niềm tin và củng cố niềm tin cũng được phân tích làm cơ sở đưa ra những khuyến nghị cần thiết cho cơ quan thuế Việt Nam.

Lý thuyết về niềm tin vàtuân thủ tự nguyện

Niềm tin là yếu tố quan trọng để công dân hợp tác với cơ quan nhà nước và tuân thủ các quy định theo pháp luật. Vì thế, cách quản lý tốt nhất là, làm thế nào để mỗi công dân cảm nhận tốt hơn về nghĩa vụ tuân thủ hướng đến lợi ích chung của cộng đồng, tự giác thực hiện các quy định, hướng dẫn, luật lệ và sẵn sàng tuân thủ tự nguyện. Trên cơ sở đó, nếu cơ quan thuế hoạt động hướng đến phục vụ và hỗ trợ người nộp thuế, tạo môi trường đáng tin cậy sẽ củng cố niềm tin của người nộp thuế vào hệ thống quản lý thuế.

Tiếp cận ở góc độ lý thuyết khế ước xã hội, người nộp thuế cũng có thể xem việc nộp thuế là trách nhiệm công dân của họ và việc họ hợp tác tốt với cơ quan thuế sẽ có ích hơn cho cộng đồng. Ý thức thuế tốt kết hợp với trách nhiệm công dân cao sẽ đảm bảo quá trình tuân thủ và hợp tác tốt hơn, thay vì tính toán các quyết định tuân thủ theo cách tiếp cận về lợi ích cá nhân. Định hướng hoạt động của cơ quan thuế, lấy người nộp thuế làm đối tượng phục vụ với phong cách thân thiện sẽ là yếu tố gia tăng niềm tin của DN vào cơ quan thuế. Khi đó, họ sẽ cảm thấy thoải mái hơn khi hợp tác và tuân thủ.

Kinh nghiệm từ công tácquản lý thuế của Singapore

Trên tinh thần đặt niềm tin vào người nộp thuế, từ năm 2008 Cơ quan thuế Singapore đã thí điểm chương trình tăng cường mối quan hệ giữa cơ quan thuế và những người nộp thuế. Chiến lược của họ hướng đến số đối tượng chiếm tỷ trọng nhỏ trong tổng số người nộp thuế nhưng lại đóng góp số thu lớn. Chương trình này được thực thi nhằm đảm bảo quy tắc win - win (hai bên đều có lợi) và đã nhận được phản hồi tích cực từ người nộp thuế. Điều này đặt cơ quan thuế các nước phải suy nghĩ nghiêm túc hơn về cách thức cư xử với người nộp thuế, nhằm cải thiện mức độ tuân thủ. Đến năm 2013, hiệu quả chương trình này của Singapore được OECD đánh giá rất cao so với các quốc gia khác (OECD, 2013).

Theo đó, hệ thống thuế Singapore vận hành đảm bảo bốn trụ cột chiến lược quan trọng. Thứ nhất là, xây dựng hệ thống thuế đơn giản, tạo điều kiện thuận lợi cho người nộp thuế dễ dàng tuân thủ và giảm thiểu tối đa khả năng người nộp thuế gian lận thuế. Thứ hai, người nộp thuế được thông tin đầy đủ nhằm hỗ trợ người nộp thuế sao cho họ biết rõ nghĩa vụ thuế của mình. Thứ ba, xây dựng hình ảnh cơ quan thuế đáng tin cậy bằng cách chủ động hỗ trợ tuân thủ và có những hành động kịp thời, hiệu quả ngăn chặn việc không tuân thủ, đảm bảo công bằng. Thứ tư, cam kết xây dựng cộng đồng cùng chia sẻ niềm tin trong việc nộp thuế.

Bốn trụ cột chiến lược này (Hình 1) được xác định rõ ràng, vì vậy đã hỗ trợ tốt Cơ quan thuế Singapore thực hiện sứ mệnh của mình. Bên cạnh mọi nỗ lực thúc đẩy tuân thủ tự nguyện, Cơ quan thuế Singapore (IRAS) còn xây dựng chiến lược kiểm tra thuế dựa trên đánh giá rủi ro tuân thủ, trong đó xác định cụ thể và đặt trình tự ưu tiên cho những khu vực có rủi ro; phác thảo những lĩnh vực cần tập trung kiểm tra và tổng hợp những sai phạm thường gặp trong tuân thủ của người nộp thuế. Cách tiếp cận này được đánh giá tích cực do sự cung cấp thông tin minh bạch, và không cố tình tạo tâm lý đối phó nơi người nộp thuế.

Củng cố niềm tin người nộp thuế: Kinh nghiệm từ Singapore - Ảnh 1

Một trong những điểm tích cực trong chiến lược xây dựng hệ thống thuế của Singapore là đặt niềm tin vào người nộp thuế ngay từ đầu và tạo mọi điều kiện tốt nhất để hỗ trợ cho người nộp thuế tuân thủ. Song hành với đó là việc áp dụng biện pháp nghiêm và mạnh đối với những trường hợp cố tình không tuân thủ luật thuế (Hình 2). Qua đó, niềm tin vào người nộp thuế sẽ hỗ trợ quá trình quản lý thuế nhẹ nhàng và thuận tiện hơn.

Củng cố niềm tin người nộp thuế: Kinh nghiệm từ Singapore - Ảnh 2

Nhận định và khuyến nghị

Tiếp cận từ lý thuyết đến thực tiễn quản lý thuế của IRAS, việc xây dựng và củng cố niềm tin cũng như hệ thống thuế vận hành trên cơ sở niềm tin thật sự hữu ích trong việc đảm bảo hiệu quả hoạt động cho cơ quan thuế. Trong xu thế hội nhập, bộ máy quản lý thuế Việt Nam cần đổi mới cách thức hoạt động, nhằm khẳng định năng lực và những cam kết hỗ trợ người nộp thuế tốt nhất có thể.

Để làm được điều này, cần nghiêm túc đánh giá yêu cầu cải cách đối với hệ thống thuế, đặc biệt quan tâm về thể chế sao cho minh bạch, tạo điều kiện thuận lợi và thông thoáng hơn cho người nộp thuế. Tiếp đó, cần mạnh dạn nghiên cứu những vấn đề còn tồn tại trong cơ chế hoạt động hiện hành, đặt niềm tin phù hợp vào người nộp thuế, mềm hóa mối quan hệ truyền thống giữa cơ quan thuế và người nộp thuế theo hướng, đôi bên cùng có lợi và phù hợp với các giá trị của cộng đồng. Cơ quan thuế cần có cam kết đổi mới cách thức làm việc theo hướng năng động và hợp tác hỗ trợ người nộp thuế tốt hơn; mỗi viên chức thuế cần thấy rõ vị thế của mình trong việc thực hiện sự nghiệp đổi mới.