Quản lý rủi ro về thuế VAT: Kinh nghiệm từ Italia
Trong lĩnh vực quản lý rủi ro có rất nhiều khía cạnh, nội dung chuyên môn nghiệp vụ mang tính kỹ thuật mà từng bước các cơ quan hải quan và cơ quan thuế đang nghiên cứu áp dụng để đưa vào thực tế công tác quản lý thuế của Việt Nam. Theo đó, hai ứng dụng theo phương pháp rủi ro trong quản lý thuế GTGT (VAT) của Italia được xem là trải nghiệm hiệu quả có thể vận dụng vào thực tiễn Việt Nam.
Phân tích rủi ro đối với mã số thuế VAT
“Phân tích rủi ro đối với mã số thuế VAT” là một ứng dụng công nghệ thông tin do Phòng nghiên cứu và phân tích của cơ quan thuế Italia thực hiện, nhằm nâng cao năng lực đấu tranh phòng ngừa gian lận thuế VAT. Phần mềm này bao hàm và tự động xử lý các dữ liệu cá nhân, thông tin về thu nhập và tài sản của các đối tượng nộp thuế, hoặc trên danh nghĩa cá nhân hoặc với tư cách đại diện cho một công ty, các đối tượng này phải có một mã số thuế VAT mới.
Kết quả của quá trình xử lý chính là một “hồ sơ rủi ro”, theo đó tất cả các mã số thuế VAT đều được phân tích trên nhiều khía cạnh. Dựa trên kinh nghiệm trước đó và các thông tin do cơ quan xử lý gian lận thuế VAT nội địa cung cấp, cơ quan quản lý thuế sẽ gắn cho mỗi nhân tố thông tin một điểm số đánh giá rủi ro. Tổng điểm của 16 nhân tố rủi ro được xem là kết quả cuối cùng về phân tích rủi ro của mỗi đối tượng nộp thuế.
Kết thúc chu trình, ứng dụng này sẽ đưa ra một danh sách gồm toàn bộ các mã số thuế VAT mới bằng cách làm giảm điểm số rủi ro. Có thể lựa chọn mã số thuế VAT bằng cách sử dụng các biến số: (1) Lãnh thổ (quốc gia, khu vực, cơ quan thuế nội địa); (2) Hoạt động (một hoạt động cụ thể, toàn bộ lĩnh vực); (3) Khoảng thời gian (1 năm, nửa năm, 1 quý, 1 tháng)
Sử dụng phần mềm này sẽ rất hữu ích trong việc phát hiện các trường hợp khả nghi mà cơ quan thuế nội địa phải phân tích thêm, trước khi tiến hành bất kỳ hành động kiểm soát nào ngay tại hiện trường. Trong bối cảnh thuế VAT là một sắc thuế quan trọng và nguồn thu lớn của ngân sách, thì việc tập trung nguồn lực và nghiên cứu tiếp thu công nghệ quản lý của các nước tiên tiến trên thế giới là hướng đi đúng và hiệu quả của cơ quan quản lý thuế của Việt Nam trong giai đoạn hiện nay.
Cảnh báo sớm
Cảnh báo sớm là một ứng dụng công nghệ thông tin liên tục được nâng cấp. Mục đích của ứng dụng này là để tiến hành kiểm soát sớm đối với những hành vi khả nghi ngay từ những dấu hiệu trốn thuế đầu tiên. Thực ra, ứng dụng muốn nhấn mạnh sự chênh lệch và bất thường có liên quan tới tất cả các đối tượng có mã số thuế VAT, bằng cách kiểm tra các giao dịch tiến hành trong 36 tháng gần nhất và kiểm tra chéo một vài chỉ số rủi ro có liên quan trực tiếp hoặc gián tiếp tới đối tượng nộp thuế.
Các chỉ số rủi ro chính có liên quan trực tiếp tới đối tượng nộp thuế là: không nộp một phần hoặc toàn bộ thuế VAT; các đối tượng nợ thuế VAT; mức thuế VAT ấn định; công ty vừa giải thể hoặc phá sản; hoạt động có liên quan tới hải quan; các giao dịch thực hiện trong khu vực; thay đổi địa chỉ báo cáo thuế hoặc địa điểm hợp pháp khác với nơi diễn ra hoạt động thực tế; yêu cầu được hoàn thuế; những người ở độ tuổi trên 75 hoặc dưới 18 có mã số thuế VAT
Các chỉ số rủi ro khác do ứng dụng này xử lý là những vấn đề có liên quan gián tiếp tới các đối tượng nộp thuế, bao gồm: ấn định mức thuế trực tiếp hoặc gián tiếp; xuất hoá đơn giả; phá sản hoặc bị buộc phải dừng các hoạt động hành chính; đối tượng trốn toàn bộ thuế; ngừng hoạt động trong vòng 1 năm kể từ ngày thành lập.
Tất cả các thông tin sẽ được kiểm tra chéo dựa trên các phương pháp do phòng nghiên cứu phân tích trung ương đưa ra, nhằm lựa chọn các đối tượng nộp thuế cần kiểm tra.
Với kinh nghiệm này, tính chủ động của hoạt động quản lý là yếu tố đầu tiên được đánh giá. Theo đó, dựa trên nguyên tắc “không để mất bò mới lo làm chuồng”, mọi thông tin liên quan trực tiếp hoặc gián tiếp đến người nộp thuế và các mối quan hệ nhằng nhịt, đan xen đều phải được thu thập, cập nhật và phân tích sớm nhất để cơ quan quản lý thuế các cấp có định hướng chủ động, áp dụng biện pháp quản lý hiệu quả và kịp thời.