Củng cố niềm tin vào chính sách chống dịch, phục hồi kinh tế
Những số liệu thống kê về tình hình kinh tế - xã hội quý III bắt đầu nhuốm gam màu xám khi những tác động tiêu cực của làn sóng Covid-19 lần thứ tư đang ngấm sâu hơn vào mọi ngóc ngách của đời sống.
Chỉ số sản xuất công nghiệp tháng 7 chỉ tăng 1,8% so tháng trước, thấp nhất trong bảy tháng qua. Do thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 16/CT-TTg của Chính phủ tại nhiều địa phương, cho nên chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp của bảy địa phương phía nam giảm mạnh, riêng các địa phương: TP. Hồ Chí Minh, Long An, Cà Mau giảm ở mức hai con số. Giải ngân vốn đầu tư công giảm 1,7% so tháng trước và giảm 12,4% so cùng kỳ. Thu hút vốn đầu tư nước ngoài thấp do thiếu vắng dự án quy mô lớn.
Đáng lưu ý, số lượng doanh nghiệp (DN) rời bỏ thị trường đã vượt lên so với DN thành lập mới. Sự sụt giảm về nguồn lực đổ vào sản xuất, kinh doanh còn thể hiện qua những con số tăng trưởng âm về vốn đăng ký và số lao động đăng ký của DN thành lập mới...
Trong khi đó, “cuộc chiến” chống đại dịch Covid-19 tiếp tục gặp nhiều khó khăn khi biến chủng Delta lây lan nhanh trong các nhà máy sản xuất và khu vực dân cư nhưng chiến dịch tiêm chủng vắc-xin cho toàn dân mới chỉ vừa bắt đầu, dự kiến đến cuối năm 2021, đầu năm 2022 mới đạt miễn dịch cộng đồng.
Đã xuất hiện nhiều ý kiến lo ngại rằng, làn sóng Covid-19 lần thứ tư có thể bẻ gãy đà phục hồi của nền kinh tế Việt Nam và nhiều khả năng chúng ta sẽ lỡ nhịp với sự phát triển trở lại của kinh tế thế giới. Một số tổ chức nghiên cứu trong và ngoài nước đã cập nhật tình hình, điều chỉnh hạ dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam so với những dự báo lạc quan đưa ra đầu năm.
Trước tình thế cấp bách, Quốc hội đã nhất trí thông qua việc bổ sung nội dung phòng, chống dịch Covid-19 vào Nghị quyết kỳ họp thứ nhất. Tăng thẩm quyền cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ quyết định và chịu trách nhiệm về việc thực hiện một số giải pháp cấp bách như: Ban bố biện pháp hạn chế một số phương tiện, yêu cầu người dân không ra khỏi nơi cư trú; áp dụng biện pháp đặc biệt trong tình trạng khẩn cấp để ngăn chặn dịch lây lan.
Quyết định và tổ chức thực hiện các biện pháp chưa được luật quy định hoặc khác với quy định trong các luật, pháp lệnh hiện hành để đáp ứng yêu cầu cấp bách của công tác phòng, chống dịch trong cấp phép, đăng ký lưu hành, sản xuất, mua sắm thuốc, trang thiết bị y tế, hóa chất và đầu tư cơ sở vật chất; mua sắm với số lượng cao hơn nhu cầu thực tế để dự phòng trường hợp dịch bệnh có diễn biến phức tạp, phát sinh và có giải pháp không để xảy ra tiêu cực, hạn chế đến mức thấp nhất lãng phí trong hoạt động này.
Cùng với những chính sách linh hoạt đang được Chính phủ tăng cường áp dụng trong công tác chống dịch, quyết sách kịp thời của Quốc hội là cơ sở pháp lý vững chắc để Việt Nam sớm ngăn chặn, kiểm soát được dịch bệnh, đưa đất nước, cuộc sống của người dân trở về trạng thái bình thường mới.