Cùng phát huy hiệu quả kiểm tra chuyên ngành tại cửa khẩu
Đã có 8 cơ quan kiểm tra chuyên ngành (KTCN) tham gia tại 2 địa điểm KTCN tập trung tại cảng Cát Lái và sân bay Tân Sơn Nhất, bước đầu đã đạt được hiệu quả, nhưng số lượng DN tham gia còn hạn chế. Để phát huy hiệu quả KTCN tại địa điểm tập trung rất cần sự chung tay của các bên tham gia.
DN chưa quan tâm
Theo nhận định của Cục Hải quan TP.HCM, hiệu quả rõ rệt nhất sau 9 tháng triển khai địa điểm KTCN tập trung là việc kiểm tra an toàn thực phẩm đối với thực phẩm quà biếu cá nhân chuyển qua sân bay và chuyển phát nhanh. Hầu hết trường hợp đăng ký tại đây đều được kiểm tra và ra kết qua ngay tại chỗ, đã giải tỏa được vướng mắc lớn tại khu vực này đối với hàng quà biếu cá nhân nhập khẩu.
Tại khu vực cửa khẩu sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất – Chuyển phát nhanh, các mặt hàng nhập khẩu thuộc diện kiểm dịch động vật, kiểm dịch thực vật thì số lượng và tỷ lệ DN đăng ký KTCN tại địa điểm KTCN tập trung cũng như tỷ lệ hàng lấy mẫu ở cửa khẩu rất cao nên hàng hóa được thông quan một cách nhanh chóng. Riêng Chi cục Kiểm dịch Thực vật Vùng 2 thành lập trạm kiểm dịch thực vật trực tại đây, có thẩm quyền ký thông báo kết quả kiểm dịch ngay tại chỗ.
Việc đăng ký và lấy kết quả KTCN tại 2 địa điểm này sẽ tiết kiệm được thời gian di chuyển về trụ sở chính của các cơ quan KTCN, giúp thông quan hàng hóa nhanh chóng, giảm chi phí lưu kho, lưu bãi....
Theo số liệu của các cơ quan KTCN cung cấp thì ngoài các mặt hàng thuộc diện kiểm dịch, các mặt hàng còn lại, DN chưa thực sự quan tâm đến việc đăng ký KTCN tại địa điểm KTCN tập trung, số lượng và tỷ lệ DN đến đăng ký KTCN tại đây vẫn còn rất ít, chiếm tỷ lệ rất nhỏ.
Do thiếu nhân sự, tại địa điểm KTCN tập trung, cơ quan kiểm tra văn hóa chỉ bố trí 1 nhân viên chuyên về tiếng Anh phụ trách kiểm tra mà phần lớn hàng kiểm tra là ngôn ngữ khác (tiếng Trung, Hàn, Nhật, Pháp.....) nên phải đưa hàng về trụ sở để phối hợp với cộng tác viên thành thạo ngôn ngữ tương ứng để kiểm tra, không làm nhanh được.
Chi phí cho việc bố trí nhân sự và duy trì hoạt động tại địa điểm KTCN tập trung về lâu dài sẽ gặp khó khăn cho các cơ quan KTCN nếu DN không tích cực hưởng ứng, đặc biệt đối với những cơ quan KTCN cùng lúc đặt văn phòng làm việc tại 2 địa điểm KTCN tập trung (Trung tâm 3, Cơ quan Thú y Vùng 6, Chi cục Kiểm dịch Thực vật vùng 2, Viện Y tế công cộng TP.HCM).
Bên cạnh đó, một số cơ quan KTCN đã có mặt tại đây nhưng chưa tăng cường năng lực vì khó khăn về nhân sự và không hiệu quả về mặt kinh tế hoặc chờ cơ quan chủ quản triển khai Cổng thông tin một cửa quốc gia (Trung tâm Khảo, Kiểm nghiệm và Kiểm định Giống vật nuôi, Thức ăn chăn nuôi).
Chưa có sự đồng bộ hóa về công nghệ thông tin, cũng như các hướng dẫn cụ thể trong hệ thống đăng ký KTCN nên DN vẫn chưa thể khai báo trên cổng thông tin một cửa quốc gia theo như lộ trình đã đặt ra.
Cần sự chung tay của các bên tham gia
Theo ông Phạm Thanh Bình, chuyên gia dự án GIG, qua khảo sát các địa điểm KTCN tập trung ở Hải Phòng, Nội Bài, Tân Thanh, Tân Sơn Nhất thấy nếu đặt mục tiêu toàn bộ hoạt động KTCN được thực hiện tại các địa điểm này là không khả thi và không cần thiết, bởi: hàng hoá rất đa dạng về chủng loại, mặt hàng, để kiểm tra được cần phải có rất nhiều loại máy móc, thiết bị mà phải rất nhiều năm một tổ chức kiểm định mới có thể trang bị được; hàng hoá tuy đa dạng, nhưng thường được nhập khẩu tại nhiều cửa khẩu, tần suất nhập khẩu khác nhau, theo mùa vụ, việc trang bị đầy đủ chủng loại máy móc, thiết bị kiểm tra sẽ dễ gây lãng phí.
Trên cơ sở khảo sát thực tế hoạt động của một vài địa điểm, trao đổi ý kiến với các cán bộ Hải quan, cán bộ KTCN và các DN, đề nghị phát triển các địa điểm KTCN tập trung theo hướng: Xác định những bước thủ tục thực hiện tại địa điểm này, gồm: Tiếp nhận đăng ký, lấy mẫu; Trả kết quả kiểm tra;và đặc biệt là thực hiện việc Kiểm tra hồ sơ, ban hành kết luận kiểm tra trong trường hợp hàng hoá được áp dụng hình thức kiểm tra hồ sơ (kiểm tra giảm). Việc phân tích cấu tạo, thành phần hàng hoá bằng các thí nghiệm, các phép thử, cần phải có máy móc, thiết bị thì sẽ thực hiện tại các phòng thí nghiệm ở trụ sở của tổ chức kiểm định.
Với phạm vi công việc như trên, các địa điểm KTCN có thể phát huy tối đa tác dụng, mang lại hiệu quả cao, góp phần quan trọng vào việc đơn giản thủ tục, rút ngắn thời gian, giảm chi phí thông quan cho DN khi gắn liền với 3 giải pháp dưới đây:
Thay đổi phương thức KTCN, chuyển từ phương thức kiểm tra từng lô hàng sang phương thức quản lý rủi ro, kiểm tra trên cơ sở đánh giá mức độ tuân thủ pháp luật quản lý chuyên ngành của chú hàng, theo đó, hàng hoá của DN có quá trình tuân thủ pháp luật tốt sẽ được miễn KTCN hoặc áp dụng hình thức kiểm tra giảm (chỉ kiểm tra hồ sơ).
Theo kết quả của nhiều cuộc khảo sát trong những năm gần đây, hầu hết các lô hàng xuất nhập khẩu đều đạt mức quy định, chỉ có chưa tới 1% lô hàng không đạt. Hay nói cách khác, tuyệt đại bộ phận DN tuân thủ tốt pháp luật quản lý chuyên ngành. Nếu áp dụng phương thức kiểm tra trên đây thì hầu hết các lô hàng sẽ thuộc diện được miễn kiểm tra hoặc áp dụng hình thức kiểm tra đơn giản (chỉ kiểm tra hồ sơ), thực hiện ngay tại Địa điểm kiểm tra tập trung.
Các tổ chức kiểm định bố trí cán bộ đủ thẩm quyền làm việc tại địa điểm kiểm tra tập trung để ban hành ngay kết luận kiểm tra sau khi hồ sơ được kiểm tra cho kết quả đạt mức quy định. Thực tế, các đơn vị kiểm dịch tại Tân Sơn Nhất, Cát Lái đã bố trí cán bộ đủ thẩm quyền quyết định tại chỗ nên rút ngắn được thời gian.
Trong khi chưa thể tham gia Cổng thông tin điện tử quốc gia, tại các địa điểm này cần thực hiện thủ tục đăng ký và trả kết quả KTCN bằng đường điện tử mà Cục Hải quan TP.HCM đã triển khai, thuận lợi cho cả DN, Hải quan và cơ quan KTCN.