Đã có đơn vị đề nghị hoàn trả vốn đầu tư công


Bộ Tài chính vừa có Văn bản số 7764/BTC-ĐT trình Thủ tướng Chính phủ về tình hình thanh toán vốn đầu tư ngân sách nhà nước lũy kế 5 tháng 2020 và ước thực hiện 6 tháng đầu năm 2020. Báo cáo cho thấy có tới 34 bộ, ngành và 7 địa phương có tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công rất thấp.

Các bộ, ngành, địa phương cần có sự chủ động, quyết liệt triển khai nhiều giải pháp nhằm hoàn thành mục tiêu giải ngân vốn đầu tư công năm 2020.
Các bộ, ngành, địa phương cần có sự chủ động, quyết liệt triển khai nhiều giải pháp nhằm hoàn thành mục tiêu giải ngân vốn đầu tư công năm 2020.

Theo báo cáo của Bộ Tài chính, ước tính đến hết tháng 6/2020, cá biệt còn có một số cơ quan trung ương có tỉ lệ thanh toán vốn đầu tư công 0%, đó là: Hội Chữ Thập đỏ Việt Nam, Hội Nhạc sĩ Việt Nam, Ủy ban Quản lý vốn doanh nghiệp nhà nước...

Bộ Tài chính đã đẩy mạnh hiện đại hóa việc quản lý đơn rút vốn; xây dựng Nghị định về quản lý, thanh toán, quyết toán dự án sử dụng vốn đầu tư công theo Nghị quyết số 96/NQ-CP ngày 12/6/2020 của Chính phủ… Bên cạnh đó, thường xuyên có văn bản đôn đốc các bộ, ngành, địa phương sớm phân bổ và nhập hệ thống TABMIS để có cơ sở thanh toán vốn.

Bên cạnh đó, có 46 bộ, ngành và địa phương có tỷ lệ thanh toán kế hoạch vốn đầu tư công năm nay trên 30%, bao gồm: Liên minh Hợp tác xã Việt Nam với tỷ lệ 100%, Hội Nhà văn 93,59%, tỉnh Hưng Yên 62%, Ngân hàng Phát triển Việt Nam 61%...

Bộ Tài chính lý giải, nguyên nhân khiến giải ngân vốn đầu tư công thấp hiện nay là do phân bổ vốn chậm, dù hết 6 tháng nhưng có đơn vị chưa phân bổ vốn kế hoạch cho năm 2020. Bên cạnh đó, vướng mắc về cơ chế, chính sách đền bù giải phóng mặt bằng đã làm chậm tiến độ các dự án.

Ngoài ra, dịch Covid-19 cũng ảnh hưởng không nhỏ đến tiến độ giải ngân vốn đầu tư công ở các Bộ, ngành, địa phương. Theo Bộ Tài chính, thủ tục phê duyệt đấu thầu còn kéo dài, tốn nhiều thời gian để thực hiện các thủ tục...

Theo báo cáo của Bộ Tài chính, đã có 2 đơn vị gửi văn bản đến Bộ Tài chính xin được trả hơn 1.808 tỷ đồng vốn đầu tư công. Đây là số vốn vay nước ngoài mà Chính phủ đã giao và Bộ không có nhu cầu sử dụng.

Cụ thể, trong văn bản gửi Bộ Tài chính, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cho biết, tổng vốn kế hoạch năm 2020 của Bộ này được Thủ tướng giao là 3.600 tỷ đồng thực hiện 25 dự án ODA. Ngay sau có quyết định giao vốn của Thủ tướng, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đã phân bổ vốn để thực hiện giải ngân.

Tuy nhiên, căn cứ vào Hiệp định vay, thỏa ước với các nhà tài trợ, kế hoạch vốn vay 2020 có thể giải ngân đến ngày 31/1/2021 của 25 dự án trên chỉ khoảng 1.830 tỷ đồng. Số vốn kế hoạch vốn vay nước ngoài thừa, không sử dụng là hơn 1.800 tỷ đồng.

Do đó, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đề nghị Thủ tướng điều chuyển số vốn hơn 1.808 tỷ đồng kế hoạch vốn nước ngoài đã giao sang các Bộ, ngành và địa phương khác có khối lượng thực hiện và đảm bảo đủ điều kiện giải ngân. Kiến nghị này của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đang được cấp có thẩm quyền xem xét.

Đơn vị thứ hai xin trả lại vốn đầu tư công là Ủy ban Quản lý vốn nhà nước, đơn vị này đã có công văn gửi Bộ Tài chính và Bộ Kế hoạch và đầu tư đề nghị hoàn trả ngân sách nhà nước 1,6 tỷ đồng vốn kế hoạch được giao...

Trước đó, để thúc đẩy tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ đã có nhiều văn bản chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương tập trung thực hiện nhiệm vụ này. Bộ Tài chính cũng đã đẩy mạnh hiện đại hóa việc quản lý đơn rút vốn; xây dựng Nghị định về quản lý, thanh toán, quyết toán dự án sử dụng vốn đầu tư công theo Nghị quyết số 96/NQ-CP ngày 12/6/2020 của Chính phủ…

Bên cạnh đó, Bộ Tài chính cũng thường xuyên có văn bản đôn đốc các bộ, ngành, địa phương sớm phân bổ và nhập hệ thống TABMIS (Thông tin quản lý ngân sách và kho bạc số dự toán được giao) để có cơ sở thanh toán vốn. Đồng thời, rà soát, hoàn thiện các quy trình, thủ tục liên quan đến kiểm soát chi, rút vốn, hạch toán.

Theo PGS.,TS. Trần Đình Thiên - nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, trong bối cảnh nguồn vốn đầu tư khu vực tư nhân giảm sút, việc phấn đấu giải ngân hết nguồn lực đầu tư công trong năm 2020 sẽ góp phần quan trọng kích cầu đầu tư xã hội, duy trì đà tăng trưởng của nền kinh tế. Nếu giải ngân được, khu vực doanh nghiệp và nền kinh tế hồi sinh rất cao.

“Mấy trăm nghìn tỷ đồng vốn đầu tư công hiện chưa giải ngân, nếu bơm được “dòng máu” này vào nền kinh tế, sẽ hỗ trợ rất nhiều cho xã hội, doanh nghiệp và toàn bộ nền kinh tế, thúc đẩy sản xuất”, PGS.,TS  Trần Đình Thiên nhấn mạnh.

Trong bối cảnh đó, yêu cầu đặt ra hiện nay là các bộ, ngành, địa phương cần có sự chủ động, quyết liệt triển khai nhiều giải pháp nhằm hoàn thành mục tiêu giải ngân vốn đầu tư công năm 2020 theo chỉ đạo của Chính phủ và coi đây là một nhiệm vụ trọng tâm quyết liệt triển khai.