Không để tình trạng trì trệ trong giải ngân vốn đầu tư công ảnh hưởng đến đất nước


Đó là yêu cầu của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại phiên họp trực tuyến thường trực Chính phủ với các địa phương về giải ngân vốn đầu tư công tổ chức sáng ngày 16/7.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì cuộc họp với các bộ, ngành địa phương về đẩy nhanh giải ngân đầu tư công, ngày 16/7. Nguồn: chinhphu.vn
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì cuộc họp với các bộ, ngành địa phương về đẩy nhanh giải ngân đầu tư công, ngày 16/7. Nguồn: chinhphu.vn

Phát biểu tại phiên họp, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc một lần nữa khẳng định: "Đầu tư công là cứu cánh quan trọng để chúng ta vượt qua khó khăn, giải quyết việc làm, tăng thu nhập, thúc đẩy tăng trưởng". Vì vậy, trách nhiệm của Chính phủ, của các bộ ngành, địa phương là rất lớn, phải tập trung giải ngân hết hơn 633.000 tỷ đồng trong năm 2020.

Theo báo cáo của Bộ Tài chính, giải ngân trong nửa đầu năm 2020 đạt gần 159.400 tỷ đồng, xấp xỉ 34% kế hoạch, tăng nhẹ so với cùng kỳ 2019, nhưng vẫn thấp so với yêu cầu và còn lượng vốn lớn chưa giải ngân. 6 tháng đầu năm 2020, có 3 bộ, cơ quan trung ương và 9 địa phương có tỷ lệ giải ngân trên 50%; còn 30 bộ, 3 địa phương giải ngân dưới 20%. Thậm chí có 7 bộ, cơ quan trung ương tỷ lệ giải ngân dưới 5%.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khen một số địa phương giải ngân vốn nhanh như Nghệ An, Thái Bình, Hưng Yên, Ninh Bình, Phú Thọ, Lào Cai, Bắc Ninh, Hà Nam, Tiền Giang nhờ đạt tỷ lệ giải ngân 44-45%, thậm chí có những địa phương đạt 60-70%.

Tuy nhiên, một loạt địa phương cũng đã bị phê bình nghiêm khi có tình trạng giải ngân vốn đầu tư công "rất chậm", như: Quảng Trị, Trà Vinh, Khánh Hòa, Hòa Bình, Cần Thơ, Đà Nẵng, Ninh Thuận, Đồng Nai.

Để đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công trong các tháng cuối năm 2020, Thủ tướng yêu cầu lãnh đạo các địa phương phải có biện pháp mạnh mẽ, không để trì trệ trong giải ngân vốn đầu tư công ảnh hưởng đến đất nước.

Người đứng đầu Chính phủ yêu cầu các địa phương có chế độ giao ban, kiểm tra, đôn đốc, tập trung chỉ đạo vấn đề giải ngân. “Với tình hình này, chúng ta cần có biện pháp mạnh, chế tài mạnh, để giải quyết, đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công. Đây là nhiệm vụ chính trị cần thiết trong 6 tháng cuối năm”, Thủ tướng nhấn mạnh.

Thủ tướng cũng mong muốn, ngay tại hội nghị, đại diện các bộ, ngành, địa phương phải nêu được các vướng mắc về thể chế pháp luật, Chính phủ sẽ quyết định các giải pháp khả thi để thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công; đồng thời, phải giải quyết được tình trạng vốn đọng, có tiền đó mà không tiêu được; không để nợ đọng, tức là hạng mục thi công xong, đã hoàn thành nhưng không quyết toán; không để thủ tục đọng, một vấn đề phổ biến hiện nay...

Thủ tướng yêu cầu, ngay sau hội nghị này, các bộ, ban, ngành và địa phương phải có hành động, các Bí thư, Chủ tịch tỉnh, lãnh đạo các bộ, ngành phải xuống tận nơi nắm tình hình, chứ không được để tình trạng quan liêu, xa dân làm ảnh hưởng đến giải ngân đầu tư công. Đồng thời, cần chỉ ra các kinh nghiệm tốt của các địa phương, để từ đó nhân rộng ra các địa phương khác.

Tổng vốn đầu tư công nguồn ngân sách nhà nước được phép thực hiện trong năm 2020 là gần 700 nghìn tỷ đồng, gấp 2,2 lần số vốn thực giải ngân trong năm 2019 (312 nghìn tỷ đồng), bao gồm: 470,6 nghìn tỷ đồng trong dự toán năm 2020 và 225,2 nghìn tỷ đồng vốn năm 2019 chuyển sang.