Bộ Tài chính ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin, tích cực chuyển đổi số

Trần Huyền

Là một trong những bộ luôn đi đầu trong công tác xây dựng Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số và nền kinh tế số, Bộ Tài chính đã chủ động, quyết liệt ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin vào hoạt động, trở thành công cụ hỗ trợ đắc lực cho quá trình quản lý và điều hành tài chính - ngân sách.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Hoàn thiện thể chế cho xây dựng, phát triển Chính phủ điện tử, Chính phủ số

Thời gian qua, Bộ Tài chính đã triển khai có hiệu quả Nghị quyết số 17/NQ-CP ngày 07/3/2019 của Chính phủ về một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm phát triển Chính phủ điện tử giai đoạn 2019 - 2020, định hướng đến 2025, Quyết định số 749/QĐ-TTg ngày 03/6/2020 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 và Quyết định số 1874/QĐ-BTC về kế hoạch hành động của Bộ Tài chính thực hiện Quyết định số 749/QĐ-TTg ngày 03/6/2020 của Thủ tướng Chính phủ.

Theo đó, công tác hoàn thiện thể chế phục vụ xây dựng, phát triển Chính phủ điện tử, Chính phủ số đã được Bộ Tài chính triển khai hiệu quả. 6 tháng đầu năm 2022, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 61/2021/TT-BTC ngày 26/7/2021 hướng dẫn xây dựng dự toán ngân sách nhà nước năm 2022, kế hoạch tài chính – ngân sách nhà nước 3 năm 2022-2024, bao gồm cả các nội dung mua sắm phần mềm, ứng dụng công nghệ thông tin; Quyết định số 780/QĐ-BTC ngày 17/5/2022 về kế hoạch thực hiện nhiệm vụ của Bộ Tài chính tại chiến lược phát triển thống kê Việt Nam giai đoạn 2021-2023, tầm nhìn đến năm 2045. Hiện nay, Bộ Tài chính đang hoàn thiện dự thảo Đề án đổi mới quy trình, nghiệp vụ, ngành Tài chính phù hợp với mô hình kinh tế số. 

Bộ Tài chính đã ban hành Quyết định số 2140/QĐ-BTC ngày 21/12/2020 về quy chế quản lý và sử dụng chữ ký số, chứng thư số tại Bộ Tài chính, xây dựng Kế hoạch ứng dụng chữ ký số và lộ trình sử dụng văn bản điện tử tiến tới thay thế cho văn bản giấy trong điều hành, xử lý công việc. Bên cạnh đó, đã ban hành Quyết định số 44/QĐ-BTC ngày 13/1/2022 về Kế hoạch hành động của Bộ Tài chính triển khai thực hiện Quyết định số 127/QĐ-TTg ngày 26/1/2021 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành “Chiến lược quốc gia về nghiên cứu, phát triển và ứng dụng Trí tuệ nhân tạo đến năm 2030”.

Trong Chiến lược tài chính đến năm 2030, Bộ Tài chính đã trình Thủ tướng Chính phủ ban hành, đẩy mạnh hiện đại hóa, phát triển nền tảng tài chính số trên cơ sở ứng dụng công nghệ thông tin gắn với chuyển đổi số đã được xác định là một trong các đột phá chiến lược trong chiến lược ngành Tài chính đến năm 2030.

Cụ thể, Bộ Tài chính đã ban hành Quyết định số 43/QĐ-BTC ngày 13/1/2022 ban hành kế hoạch kiểm tra hoạt động ứng dụng công nghệ thông tin năm 2022 tại các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp thuộc Bộ Tài chính, Quyết định số 196/QĐ-BTC ngày 22/2/2022 về việc phê duyệt chủ trương hành động ứng dụng công nghệ thông tin Thuê dịch vụ Hệ thống điện tử đa phương tiện hỗ trợ chỉ đạo điều hành của Bộ Tài chính; Quyết định số 273/QĐ-BTC ngày 03/3/2022 phê duyệt kế hoạch ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của cơ quan Bộ Tài chính, phát triển Chính phủ số và đảm bảo an toàn thông tin mạng giai đoạn 2021-2025.

Tập trung xây dựng, phát triển các hệ thống nền tảng, ứng dụng

Cùng với hoàn thiện thể chế cho chuyển đổi số, Bộ Tài chính đã tập trung xây dựng, phát triển các hệ thống nền tảng, ứng dụng. 6 tháng đầu năm 2022, Bộ Tài chính tiếp tục vận hành đảm bảo hoạt động ổn định của Hệ thống kết nối chia sẻ Dữ liệu số ngành Tài chính, trục Liên thông văn bản điện tử ngành Tài chính, đã ban hành kế hoạch thuê Dịch vụ nền tảng chia sẻ, tích hợp dữ liệu dùng chung ngành Tài chính phục vụ Tài chính điện tử hướng tới Tài chính số.

Chương trình Quản lý văn bản và điều hành (eDocTC) phục vụ công tác điều hành, xử lý tác nghiệp văn bản điện tử trên môi trường mạng đã được áp dụng chữ số điện tử tại tất cả các cấp từ ngày 01/01/2022. Chương trình được triển khai áp dụng cho tất cả cán bộ, công chức của 25 đơn vị tại trụ sở cơ quan Bộ và 04 đơn vị sự nghiệp thuộc Bộ. Toàn bộ quy trình tin học hóa các nghiệp vụ xử lý văn bản trên chương trình eDocTC được xây dựng tuân thủ theo Quyết định số 258/QĐ-BTC ngày 26/02/2020 của Bộ Tài chính về việc ban hành Quy trình tiếp nhận, xử lý, phát hành và quản lý văn bản điện tử qua chương trình Quản lý văn bản và điều hành cơ quan Bộ Tài chính.

Để hỗ trợ tốt nhất cho người dân, doanh nghiệp, Hệ thống hỏi đáp chính sách tài chính đã được tích hợp trên Cổng thông tin điện tử Bộ Tài chính, đặt tại chuyên mục Hỏi đáp chính sách tài chính. Người dân và doanh nghiệp khi gặp những vướng mắc trong thực hiện các chính sách thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ Tài chính có thể truy cập chuyên mục Hỏi đáp chính sách tài chính đặt câu hỏi và gửi đến Bộ Tài chính để được giải đáp.

Đẩy mạnh cung cấp dịch vụ công trực tuyến

Để tạo điều kiện thuận lợi, tiết giảm chi phí hơn nữa cho người dân, doanh nghiệp nhằm thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội, Bộ Tài chính xác định, đẩy mạnh cung cấp dịch vụ công trực tuyến là ưu tiên hàng đầu trong quá trình xây dựng Chính phủ điện tử, Chính phủ số.

Theo đó, 100% thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết của Bộ Tài chính và các đơn vị trực thuộc đã được cung cấp dịch vụ công trực tuyến. Tính đến nay, tổng số dịch vụ công trực tuyến của Bộ Tài chính thực tế triển khai là 869, trong đó, số dịch vụ công trực tuyến mức độ 1 là 92 (tỷ lệ 10,58%); số dịch vụ công trực tuyến mức độ 2 là 258 (tỷ lệ 29,7%); số dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 là 62 (tỷ lệ 7,13%); số dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 là 457 (tỷ lệ 52,59%). Tổng số dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 là 519 (tỷ lệ 59,72%).  

Theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương phải cung cấp 30% dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 trên Cổng Dịch vụ công quốc gia trong năm 2020. Nhờ tích cực triển khai thực hiện, đến nay, Bộ Tài chính đã hoàn thành kết nối, tích hợp 358/519 dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 trên Cổng Dịch vụ công quốc gia, đạt tỷ lệ 68,98% (vượt hơn 30% so với yêu cầu của Chính phủ).

Dịch vụ công trực tuyến của Bộ Tài chính cung cấp ngày càng nhiều tiện ích, giúp giảm thời gian, chi phí, đem lại sự hài lòng cho các tổ chức và cá nhân, doanh nghiệp khi tham gia giao dịch với cơ quan tài chính. Vì vậy, các dịch vụ công trực tuyến của Bộ Tài chính luôn được người dân, tổ chức, doanh nghiệp, đánh giá cao.

Có thể nói, Bộ Tài chính đã chủ động, tiên phong ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin trong mọi mặt hoạt động, mang lại hiệu quả thiết thực trong điều hành tài chính - ngân sách cũng như tạo thuận lợi tối đa cho các tổ chức, cá nhân. Theo Chỉ số sẵn sàng cho phát triển và ứng dụng công nghệ thông tin và truyền thông Việt Nam (Viet Nam ICT Index) năm 2020 được Bộ Thông tin và truyền thông công bố, Bộ Tài chính tiếp tục đứng đầu các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ có cung cấp dịch vụ công. Đây là lần thứ 8 liên tiếp (2013-2020) Bộ Tài chính dẫn đầu bảng xếp hạng này.