Đại biểu Quốc hội đánh giá cao công tác điều hành ngân sách nhà nước

Trần Huyền

Thảo luận ở hội trường về phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước năm 2022 sáng 7/6, các đại biểu Quốc hội đều đánh giá cao công tác điều hành và thống nhất với việc phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước năm 2022.

Các đại biểu tại phiên thảo luận.
Các đại biểu tại phiên thảo luận.

Theo đại biểu Nguyễn Trúc Sơn - Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bến Tre, qua số liệu về quyết toán năm 2022, đại biểu đánh giá rất cao công tác điều hành của Chính phủ khi 03 chỉ số rất quan trọng của năm 2022 đều đạt và vượt, số tăng thu của năm 2022 rất cao, tạo ra nguồn lực để tập trung đầu tư xây dựng các công trình trọng điểm, nhất là các tuyến đường cao tốc, các tuyến đường liên vùng, những dự án trọng điểm quốc gia và địa phương.

Bên cạnh đó, trong năm 2022, số thực chi thấp hơn dự toán, số bội chi ngân sách cũng rất tiết kiệm, chi thấp hơn so với chỉ tiêu Quốc hội giao... Qua Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tài chính - Ngân sách, Báo cáo của Tổng Kiểm toán Nhà nước, đại biểu bày tỏ đánh giá cao và thống nhất với việc phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước năm 2022. 

Liên quan đến điều hành ngân sách địa phương, đại biểu Nguyễn Trúc Sơn đề nghị cân nhắc việc cho phép sử dụng nguồn thu từ xổ số kiến thiết cho việc xây dựng kết cấu hạ tầng cơ quan cấp xã trong thời gian tới.

Cùng nhận định trên, đại biểu Đỗ Thị Lan - Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Ninh đánh giá cao Chính phủ và cơ bản thống nhất với Báo cáo của Chính phủ, Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội về Báo cáo Quyết toán ngân sách nhà nước năm 2022. Đại biểu đánh giá, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã quan tâm chỉ đạo, có nhiều giải pháp đồng bộ, quyết liệt để thực hiện dự toán ngân sách nhà nước. 

Trong đó, thu ngân sách năm 2022 vượt dự toán 28,8%, thu từ các khu vực doanh nghiệp nhà nước, FDI, kinh tế ngoài quốc doanh đều đạt và vượt dự toán. Ngân sách đã cân đối chi thực hiện mục tiêu phục hồi phát triển kinh tế - xã hội năm 2022, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế, giảm nợ công và bội chi ngân sách.

Về công tác quyết toán ngân sách năm 2022, đại biểu Đỗ Thị Lan cho biết, ngay sau khi có Nghị quyết số 91/2023/QH15 ngày 19/6/2023 về phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước năm 2021, Chính phủ đã ban hành chỉ thị với nhiều giải pháp cụ thể thực hiện đạt kết quả. Ủy ban Tài chính - Ngân sách đã tăng cường giám sát, làm việc với các bộ, ngành liên quan đôn đốc thực hiện quy định của Nhà nước, các nghị quyết của Quốc hội, Bộ Tài chính, các bộ, ngành địa phương, Kiểm toán Nhà nước có nhiều cố gắng trong công tác báo cáo quyết toán ngân sách nhà nước. Việc tăng cường cường kỷ luật, kỷ cương tài chính, ngân sách; rà soát, thu hồi tạm ứng quá hạn và thực hiện kết luận của Kiểm toán Nhà nước có nhiều chuyển biến tích cực.

Đại biểu cho rằng, bên cạnh kết quả đạt được, đại biểu đề nghị Chính phủ quan tâm chỉ đạo nâng cao chất lượng công tác dự báo tình hình, hướng đến số liệu báo cáo đánh giá kết quả thực hiện ngân sách nhà nước sát hơn. Đại biểu cũng đề nghị Chính phủ quan tâm đến số chuyển nguồn ngân sách lớn, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công thấp...

Thảo luận tại hội trường, đại biểu Phạm Thị Thanh Mai - Đoàn đại biểu Quốc hội TP. Hà Nội bày tỏ đồng tình với Báo cáo của Chính phủ, Báo cáo của Kiểm toán Nhà nước đã kiểm toán, quyết toán ngân sách nhà nước năm 2022. Quan tâm về vấn đề đầu tư xây dựng cơ bản, đầu tư công, đại biểu đánh giá cao Bộ Tài chính và Kho bạc Nhà nước trong thời gian qua đã đẩy nhanh công tác thanh toán khối lượng hoàn thành.

Tuy nhiên, đại biểu Phạm Thị Thanh Mai cho rằng, cần làm rõ trách nhiệm của các chủ đầu tư, các nhà thầu, các cơ quan trung ương và địa phương để tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy nhanh hơn công tác phân bổ vốn đầu tư xây dựng cơ bản, đầu tư công.