Đại dịch có kết thúc trong năm 2022?
Biến chủng Omicron đang lây lan trên toàn thế giới với tốc độ nhanh chưa từng thấy so với tất cả các biến chủng cũ, làm đảo lộn mọi dự đoán trước đó. Các nhà quan sát cho rằng, năm 2022 sẽ cần một hướng đi mới để đối phó với dịch bệnh.
Mọi dự đoán bị đảo lộn
Cuối năm 2021, các chuyên gia về dịch tễ dự đoán rằng các quốc gia sẽ dần thoát khỏi đại dịch COVID-19 vào năm 2022 sau khi phần nào kiểm soát được hàng loạt làn sóng dịch bệnh do các biến thể Alpha, Beta, Gamma và Delta.
Ở một vài quốc gia, dịch COVID-19 được cho là sẽ dễ dàng trở thành một căn bệnh đặc hữu, với những đợt bùng phát định kỳ, theo mùa ít nghiêm trọng hơn. Nhưng sự lây lan nhanh chóng của biến thể Omicron, cũng như khả năng tái nhiễm bệnh rõ ràng với tỷ lệ cao hơn so với các biến chủng cũ, đang làm suy yếu hy vọng sẽ đạt miễn dịch cộng đồng tại mọi quốc gia trên thế giới.
Để ngăn chặn sự lây lan của biến chủng này, các quốc gia đã tái áp đặt các biện pháp phòng chống dịch như hạn chế đi lại, yêu cầu bắt buộc sử dụng khẩu trang, khuyến cáo không nên tụ tập đông người. Điều này đã làm lung lay những dự đoán về khả năng phục hồi kinh tế, cũng như những dự định trong năm 2022.
Các chuyên gia dịch tễ cho biết, mặc dù các biện pháp hạn chế nghiêm ngặt có thể sẽ không được tái áp đặt như trước, nhưng thế giới sẽ tiếp tục cần phải phủ sóng vắc xin, tiêm mũi tăng cường để vượt qua đại dịch. Ngay cả sau khi COVID-19 trở thành một căn bệnh phổ biến hơn, các biến thể mới vẫn sẽ tiếp tục xuất hiện và bùng phát theo mùa trong nhiều năm tới.
Chuyên gia về bệnh truyền nhiễm tại Trung tâm An ninh Y tế Johns Hopkins Amesh Adalja cho biết, thế giới đang cố gắng hướng tới giải pháp sống chung với đại dịch COVID-19, nhưng điều này không có nghĩa là virus SARS-CoV-2 sẽ không còn là mối đe dọa, điển hình với biến chủng Omicron hiện nay. Thay vào đó, các công ty dược phẩm, các nhà khoa học sẽ cần phải sẵn sàng điều chỉnh các loại vắc xin hiện có khi có biến thể tiếp theo xuất hiện.
Kéo gần khoảng cách vắc xin
Bên cạnh siết chặt kiểm soát biên giới và tăng cường các lớp bảo vệ bằng vắc xin, thế giới cần phải chạy đua nhằm lấp đầy khoảng cách vắc xin. Theo Liên Hợp Quốc, việc chấm dứt tình trạng bất bình đẳng vắc xin là yếu tố quan trọng để chấm dứt đại dịch, hoặc thậm chí có thể ngăn chặn được biến chủng mới, cũng như sự bùng phát đợt dịch mạnh mẽ trong tương lai.
Trung Quốc, Nhật Bản, Liên minh châu Âu (EU) đã trở thành những quốc gia và khu vực mới nhất cam kết cung cấp 15 triệu liều vắc xin cho châu Phi. Trái ngược với tình trạng thiếu vắc xin diễn ra trong suốt cả năm qua, trong khoảng cuối năm 2021, châu Phi đã nhận được khoảng 2 triệu liều vắc xin mỗi tuần và dự kiến sẽ nhận được từ 800 triệu đến gần 1 tỷ liều vắc xin thông qua cơ chế COVAX trong quý I.2022.
Cũng giống như Delta, khi biến thể Omicron xuất hiện, các nhà khoa học đều nhấn mạnh rằng không nước nào có thể thoát khỏi đại dịch chỉ bằng cách tập trung bảo vệ công dân nước mình. Điều này càng được thể hiện rõ trong vấn đề tiêm chủng. Việc các nước giàu đẩy mạnh mũi tiêm tăng cường chỉ càng làm gia tăng tình trạng bất bình đẳng vắc xin trong khi đây chính là điều góp phần khiến biến chủng mới hình thành ở phía nam châu Phi.
Tính đến nay, gần 45% dân số thế giới đã tiêm vắc xin đầy đủ, tỷ lệ này thấp hơn nhiều so với mục tiêu đề ra là 70 - 80%. Trong số này phần lớn là người dân ở các nước nước giàu và chỉ 0,6% nguồn cung vắc xin toàn cầu được chuyển tới các nước thu nhập thấp. Ước tính, hơn 80% trong tổng số 1,2 tỷ người ở châu Phi vẫn chưa nhận được bất kỳ mũi tiêm vắc xin ngừa COVID-19 và mới chỉ có 8% được chủng ngừa đầy đủ.
Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres cho biết, chiến lược tích trữ vắc xin đã thất bại và biến thể Omicron đã chứng minh điều này. Do đó, để giải quyết được phần nào đại dịch, ít nhất đối với biến thể mới thì việc phân phối vắc xin một cách công bằng phải được thực hiện nhanh chóng trong năm 2022.
2022 hay 2024?
Trước thực tế cả thế giới vẫn đang phải vật lộn để kiểm soát biến thể mới, một số nhà khoa học không hoàn toàn từ bỏ hy vọng về khả năng thoát khỏi đại dịch và phục hồi kinh tế vào năm 2022. Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), hơn 270 triệu người đã nhiễm COVID-19, trong khi ước tính khoảng 57% dân số toàn cầu đã được tiêm ít nhất một liều vắc xin. Điều này giúp cho người dân có một tấm khiên bảo vệ tiềm năng mà cách đây hai năm họ chưa có. Ngay cả khi khả năng miễn dịch đó không đủ để chống lại Omicron nhưng không hoàn toàn vô giá trị. Miễn dịch do tiêm chủng vẫn giúp giảm nguy cơ bệnh chuyển biến nặng và tỷ lệ tử vong.
Một số chuyên gia nhận định COVID-19 sẽ không còn ở cấp độ đại dịch nguy hiểm trong năm 2022, do tỷ lệ chủng ngừa toàn cầu có xu hướng tăng mạnh cũng như sự phát triển của thuốc điều trị COVID-19 sắp được phân phối đại trà trong năm 2022. Ngoài ra, mũi tiêm tăng cường ngừa COVID-19 có thể sớm trở thành thông lệ, và sẽ được tiêm nhắc lại hàng năm tương tự như vắc xin cảm cúm.
Sau 2 năm chiến đấu với đại dịch, các nước đều nhận thấy các biện pháp chống dịch nhằm loại bỏ triệt để COVID-19 (zero COVID-19) chỉ đưa đến những thiệt hại lớn về kinh tế. Xu hướng "sống chung với đại dịch" trong năm 2022 đồng nghĩa với việc các nước sẽ phải đánh giá đúng rủi ro nơi mình sống và tự bảo vệ bằng chiến dịch vắc xin, các biện pháp phòng bệnh như đeo khẩu trang, hạn chế tụ tập. Các biến thể đáng lo ngại xuất hiện về sau có khả năng làm mất tác dụng của vắc xin cao hơn, và do đó tác động sâu rộng đến kinh tế, cũng như gây áp lực lên hệ thống y tế ở nhiều quốc gia. Tuy nhiên, nếu các chính phủ phân phối vắc xin một cách công bằng, các biến thể có thể sẽ không còn độc lực mạnh mẽ như trước đây.
Cho đến nay, hầu hết các nghiên cứu xem xét hiệu quả của vắc xin chống lại biến chủng Omicron đều tập trung vào việc trung hòa các kháng thể, bám vào virus, ngăn virus xâm nhập và lây nhiễm tế bào. Kết quả xét nghiệm máu từ những người được tiêm chủng đầy đủ cho thấy, biến chủng Omicron đã học cách thoát khỏi trạng thái trung hòa, nhưng một liều tiêm tăng cường có thể khôi phục lại sự bảo vệ đó.
Theo Giám đốc khoa học của Hãng dược Pfizer Mikael Dolste, trong một hoặc hai năm tới, một số khu vực trên thế giới sẽ tiếp tục đối mặt với sự lây lan của virus SARS-CoV-2, song sẽ có một số nước chuyển sang thời kỳ cuối của dịch bệnh với số ca nhiễm mới thấp và hoàn toàn được kiểm soát. Đến năm 2024, dịch bệnh COVID-19 sẽ hoàn toàn kết thúc trên thế giới.
Tuy nhiên, ông cho rằng thời điểm chính xác đại dịch kết thúc và kết thúc như thế nào sẽ phụ thuộc vào nhiều yếu tố như diễn biến dịch bệnh, hiệu quả của các chương trình tiêm chủng vắc xin cũng như liệu pháp trị bệnh và sau cùng là phân phối công bằng vắc xin tới những nước có tỷ lệ tiêm chủng thấp.