Đại lý thu - “Cánh tay nối dài” trong phát triển đối tượng tham gia BHXH tự nguyện, BHYT
Trong những năm qua, với các “cánh tay nối dài” là những đại lý thu, ngành Bảo hiểm xã hội (BHXH) đã đạt nhiều kết quả khả quan trong phát triển đối tượng tham gia BHXH tự nguyện, bảo hiểm y tế (BHYT). Qua hệ thống đại lý thu, công tác phát triển đối tượng tham gia BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình đã mang lại những hiệu ứng tích cực, hàng năm đều đạt kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao về phát triển đối tượng.
Bước phát triển vượt bậc của đại lý thu
Thống kê của BHXH Việt Nam cho thấy, hiện tại, ngành BHXH đã mở rộng và phát triển được trên 12.000 đại lý thu với trên 37.000 điểm thu và trên 52.000 nhân viên đại lý thu, tăng 27% số đại lý thu, tăng 33% điểm thu và tăng 57% số nhân viên đại lý thu so với năm 2016.
Theo Phó Tổng giám đốc BHXH Trần Đình Liệu, trong những năm qua, với các “cánh tay nối dài” là những đại lý thu, ngành BHXH đã đạt nhiều kết quả khả quan trong phát triển đối tượng tham gia BHXH tự nguyện, BHYT. Qua hệ thống đại lý thu, công tác phát triển đối tượng tham gia BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình ngày càng tăng, hàng năm đều đạt kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao về phát triển đối tượng.
Sau gần 5 năm tổ chức triển khai thực hiện quy định hoạt động của đại lý thu BHXH, BHYT, BHXH các tỉnh, thành phố đã tích cực triển khai có hiệu quả quy định, cơ bản đáp ứng được yêu cầu quản lý đại lý thu thống nhất trên toàn quốc; hoạt động của đại lý thu đã đi vào nề nếp.
Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện các quy định hoạt động của đại lý thu BHXH, BHYT đã bộc lộ một số bất cập, hạn chế như: Chưa quy định về pháp nhân đối với một số tổ chức làm đại lý thu; Chưa quy định đối với đại lý thu được cơ quan BHXH ủy quyền thực hiện một số nhiệm vụ khác; Công tác đào tạo, bồi dưỡng quy trình khai thác phát triển đối tượng cho nhân viên đại lý thu chưa được chú trọng; Nhân viên đại lý thu chưa chuyên nghiệp, kiêm nhiệm nhiều công việc, chưa chủ động trong việc tiếp cận đến một số địa bàn rộng, dân cư không tập trung; chưa hiểu rõ về chính sách BHXH, BHYT...
Thực tiễn triển khai hoạt động của đại lý thu đòi hỏi cần có một quy trình khai thác, phát triển đối tượng tham gia BHXH tự nguyện, BHYT thống nhất áp dụng toàn quốc. Trên cơ sở đó, cần chuẩn hóa bằng cách tạo hành lang pháp lý mới, áp dụng công nghệ đối với các hoạt động này là yêu cầu bức thiết.
Cần chuẩn hóa đại lý thu BHXH, BHYT
Trong tháng 7/2020, BHXH Việt Nam đã liên tiếp tổ chức 2 hội thảo lấy ý kiến về “sửa đổi, bổ sung quy định hoạt động đại lý thu BHXH, BHYT; xây dựng tài liệu quy trình khai thác, phát triển đối tượng tham gia BHXH tự nguyện, BHYT”. Ban Thu (BHXH Việt Nam) đã đưa ra 2 dự thảo sửa đổi, bổ sung quy định hoạt động đại lý thu và xây dựng tài liệu quy trình khai thác, phát triển đối tượng tham gia BHXH tự nguyện, BHYT.
Theo đó, những nội dung mới sửa đổi phù hợp với thực tiễn như: Bổ sung quy định về quyền và trách nhiệm của đại lý thu, nhân viên đại lý thu cụ thể, rõ người rõ việc hơn, gắn kết trách nhiệm giữa các bên trong quy trình tổ chức thực hiện.
Điểm mới trong Dự thảo là đại lý thu có thêm 5 quyền và nhân viên đại lý thu có 3 quyền; thời hạn của hợp đồng đại lý thu được quy định chung là 1 năm áp dụng chung cho tất cả các loại hình… Dự thảo còn có quy định mới về nội dung đào tạo, bồi dưỡng, sát hạch và cấp thẻ nhân viên đại lý thu...
Về hệ thống biểu mẫu, sẽ thiết kế bổ sung các biểu mẫu tích hợp trong phần mềm quản lý thu SMS. Với biểu mẫu mới này, ngành BHXH sẽ nắm tốt hơn, cũng như theo dõi chặt chẽ quá trình tham gia BHXH, BHYT của người dân…
Tham gia đóng góp vào dự thảo, đại diện BHXH và bưu điện một số tỉnh, thành đã chỉ rõ một số điểm chưa rõ, chưa phù hợp. Đơn cử như: Việc quy định khống chế độ tuổi tối đa (65 tuổi) đối với đại lý thu là không hợp lý, bởi nhiều người đã làm lâu năm có kinh nghiệm nên khả năng vận động, tuyên truyền vẫn rất khả quan, thậm chí cao hơn những người khác, nhiều người làm đại lý trên 65 tuổi nhưng có uy tín và làm tốt nhiệm vụ. Vì vậy, BHXH Việt Nam nên nghiên cứu về độ tuổi, có thể cho giám đốc BHXH huyện thẩm định.
Một nội dung khác là không nên giao UBND xã làm đại lý, vì đây là cơ quan hành chính hay vấn đề nên tiếp tục ràng buộc người làm đại lý thu phải bắt buộc tham gia BHXH, BHYT, vì họ mới nắm rõ các quy định, vấn đề mình đang giới thiệu đến người dân...
Theo đề xuất của BHXH tỉnh Kiên Giang, Dự thảo cần quy định cam kết bồi thường chặt chẽ hơn nữa. Đơn cử, vừa qua ở Kiên Giang xảy ra trường hợp chủ đại lý ôm tiền đóng BHXH, BHYT bỏ trốn. Hỏi UBND xã thì UBND không chịu trách nhiệm vì chỉ là bên giới thiệu còn UBND huyện cũng nói không có nguồn bồi thường. Trong khi đó, việc kiện lại không thực hiện được, vì đối tượng đã bỏ trốn…
Nhiều ý kiến cũng cho rằng, Dự thảo cần đưa ra các quy định chặt chẽ hơn để kiểm soát các đại lý trục lợi, lạm dụng gây thất thoát quỹ BHXH và ảnh hưởng đến thực hiện chính sách.
Thống kê của BHXH Việt Nam cho thấy, hiện tại, ngành BHXH đã mở rộng và phát triển được trên 12.000 đại lý thu với trên 37.000 điểm thu và trên 52.000 nhân viên đại lý thu, tăng 27% số đại lý thu, tăng 33% điểm thu và tăng 57% số nhân viên đại lý thu so với năm 2016.