Đằng sau ý định Trung Quốc thành lập ngân hàng ở Nigeria
Đối với Trung Quốc, kế hoạch thành lập các chi nhánh ngân hàng ở Nigeria tạo cơ hội để họ hội nhập sâu hơn với các hệ thống tài chính của lục địa châu Phi, từ đó đưa đồng nội tệ của nước này trở thành đồng tiền dự trữ toàn cầu.
Hướng đi mới trong hợp tác tài chính
Phát biểu tại Tuần lễ Văn hóa Trung Quốc - Nigeria mới đây tại thủ đô Abuja, Đại sứ Trung Quốc tại Nigeria Cui Jianchun thông báo, ông đang đàm phán với một số ngân hàng lớn của Trung Quốc để thiết lập hoạt động tại Nigeria, trước khi lưu ý rằng trong số 10 ngân hàng lớn nhất thế giới, có 6 ngân hàng của Trung Quốc. Ông Cui Jianchin cho biết, việc thành lập các ngân hàng Trung Quốc tại nước này cũng sẽ là một nội dung thảo luận trong cuộc họp Ủy ban song phương Trung Quốc - Nigeria.
Đề xuất mới về các liên kết tài chính sâu sắc được cho sẽ giúp củng cố vững chắc hơn quan hệ song phương. Vào năm 2018, Nigeria và Trung Quốc đã ký một thỏa thuận hoán đổi tiền tệ ban đầu có thời hạn 3 năm. Như tên của nó, hoán đổi tiền tệ cho phép hai nước giao dịch bằng đồng nội tệ, thanh toán cho thương mại xuất nhập khẩu theo tỷ giá hối đoái được xác định trước mà không sử dụng đồng tiền thứ ba như dollar Mỹ. Quy mô của thỏa thuận hoán đổi được đặt ở mức 15 tỷ nhân dân tệ hoặc 720 tỷ naira.
Thỏa thuận hoán đổi tiền tệ là khởi đầu cho những thay đổi trong quan hệ giữa Nigeria và Trung Quốc, và rộng hơn là thay đổi trong quan hệ giữa Trung Quốc và lục địa châu Phi nói chung, nơi các giao dịch tài chính từ lâu tập trung vào các khoản vay hỗ trợ phát triển cơ sở hạ tầng và thương mại. Năm 2020, Zimbabwe trở thành quốc gia châu Phi thứ tư sau Nam Phi, Nigeria và Ghana ký thỏa thuận hoán đổi tiền tệ với Trung Quốc.
Thời gian gần đây, thương mại châu Phi đã chứng kiến những thay đổi đáng kể từ các tuyến thương mại thuộc địa sang thương mại phần lớn với Trung Quốc. Trung Quốc hiện là đối tác thương mại lớn nhất và dễ thấy nhất của châu Phi cận Sahara.
Kể từ đầu những năm 2000, thương mại của Trung Quốc với châu Phi đã tăng hơn 2.000%, đạt 200 tỷ USD vào năm 2019. Trung Quốc cũng đã công bố Quỹ Phát triển cơ sở hạ tầng Vành đai và Con đường châu Phi trị giá 1 tỷ USD để hỗ trợ xây dựng đường sá và cơ sở hạ tầng cần thiết, tạo thuận lợi cho thương mại của lục địa. Từ đó, thương mại của châu Phi đã chứng kiến sự thay đổi cơ bản. Tính đến năm 2017, đã có hơn 10.000 công ty do Trung Quốc làm chủ hoạt động trên khắp lục địa. Các doanh nghiệp Trung Quốc này được định giá hơn 2 nghìn tỷ USD.
Trung Quốc đã và đang tự định vị mình là một siêu cường đang phát triển, và vì thế họ chìa cho châu Phi một mối quan hệ đối tác bình đẳng, khác với kiểu mối quan hệ có điều kiện của phương Tây. Nhưng sự hiện diện của Trung Quốc ở châu Phi hoàn toàn nằm trong những tính toán chiến lược. Trong khi cung cấp các khoản vay và đầu tư cho các nước châu Phi vô điều kiện và không kèm theo bất kỳ điều kiện chính trị nào, Trung Quốc cũng đã nhìn thấy trước tương lai của các mối quan hệ đồng minh và gia tăng vòng ảnh hưởng.
Nigeria, ít nhất trên danh nghĩa, đã là một nước lãnh đạo ở châu Phi. Do đó, đề xuất mới này của Trung Quốc tạo cơ hội cho Trung Quốc hội nhập sâu hơn với hệ thống tài chính của châu lục. Nhưng đối với Nigeria, đây cũng là một cơ hội để cải thiện vị thế - có thể là một trung tâm tài chính của châu lục - giống như một London thời tiền Brexit. Đối với Trung Quốc, việc thành lập các ngân hàng ở Nigeria và sau đó là ở toàn châu Phi là một bước đạt được mục tiêu đưa đồng Nhân dân tệ trở thành đồng tiền dự trữ toàn cầu.
Mở đường cho đồng nhân dân tệ
Arthur Dong, giáo sư giảng dạy về chiến lược và kinh tế tại Trường Kinh doanh McDonough thuộc Đại học Georgetown, nói với The Diplomat: “Đây là một phần trong chiến lược được xây dựng một cách cẩn thận của Trung Quốc nhằm mở rộng ảnh hưởng của đồng nhân dân tệ, giúp đồng nội tệ dần được chấp nhận như một đồng tiền dự trữ toàn cầu.
“Trung Quốc đã chọn Nigeria vì một lý do cụ thể. Đó là dầu. Nigeria là một quốc gia thành viên OPEC với doanh thu bán dầu được tính bằng đồng USD. Hợp tác ngân hàng với Nigeria nhằm thuyết phục ngành năng lượng ở Nigeria chấp nhận thanh toán cho dầu của họ bằng đồng nhân dân tệ”.
Nhìn vào mối quan tâm hiện nay của nhân loại đối với biến đổi khí hậu, phần còn lại của thế giới đang cố gắng thoát khỏi nền kinh tế được thúc đẩy bởi dầu mỏ. Trong khi đó, Trung Quốc là một quốc gia lớn và đang phát triển trong việc cung cấp các nguyên tố đất hiếm, những nguyên tố được cho là sẽ thay thế kỷ nguyên dầu mỏ trong tương lai.
Trong bối cảnh tương lai của nhân loại sẽ là năng lượng sạch và tăng trưởng bền vững, các vật liệu như lithium, coban, praseodymium và các tài nguyên khác cần thiết để sản xuất ô tô điện, điện toán đám mây và lượng tử… vô cùng quan trọng. Để đạt được mục tiêu này, Trung Quốc đã tiến sâu vào Nigeria và phần còn lại của châu Phi.
Tính toán địa chính trị
Thông qua các khoản chi mạnh tay, Trung Quốc có thể “điều khiển” chính sách của châu Phi theo hướng có lợi cho mình. Sau cam kết đầu tư 40 tỷ USD của Trung Quốc vào Nigeria, chính phủ nước này đã điều chỉnh mối quan hệ ngoại giao với Đài Loan (Trung Quốc) và lệnh cho phái đoàn thương mại của họ ra khỏi thủ đô Abuja của Nigeria. Tại Liên Hợp Quốc, 25 quốc gia châu Phi đã ủng hộ Bắc Kinh trong cuộc bỏ phiếu gần đây về Luật An ninh quốc gia Hong Kong.
Các khoản chi tiêu này cũng mang lại cho Trung Quốc quyền khai thác mỏ ở các nước châu Phi. Năm 2008, công ty khai thác mỏ quốc gia của CHDC Congo đã nhượng lại quyền khai thác cho các thợ mỏ Trung Quốc. Tại Nigeria, Chính phủ Trung Quốc đã có những hợp tác chặt chẽ với chính quyền các bang, cho phép các công ty Trung Quốc tiếp cận với việc khai thác vàng tại nước này.
Đối với Nigeria, hợp tác tài chính ở quy mô này chắc chắn sẽ mang lại lợi ích cho họ, đặc biệt là trong ngắn hạn. Khía cạnh hợp tác mới sẽ cho phép Nigeria và người dân của họ khai thác nguồn vốn của Trung Quốc ngoài các khoản vay của chính phủ và viện trợ phát triển. Sự xuất hiện của các ngân hàng Trung Quốc và việc mở rộng hoán đổi tiền tệ giữa hai nước cũng giúp ổn định thị trường ngoại hối của Nigeria; đồng thời tạo ra doanh nghiệp và việc làm mới ở nước này.
Trong khi đó, Trung Quốc đang ở trong một cuộc chiến theo kiểu Chiến tranh Lạnh với Mỹ và phương Tây để giành vị trí thống trị toàn cầu. Điều đó đặt Nigeria và các quốc gia châu Phi khác gián tiếp vào cuộc cạnh tranh quyền lực giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ.
Có thể phải đợi nhiều năm để thấy được những lợi ích thực sự từ sự đan cài tiềm năng của hệ thống tài chính Nigeria và Trung Quốc. Nhưng Trung Quốc đã chứng minh rằng họ quan tâm đến cuộc chơi dài hạn. Giáo sư Arthur Dong cho rằng không nên đánh giá thấp Hoa Kỳ về khả năng duy trì vị thế cường quốc thế giới, nhưng gần đây, Trung Quốc đã xâm nhập đáng kể vào châu Phi, đặc biệt là với các sáng kiến quyền lực mềm.
Tảng băng chìm
Tuy nhiên, những tảng băng chìm trong đầu tư và tài trợ của Trung Quốc ở lục địa này vẫn là những điểm gây tranh cãi. Xem xét kỹ hơn cán cân thương mại của châu Phi với Trung Quốc có thể thấy mặt trái của mối quan hệ hiện tại.
Năm 2019, thâm hụt thương mại của châu Phi với Trung Quốc là hơn 17 tỷ USD. Do bản chất của thị trường châu Phi, trong đó xuất khẩu chủ yếu là hàng hóa sơ cấp, cán cân thương mại giữa Nigeria và Trung Quốc mất cân bằng nghiêm trọng. Giá trị sản xuất của hàng hóa thường không đủ cao để tạo ra việc làm ở địa phương, vì vậy chúng được vận chuyển sang Trung Quốc để chế biến và sau đó được nhập khẩu trở lại trong nước.
Một mối lo ngại khác được cảnh báo là nguy cơ "bẫy nợ" đối với châu Phi. Tuy nhiên, tình trạng của nhiều nền kinh tế châu Phi cũng như sự thiếu hiểu biết về kinh tế và chính trị của các nhà lãnh đạo trên lục địa chỉ ra một vấn đề lớn hơn nhiều.
Chừng nào những vấn đề đó vẫn chưa được giải quyết, ngay cả khi phương Tây tăng cường đầu tư vào lục địa này, nó vẫn bị coi là một cái "bẫy nợ". Các nhà lãnh đạo và thế hệ tương lai của châu Phi sẽ phải đối phó với nền kinh tế tiềm ẩn suy thoái, bất kể họ hợp tác với ai.