“Đánh thức” tài sản công

Theo baohaiquan.vn

(Taichinh) - Nhìn lại 20 năm của hoạt động quản lý tài sản công, một trong những “thành quả” lớn để khai thác nguồn lực từ tài sản Nhà nước chính là việc sắp xếp lại, xử lý nhà đất thuộc sở hữu Nhà nước.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Theo số liệu thống kê chưa đầy đủ tại Cơ sở dữ liệu quốc gia về tài sản Nhà nước, đất đai do các cơ quan Nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập đang quản lý, sử dụng khoảng

1,5 tỷ m² đất với tổng giá trị theo bảng giá gần 594 nghìn tỷ đồng. Đồng thời, các DNNN cũng đang quản lý, sử dụng quỹ nhà, đất có diện tích lớn. Phần lớn số nhà, đất này nằm tại các vị trí đắc địa, có giá trị thương mại cao nhưng chưa được khai thác, sử dụng hiệu quả, tình trạng sử dụng lãng phí, không đúng mục đích còn diễn ra.

Để khắc phục, Cục Quản lý công sản đã thí điểm việc sắp xếp lại, xử lý nhà đất thuộc sở hữu Nhà nước năm 2001; xây dựng cơ chế và triển khai thực hiện trên phạm vi cả nước từ năm 2007. Với chính sách này, các cơ quan, đơn vị, tổ chức phải kê khai, báo cáo, lập phương án xử lý, sắp xếp lại đối với toàn bộ các cơ sở nhà đất đang quản lý. Nhà nước thực hiện thu hồi nhà, đất sử dụng sai mục đích, không hiệu quả; cho phép bán, chuyển nhượng cơ sở nhà đất dôi dư; số tiền thu được được sử dụng để đầu tư nâng cấp, cải tạo, sửa chữa trụ sở làm việc, cơ sở hoạt động sự nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh theo dự án được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Đến cuối năm 2014, các bộ, ngành, địa phương trong cả nước thực hiện báo cáo kê khai và đề xuất phương án xử lý nhà đất đối với 153.279 cơ sở nhà đất. Thông qua hoạt động này đã bán, chuyển nhượng, chuyển mục đích thu về ngân sách Nhà nước số thu lớn để đầu tư phát triển, chỉnh trang đô thị… Chỉ tính riêng năm 2014, con số này đã lên tới 30.000 tỷ đồng.

Có thể nói, sau một quá trình nỗ lực, chính sách sắp xếp lại, xử lý nhà đất thuộc sở hữu Nhà nước đã cơ bản đạt được mục tiêu đề ra và cho thấy những “lợi ích” rõ ràng, phản ánh được chủ trương “tiết kiệm, hiệu quả và khai thác nguồn lực” của cơ quan quản lý tài sản công.