Đạo đức kinh doanh và trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp trong nền kinh tế thị trường
Đạo đức kinh doanh là một phần không thể thiếu để tạo ra lợi nhuận trong môi trường cạnh tranh, là quy tắc ứng không thể thiếu được với mọi doanh nghiệp cần sự trường tồn và phát triển bền vững. Trong khi đó, trách nhiệm xã hội ở Việt Nam đã được nhận thức và bước đầu được thực hiện. Cùng với quá trình phát triển của đất nước, trách nhiệm đó sẽ được đề cao hơn cùng với sự hoàn thiện của khung pháp luật, bộ máy nhà nước, thể chế kinh tế. Việc nâng cao đạo đức kinh doanh và trách nhiệm xã hội của mình, DN Việt Nam sẽ phát triển bền vững, ngày càng có thêm nhiều sản phẩm mang thương hiệu, trí tuệ và con người Việt Nam.
Đạo đức kinh doanh của doanh nghiệp
Khái niệm đạo đức kinh doanh trong doanh nghiệp (DN) mới chỉ tồn tại được khoảng 3 thập niên trở lại đây. Norman Bowie - Nhà nghiên cứu đạo đức kinh doanh nổi tiếng là người đầu tiên đã đưa ra khái niệm này tại Hội nghị Khoa học vào năm 1974. Kể từ đó, đạo đức kinh doanh đã trở thành một chủ đề phổ biến trong các cuộc tranh luận của các doanh nhân, các nhà phân tích, người lao động, các cổ đông, người tiêu dùng...
Không phải tất cả những nhà nghiên cứu, các tác giả và diễn giả đều có chung quan điểm về đạo đức kinh doanh. Trước hết, giữa kinh doanh và đạo đức luôn có sự mâu thuẫn. Một mặt, xã hội luôn mong muốn các DN tạo ra nhiều việc làm lương cao, nhưng mặt khác, những DN này lại mong muốn giảm bớt chi phí và nâng cao năng suất lao động.
Người tiêu dùng luôn mong muốn mua hàng với giá thấp nhất, còn các cơ sở thương mại lại muốn có lãi suất cao nhất. Xã hội mong muốn giảm ô nhiễm môi trường, còn các DN lại muốn giảm tối đa chi phí phát sinh khi tuân thủ các quy định về bảo vệ môi trường trong hoạt động sản xuất của họ. Từ đó đã nảy sinh xung đột không thể tránh khỏi trong quan niệm về đạo đức kinh doanh, do sự khác biệt về lợi ích của công ty với lợi ích của người lao động, người tiêu dùng và toàn thể xã hội. Vì tất cả những điều đối lập nói trên là tất yếu nên các nhà quản lý buộc phải nghiên cứu để cân bằng lợi ích của công ty với lợi ích của các cổ đông và những người có quyền lợi liên quan, bao gồm nhân viên, khách hàng và toàn thể cộng đồng.
Đạo đức kinh doanh là vấn đề phức tạp trong phạm vi một đất nước, nhưng chúng còn phức tạp hơn khi xét trong bối cảnh toàn cầu. Để hình thành mỗi môi trường đạo đức kinh doanh, phải có một số điều kiện được thiết lập bao gồm: Sự bền vững của xã hội, tính hợp pháp của thể chế và trách nhiệm của Chính phủ; tính hợp pháp của sở hữu và tải sản tư nhân, niềm tin đối với tương lai của xã hội và của bản thân mình, niềm tin vào khả năng cung cấp cho gia đình mình và kiến thức mà hệ thống hoạt động cũng như cách thức để tham gia vào hệ thống đó.
Trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp trong nền kinh tế thị trường
Xã hội học coi trách nhiệm xã hội như một sự cam kết về tinh thần, đạo đức, văn hoá đối với gia đình, cộng đồng địa phương và toàn xã hội, nhân viên, môi trường. Trong nền kinh tế thị trường, mọi cá nhân và DN đều hành xử sao cho có lợi nhất cho mình trong khuôn khổ pháp luật cho phép. Kinh tế thị trường được C.Mác mô tả trong các tác phẩm của mình không có trách nhiệm xã hội, mà ở đó người chủ tư bản được mô tả là một kẻ bóc lột tàn bạo, mất nhân tính, vô văn hóa đến kiệt sức người lao động nhằm tối đa hoá lợi nhuận ngắn hạn. Sự mô tả đó đã giúp kinh tế thị trường tự hoàn thiện trong quá trình đấu tranh của nhân dân cùng với tiến bộ trong nhận thức của khoa học kinh tế.
Để hình thành mỗi môi trường đạo đức kinh doanh, phải có một số điều kiện được thiết lập gồm: Sự bền vững của xã hội, tính hợp pháp của thể chế và trách nhiệm của Chính phủ; tính hợp pháp của sở hữu và tài sản tư nhân, niềm tin đối với tương lai của xã hội và bản thân mình và kiến thức mà hệ thống hoạt động cũng như cách thức để tham gia vào hệ thống đó.
Kinh tế học về thông tin cũng chỉ rõ bản chất của sự lừa đảo là bất đối xứng thông tin, do đó cần phải công khai, minh bạch, giám sát, nhằm giảm bớt sự bất đối xứng thông tin đó chứ không phải gán ghép lừa đảo như một bản chất của kinh tế thị trường. Kinh tế thị trường ngày nay đã hình thành một hệ thống các quy định pháp luật chi tiết, nhằm chế định hành vi của các bên tham gia và bảo vệ lợi ích của cộng đồng, của xã hội. Các quy định đó đã giảm bớt đáng kể những hành vi vô trách nhiệm một cách thái quá của DN (Bởi một khi doanh nhân hành xử tư lợi, thiếu trách nhiệm... sẽ bị thay thế khi DN thua lỗ hay phá sản).
Trong bối cảnh hiện nay, mô hình hiện thời của kinh tế thị trường và vai trò của Nhà nước không những không hoàn hảo mà còn có những khiếm khuyết nghiêm trọng, rất cần được phát hiện và chỉnh sửa. Việc đóng gói những món nợ hay thế chấp thành những sản phẩm phái sinh đem bán trên thị trường chứng khoán, việc nới lỏng trần tín dụng để đẩy việc xây nhà và tiêu dùng lên cao, việc đồng loã giữa các công ty đánh giá và xếp hạng với ngân hàng được xếp hạng (như Lehman Brothers), hay việc che dấu và lừa dối khách hàng, đều cần phải điều chỉnh, xem xét trách nhiệm của từng bên tham gia và có quy định pháp luật chặt chẽ để khắc phục.
Trách nhiệm xã hội của DN được định nghĩa ngắn gọn như một sự cam kết của DN trong ứng xử phù hợp với lợi ích của xã hội trong các hoạt động liên quan đến lợi ích của khách hàng, nhà cung ứng, nhân viên, cổ đông, cộng đồng, môi trường. Theo đó, trách nhiệm xã hội được coi là một phạm trù của đạo đức kinh doanh, có liên quan đến mọi hoạt động kinh doanh của DN.
Trong nền kinh tế toàn cầu hoá, khi ý thức của loài người về các nguy cơ đối với môi trường sống ngày càng cao thì yêu cầu về trách nhiệm xã hội cũng ngày càng tăng lên, như yêu cầu phải kiểm soát khí thải của xe hơi lưu hành trên đường phố, kiểm soát mức độ khói bụi trong các khu dân cư... Trong đó, có ít nhất 4 nhóm đối tượng mà DN phải có trách nhiệm trong ứng xử đối với các đối tượng sau: Thị trường và người tiêu dùng (bao gồm cả nhà đầu tư, ngân hàng, nhà cung ứng và hợp tác); Người lao động; Cộng đồng trong khu vực và trong xã hội trong nước và thế giới; và môi trường sống.
Một số thách thức, rào cản đặt ra
Trong quá trình chuyển đổi từ mô hình kinh tế kế hoạch hóa tập trung sang kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, Việt Nam đang từng bước hình thành các tổ chức của xã hội dân sự. Các tổ chức xã hội, trong đó có cộng đồng DN hoạt động theo mô hình kinh tế tập trung, bao cấp trước đây đang từng bước thay đổi để hoạt động có hiệu quả hơn trong nền kinh tế thị trường. Các tổ chức, DN đó từng bước chuyển sang cách thức hoạt động tự chịu trách nhiệm, phản ứng kịp thời trước các biến động của kinh tế thị trường, như ô nhiễm môi trường, đình công...
Thời gian qua, nhiều DN đã tích cực, chủ động trong việc thực hiện nghĩa vụ thuế với Nhà nước và hàng năm được cơ quan thuế tôn vinh. Không ít DN lớn, có thương hiệu, có nhãn hiệu đăng ký, hoạt động trên lĩnh vực xuất khẩu đạt trình độ về trách nhiệm xã hội được các nhà nhập khẩu chấp nhận. Các DN này đã có chiến lược dài hạn để thực hiện ngày càng đầy đủ hơn trách nhiệm xã hội cả về bảo vệ môi trường, hạn chế lượng khí thải ra môi trường... tích cực tham gia vào các hoạt động từ thiện, như giúp đỡ nạn nhân của bão lụt, thiên tai hay tai nạn, đóng góp vào Quỹ xóa đói giảm nghèo của các tổ chức.
Đồng hành với sự phát triển của DN, các tổ chức thuộc xã hội dân sự Việt Nam đã được hình thành và hoạt động, có đóng góp thiết thực, như Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, các Hiệp hội ngành nghề, như dệt may, xuất khẩu thủy sản, Hiệp hội các nhà đầu tư tài chính… Nhiều tổ chức đã tổ chức tập huấn, hướng dẫn, vận động thực hiện các tiêu chuẩn và quy định của trách nhiệm xã hội, nhất là đối với người lao động và người tiêu dùng. Nhằm đáp ứng với chủ trương hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng, bản thân các hiệp hội đó cũng nhận thức và không ngừng nâng cao tính chuyên nghiệp và hiệu quả thiết thực, đáp ứng được sự kỳ vọng của DN.
Nhiều doanh nghiệp đã tích cực, chủ động trong việc thực hiện nghĩa vụ thuế với Nhà nước và hàng năm được cơ quan thuế tôn vinh. Các doanh nghiệp này có chiến lược dài hạn để thực hiện ngày càng đầy đủ hơn trách nhiệm xã hội cả về bảo vệ môi trường, hạn chế lượng khí thải... tích cực tham gia các hoạt động từ thiện, như giúp đỡ nạn nhân của bão lụt, thiên tai hay tai nạn, đóng góp vào Quỹ xóa đói giảm nghèo của các tổ chức...
Tuy nhiên, hệ thống luật pháp Việt Nam dù đã được đổi mới và xây dựng lại một cách sâu rộng, song còn thiếu đồng bộ. Giữa các luật được chuẩn bị bởi các bộ khác nhau, được ban hành vào những thời điểm khác nhau, và còn không ít chồng chéo, mâu thuẫn với nhau. Việc thực thi luật pháp còn có nhiều vấn đề phải đổi mới, khoảng cách giữa luật trên văn bản và luật trong thực tế còn lớn. Trình độ hiểu biết về pháp luật và tuân thủ pháp luật của DN nhỏ còn nhiều hạn chế. Trách nhiệm xã hội của DN lớn đã được đề cao và có nhiều tiến bộ, song tại các DN nhỏ, các hộ gia đình và hộ nông dân, việc tuân thủ luật lao động, các quy định vệ sinh an toàn thực phẩm còn nhều hạn chế. Hệ quả là hiệu lực của pháp luật và trách nhiệm của DN trong thực thi pháp luật chưa cao.
Trong nhiều năm trở lại đây, dư luận đã nhiều lần lên án những hiện tượng kinh doanh vi phạm đạo đức, chạy theo lợi nhuận, bỏ qua lợi ích cộng đồng. Ở nước ta, thời gian gần đây đã xuất hiện nhiều vụ việc gây bức xúc trong dư luận như: Vụ Công ty Vedan làm ô nhiễm sông Thị Vải, vụ Formusa Hà Tĩnh gây ô nhiễm biển miền Trung... và hàng loạt các vụ liên quan đến vệ sinh an toàn thực phẩm khác cho thấy, trách nhiệm của các bộ, ngành vẫn còn lỏng lẻo, các quy pháp pháp luật vẫn chưa điều chỉnh kịp thời với cuộc sống...
Ngoài ra, còn một số vụ việc mà trước tiên là yếu tố có thể dẫn đến phạm luật, sau là vi phạm đạo đức kinh doanh, thiếu trách nhiệm đối với xã hội. Điển hình như, tình trạng gian lận thương mại thông qua giả mạo xuất xứ Việt Nam, giả mạo xuất xứ với hàng nhập khẩu từ nước ngoài để trốn thuế, trốn kiểm tra chất lượng, trốn kiểm soát chuyên ngành của một số DN nội thời gian qua là một minh chứng. Hay như sai phạm xảy ra tại Công ty cổ phần Địa ốc Alibaba và các công ty có liên quan trong việc quảng cáo phân lô, bán đất nền trên địa bàn các tỉnh, thành phố: TP. Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Thuận đã thêm phần minh chứng về hành vi lừa đảo, chiếm đạt tài sản của khách hàng.
Kết quả điều tra ban đầu cho thấy, Công ty cổ phần Địa ốc Alibaba và các công ty thành viên đã tự vẽ ra các dự án không có thật tại một số tỉnh phía Nam chưa làm thủ tục pháp lý, chưa được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt, cấp phép cho làm dự án… nhưng đã huy động tiền của hàng nghìn khách hàng để chiếm đoạt. Những DN này không chỉ vi phạm các quy định của pháp luật mà còn vi phạm cả đạo đức kinh doanh và trách nhiệm xã hội – vốn là những yếu tố tạo nên sự phát triển bền vững cho DN.
Trên thực tế, các DN Việt Nam cũng chưa ý thức được việc cần đưa ra các quy chế, tập quán về việc nói không với những hành vi tham ô, tham nhũng trong quá trình sản xuất kinh doanh. Trong khi đó, nhiều tập đoàn lớn trên thế giới đã ý thức rất rõ về vấn đề này và đưa ra những quy định rất cụ thể, chi tiết. Chẳng hạn, tuyên bố về tập quán kinh doanh của Tập đoàn Alcatel với việc chống tham nhũng nhấn mạnh, trong quan hệ với cơ quan nhà nước, khách hàng và nhà cung ứng, công ty sẽ không trực tiếp hay gián tiếp tham gia vào hoạt động hối lộ, lại quả, chia phần trăm hay những hành vi tham nhũng khác. Quy định về quà tặng của Motorola cũng ghi rõ, trong một số tình huống đòi hỏi phải tặng quà, quà tặng của Motorola phải hợp pháp, hợp lý và được cấp quản lý địa phương phê chuẩn.
Ngoài ra, ở Việt Nam hiện chưa có khung pháp luật và hướng dẫn về việc các DN phải có báo cáo về kiểm toán xã hội và báo cáo xã hội để cộng đồng biết và giám sát. Việt Nam đã ban hành Luật Cạnh tranh nhưng chưa có Luật Kiểm soát độc quyền và việc thực hiện Luật Cạnh tranh còn nhiều hạn chế. Luật pháp về kế toán - kiểm toán, các chuẩn mực liên quan đã được ban hành, nhưng việc thực hiện trong thực tế còn nhiều hạn chế. Việt Nam đang chuẩn bị Luật về Quyền tiếp cận thông tin, song chưa có luật về Hiệp hội và chưa chuẩn bị Luật về Vận động hành lang. Bên cạnh đó, thông tin kinh tế còn nhiều hạn chế, nhiều số liệu chưa được công bố công khai và kịp thời...
Nâng cao đạo đức kinh doanh và trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp trong nền kinh tế thị trường
Đạo đức kinh doanh là một phần không thể thiếu để tạo ra lợi nhuận trong môi trường cạnh tranh, là quy tắc ứng không thể thiếu được với mọi DN cần sự trường tồn và phát triển bền vững. Trong khi đó, trách nhiệm xã hội ở Việt Nam đã được nhận thức và bước đầu được thực hiện. Cùng với quá trình phát triển của đất nước, trách nhiệm đó sẽ được đề cao hơn cùng với sự hoàn thiện của khung pháp luật, bộ máy nhà nước, thể chế kinh tế. Trong thời gian tới, nhằm nâng cao đạo đức kinh doanh và trách nhiệm xã hội hội của DN, cần chú trọng một số vấn đề sau:
Về phía cơ quan quản lý
Để đạo đức kinh doanh, văn hóa DN trở thành động lực cho DN không chỉ bằng tuyên truyền, vận động mà còn cần một hành lang pháp lý đủ mạnh và có tính răn đe cao. Theo các chuyên gia kinh tế, rất khó có thể trông cậy vào sự tự nguyện của DN bởi DN luôn đặt lợi nhuận lên hàng đầu. Kinh nghiệm cho thấy, lợi nhuận có thể làm cho doanh nhân trở nên mù quáng, vô trách nhiệm bằng cách che dấu các hành vi phạm pháp của mình và sự tự nguyện của DN là rất mỏng manh. Do vậy, có thể thấy vai trò then chốt của hệ thống luật pháp, các tiêu chuẩn về đạo đức kinh doanh được quy định thành tiêu chuẩn pháp luật để thực hiện trách nhiệm xã hội của cá nhân và DN, nhằm kiểm soát các hành vi làm giàu vô đạo đức, gây nguy hại cho cộng đồng.
Tuy nhiên, bên cạnh vai trò của Nhà nước, rõ ràng là cần phải có vai trò của xã hội dân sự nhằm phát huy các mặt tích cực của Nhà nước để giám sát và hạn chế các hành vi tư lợi, lạm dụng chức quyền của Nhà nước. Trên thực tế, tình trạng thiếu đạo đức kinh doanh và trách nhiệm xã hội còn có sự tiếp tay của không ít cán bộ công quyền thông qua các hành vi tham ô, vòi vĩnh. Do vậy, phía cơ quan quản lý, cần có những chế tài và quy định chặt chẽ để hạn chế tình trạng này.
Về phía doanh nghiệp
- Đối với thị trường và người tiêu dùng, DN phải bảo đảm chữ “tín”, bảo đảm chất lượng sản phẩm, dịch vụ, thực hiện đúng các tiêu chuẩn chất lượng của sản phẩm, dịch vụ, thực hiện các cam kết dịch vụ sau khi bán như đã bảo đảm với khách hàng, không quảng cáo quá sự thật. Pháp luật không thể quy định và tiết chế tất cả các hoạt động của DN. Chính DN phải bảo đảm thương hiệu của mình bằng cách duy trì chất lượng, tính ổn định của chất lượng sản phẩm, dịch vụ không vượt ra khỏi các quy định của pháp luật. Trong kinh doanh, DN có quan hệ không chỉ với khách hàng, mà còn quan hệ với các nhà đầu tư ngân hàng, nhà cung ứng các sản phẩm, dịch vụ trợ giúp, các viện khoa học, trường đại học thực hiện các dịch vụ nghiên cứu, giảng dạy, thiết kế...
Trong tất cả các mối quan hệ đó, DN không chỉ thực hiện đúng các cam kết theo Luật Dân sự, Luật Hợp đồng, mà còn phải từ bỏ tham vọng làm “giàu nhanh” một cách bất chính bằng cách lừa đảo khách hàng và đối tác. Việc làm giàu của DN không những phải phù hợp với pháp luật, mà còn phải bảo đảm và tôn trọng lợi ích chính đáng và hợp pháp của khách hàng và đối tác.
- Đối với người lao động, DN phải coi người lao động là tài sản lớn nhất của mình, chăm lo cuộc sống vật chất và tinh thần cho người lao động, bảo đảm cho người lao động không chỉ tái sản xuất sức lao động, mà còn được nâng cao trình độ chuyên môn, chăm lo sức khỏe. Về phía người lao động, phải tôn trọng các cam kết trong hợp đồng lao động, làm việc tại DN phù hợp với những cam kết khi được bồi dưỡng, nâng cao trình độ. Luật pháp phải bảo đảm sự cân bằng lợi ích giữa người sử dụng lao động và người lao động, giữa 2 bên phải thường xuyên trao đổi thông tin để thông cảm lẫn nhau, tránh sự hiểu lầm không cần thiết hay sự ưu đãi thái quá cho một bên.
- DN cần phải tôn trọng và bảo vệ môi trường vì lợi ích của các thế hệ mai sau. Trên thế giới hiện nay đã có rất nhiều tiêu chuẩn, định mức quy định chế độ hạch toán xã hội, kiểm toán xã hội và báo cáo cho xã hội biết kết quả thực hiện. Các nước nhập khẩu đòi hỏi DN xuất khẩu từ các nước đang phát triển như Việt Nam phải tuân thủ hàng loạt quy định hay tiêu chuẩn, như: SA 8000, AA1000, ISO 14000... Vì lợi ích kinh doanh, DN phải bảo đảm sự tuân thủ các quy định được đòi hỏi để có thể tiếp tục duy trì quan hệ kinh doanh.
Tài liệu tham khảo:
Bùi Đình Phong (2014), Quyền lực và đạo đức, Báo Lao động;
Trần Phương (2018), Hàng nghìn người Việt chết vì kinh doanh vô đạo đức, Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam;
Hansen – Mowen (2016), Managerial Accounting - International Student Edition;
“TheWild, Wild East: Everyone’s a Capitalist in Russia Today, and Nobody Knows the Rules”Business Ethics –December 2012;
Daniel Pearl and Steve Stecklow (2017), “Drug Firms’ Incentives Fuel Abuse by Pharmacists in India,” The Wall sreet Journal.