DATC – Động lực thúc đẩy thị trường mua bán nợ phát triển

PV.

Sau hơn 13 năm chính thức đi vào hoạt động, đến nay Công ty TNHH Mua bán nợ Việt Nam (DATC) đã thực hiện tốt vai trò trọng tâm là công cụ kinh tế giúp thực hiện mục tiêu thúc đẩy cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước và ngân hàng thương mại nhà nước; trở thành nhân tố quan trọng thúc đẩy thị trường mua bán nợ và tài sản tồn đọng.

DATC đã tham gia xử lý vướng mắc tài chính, đẩy nhanh tiến độ cổ phần hóa các doanh nghiệp thành viên của Vinalines theo chỉ định của Chính phủ.
DATC đã tham gia xử lý vướng mắc tài chính, đẩy nhanh tiến độ cổ phần hóa các doanh nghiệp thành viên của Vinalines theo chỉ định của Chính phủ.

Từ những kết quả tích cực

Kể từ khi đi vào hoạt động đến nay, DATC đã tích cực tham gia mua, xử lý nợ xấu khoảng 80.000 tỷ đồng (trong đó: 63.000 tỷ đồng mua, xử lý nợ xấu theo cơ chế chỉ định; 17.142,6 tỷ đồng mua, xử lý nợ trực tiếp theo cơ chế thị trường) đã góp phần không nhỏ trong việc xử lý nợ xấu chung của nền kinh tế, khẳng định được vị thế, vai trò là công cụ của Chính phủ đã giao cho.

Đối với các khoản nợ và tài sản được mua và xử lý theo nhiệm vụ Chính phủ giao, DATC luôn bám sát chỉ đạo của cấp có thẩm quyền để thực hiện, bảo đảm thực hiện đúng, có hiệu quả bước đầu giúp Chính phủ hiện thực hóa chuyển đổi cơ chế xử lý nợ theo cơ chế hành chính sang cơ chế thị trường thông qua các tổ chức tài chính có chức năng mua bán nợ.

Đối với hoạt động xử lý nợ mua theo cơ chế thị trường, về cơ bản DATC thường xử lý ngay các khoản nợ đã mua theo các biện pháp linh hoạt trên cơ sở hài hòa hiệu quả tài chính và lợi ích xã hội.

Đến nay, DATC đã xử lý xong hơn 17 ngàn tỷ đồng nợ được mua theo cơ chế thị trường, mang lại lợi nhuận hàng trăm tỷ đồng mỗi năm cho DATC, bảo toàn và phát triển vốn nhà nước giao. Thực tế cho thấy hoạt động xử lý nợ của DATC được coi là xử lý thực tế và triệt để nhất.

Thông qua hoạt động mua bán nợ, tài sản theo chỉ định và theo cơ chế thị trường, DATC đã tạo ra những tác động tích cực đối với các ngân hàng và doanh nghiệp.

Theo đó, đã góp phần hỗ trợ các tổ chức tín dụng chuyển hóa "vốn chết" thành "vốn sống", giúp các ngân hàng thương mại xử lý nhanh được một khối lượng lớn nợ tồn đọng, làm tăng tính thanh khoản và an toàn của hệ thống tài chính ngân hàng, góp phần khơi thông dòng vốn trong nền kinh tế, đồng thời cải thiện và nâng cao năng lực tài chính cho ngân hàng và doanh nghiệp.

Thông qua hoạt động mua nợ của DATC, rất nhiều khoản nợ tồn đọng hàng chục năm đã xử lý được, giúp doanh nghiệp giải quyết khó khăn về tài chính, ổn định sản xuất kinh doanh để tiếp tục đóng góp cho Ngân sách, tạo công ăn việc làm cho người lao động, góp phần ổn định an sinh – xã hội.

Đồng thời, DATC đã giúp cho nhiều tập đoàn, tổng công ty nhà nước cổ phần hóa các đơn vị thành viên, xử lý vướng mắc tài chính của tập đoàn, tổng công ty để thực hiện cổ phần hóa, đa dạng hóa sở hữu theo kế hoạch được Chính phủ phê duyệt. Điển hình như: Tổng công ty Dâu tằm tơ, Tổng công ty Xây dựng đường thủy, Tổng công ty Mía đường, các tổng công ty xây dựng, công trình giao thông…và gần đây nhất là Tổng công ty Thuốc lá và Tổng công ty Hàng hải Việt Nam.

Còn nhiều tồn tại khó khăn

Nhiệm vụ chính của DATC là mua lại các khoản nợ xấu của các ngân hàng thương mại để xử lý, hỗ trợ tái cơ cấu DN. Tuy nhiên, DATC vẫn phải đảm bảo có hiệu quả kinh tế, bảo toàn và phát triển vốn nhà nước giao giống như một DN kinh doanh thuần túy, nhưng lại không có chính sách ưu đãi đặc biệt nào.

Trên thực tế, mua và xử lý nợ xấu là hoạt động gặp rất nhiều rủi ro do các khoản nợ xấu xét về bản chất có chất lượng rất xấu, dễ gây thua lỗ cho DATC. Vì vậy, DATC có xu hướng chọn mua những khoản nợ có khả năng đem lại hiệu quả cho DATC.

Do đó, quy mô nợ xấu do DATC mua và xử lý trong thời gian qua rất khiêm tốn, chưa đáp ứng được yêu cầu của Chính phủ về xử lý nợ xấu của hệ thống ngân hàng thương mại.

Do mục tiêu ban đầu thành lập DATC là để hỗ trợ các DNNN xử lý nợ và tài sản tồn đọng nhằm thúc đẩy cổ phần hóa DNNN.

Vì vậy, điều lệ tổ chức và hoạt động của Công ty quy định DATC phải tập trung nguồn lực để hỗ trợ tái cơ cấu DNNN và thúc đẩy cổ phần hóa nên việc mở rộng sang các đối tượng DN khác còn nhiều hạn chế.

Số lượng DN thuộc thành phần kinh tế khác được DATC tái cơ cấu, xử lý nợ thời gian qua còn chưa nhiều, trong bối cảnh số lượng DNNN ngày càng giảm sút thì việc mở rộng sang thành phần kinh tế khác là đòi hỏi cấp thiết... Tất cả những tồn tại này đã ảnh hưởng không nhỏ đến kết quả hoạt động của DATC.