DATC - Tiết giảm chi phí, nâng cao hiệu quả hoạt động
Đó là một trong những thông tin được ghi nhận trong báo cáo tài chính đã kiểm toán năm 2018 vừa được Công ty TNHH Mua bán nợ Việt Nam (DATC) công bố.
Trong năm tài chính 2018, DATC ghi nhận đạt 205 tỷ đồng doanh thu tài chính, tăng 6% so với năm 2017. Ngoài ra, Công ty cũng ghi nhận thêm 22,1 tỷ đồng thu nhập khác, tăng gần 10 lần so với năm 2017. Đáng chú ý, trong kỳ kiểm toán này, chi phí quản lý doanh nghiệp (DN) được DATC thực hiện tiết giảm đạt 27%, xuống còn khoảng 82 tỷ đồng; trong khi, doanh thu tài chính tăng hơn 205 tỷ đồng; Lợi nhuận thuần cả năm đạt gần 176 tỷ đồng. Có thể khẳng định, đây là nỗ lực và quyết tâm lớn của DATC trong việc thực hiện tiết giảm chi phí, nâng cao hiệu quả hoạt động.
2018 cũng là năm DATC đề ra mục tiêu trọng yếu, cụ thể là thực hiện các nhiệm vụ của Chính phủ giao. Điển hình, DATC đã tích cực tiến hành xử lý tài chính, tham gia tái cơ cấu các DN thuộc Tổng công ty Công nghiệp Tàu thuỷ (SBIC) bằng việc phát hành hối phiếu, phát hành trái phiếu dài hạn trong nước và quốc tế theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án tiếp tục tái cơ cấu Vinashin ngày 26/7/2013. Trong tổng tài sản của DATC, phần lớn tài sản tập trung ở các khoản phải thu SBIC với quy mô lên đến trên 20.614 tỷ đồng, tăng hơn 800 tỷ đồng so với thời điểm đầu năm 2018. Có thể nói, đến nay DATC hiện vẫn là đầu mối xử lý nợ cho SBIC.
SBIC tiền thân là Vinashin, được thành lập từ năm 1996. Sau thời gian hoạt động thua lỗ, ngày 18/11/2010, Thủ tướng Chính phủ ký quyết định phê duyệt Đề án tái cơ cấu Vinashin nhằm sớm ổn định sản xuất kinh doanh của Tập đoàn, từng bước củng cố uy tín, thương hiệu, giảm lỗ, có lãi, trả được nợ, tích lũy và phát triển.
DATC luôn được xác định là một công cụ đắc lực của Chính phủ trong việc thực hiện tái cơ cấu DN. Thực tế cho thấy, quá trình cải cách DN nhà nước đã đi gần đến đoạn kết của kế hoạch giai đoạn 2016 – 2020, bắt đầu chuẩn bị cho các mục tiêu của giai đoạn 2021 – 2025. Trong quá trình đó, DATC sẽ tiếp tục là công cụ của Chính phủ hỗ trợ và thúc đẩy các DN tập đoàn, tổng công ty giải quyết công nợ và tài sản thông qua cơ cấu và xử lý nợ tồn đọng, thực hiện cổ phần hóa theo lộ trình của Chính phủ, kể cả việc xử lý những dự án thua lỗ, kém hiệu quả.