Đâu là “sân chơi” cho doanh nghiệp Việt?
Sau hơn 1 năm khai trương cửa hàng Thế Giới Di Động đầu tiên đặt tại Big C Đồng Nai, vừa qua, Công ty cổ phần Đầu tư Thế giới di động (MWG) - chủ đầu tư chuỗi cửa hàng và siêu thị Thế Giới Di Động công bố phải rút 22 cửa hàng ra khỏi hệ thống siêu thị Big C Việt Nam.
Thông tin này được các bên cho biết, việc Thế Giới Di Động rút khỏi Big C chỉ là thỏa thuận hợp tác bình thường trong kinh doanh. Trong khi đó, dư luận lại cho rằng MWG đã bị xử ép trong vụ việc này, và rằng, việc ra đi của Thế Giới Di Động là hiển nhiên, khi Big C Việt Nam đã được chuyển nhượng về tay của Tập đoàn Central Group (Thái Lan) - một doanh nghiệp hiện đã mua tới 49% thị phần của Công ty cổ phần Thương mại Nguyễn Kim.
Như vậy, trong chiến lược kinh doanh của Big C sẽ có sự điều chỉnh, nhiều khả năng, các cửa hàng của Nguyễn Kim sẽ được thế chỗ cho Thế Giới Di Động trong mô hình chuỗi siêu thị Shop in Shop, được hợp tác giữa Big C và MWG trước đây…
Sẽ rất khó biết thật cụ thể, chi tiết về việc ra đi của Thế Giới Di Động, vì họ cho rằng không muốn nói thêm bất cứ lời nào, tất cả thông tin báo chí có được là từ báo cáo tài chính về hoạt động của công ty trong 8 tháng đầu năm 2016. Nhưng có một sự thật là khá nhiều doanh nghiệp, nhà cung cấp bị sốc trước thông tin này.
Còn nhớ, cách đây chưa lâu, khi Big C mới vừa về với Central Group, hàng loạt các nhà cung cấp trong nước ở ngành hàng thực phẩm đã vấp phải yêu cầu nâng chiết khấu khi đưa hàng vào hệ thống siêu thị này. Đây cũng là mẫu số chung cho khá nhiều hệ thống siêu thị có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) khi vào Việt Nam.
Phó giám đốc một doanh nghiệp chuyên sản xuất ba lô, cặp xách học sinh chua chát nói, cách đây 3 năm, doanh nghiệp này cũng phải âm thầm rút hàng khỏi quầy kệ của một hệ thống siêu thị vì không chịu nổi mức chiết khấu của một mã hàng lên đến 40%.
Tổng giám đốc một doanh nghiệp sản xuất mì ăn liền cũng cho hay, nếu cộng hết các chi phí bán hàng tại một số hệ thống siêu thị có vốn FDI đã chiếm 50% doanh thu, doanh nghiệp Việt chỉ còn cách làm không công cho nhà phân phối. Cũng theo doanh nghiệp này, dù doanh thu bán trong siêu thị chỉ chiếm từ 5% - 7% trong tổng doanh thu của công ty, nhưng với tốc độ phát triển ngày càng nhiều, xu hướng mua sắm văn minh thương mại trở nên phổ biến, nếu doanh nghiệp không cố theo, xem như sẽ bị hổng chân ngay tại thị trường nội địa.
Quay trở lại với Big C, vấn đề vị tổng giám đốc này đặt ra là sau các nhóm hàng yêu cầu tăng chiết khấu, sự xuất hiện ngày càng nhiều của các nhãn hàng Thái trên quầy kệ tại Metro, rồi Thế Giới Di Động bị loại khỏi các điểm bán, tiếp sau đó sẽ là gì? Có lẽ chỉ người trong cuộc mới biết rõ.
Trước làn sóng mua bán, sáp nhập doanh nghiệp đang diễn ra trên diện rộng, sự đổ bộ mạnh mẽ của các nhà bán lẻ Thái Lan nói riêng, các doanh nghiệp FDI nói chung, đã tác động mạnh mẽ đến thị trường bán lẻ cũng như các doanh nghiệp sản xuất của Việt Nam. Các doanh nghiệp Việt Nam sẽ khó có thể trụ vững nếu không nhanh chóng liên kết để tạo sức mạnh “bó đũa”.
Nói cách khác, việc xây dựng một mô hình liên kết bền chặt của các doanh nghiệp Việt để tự chủ trong kinh doanh và làm đối trọng với các hệ thống phân phối FDI đang là vấn đề bức thiết. Nhưng tự thân các doanh nghiệp không thể thực hiện mà cần có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và sự ủng hộ của người dân.