Đầu tư ra nước ngoài: “Bệ phóng” và sự “bùng nổ”

Theo baocongthuong.com.vn

Theo kết quả khảo sát Top 500 doanh nghiệp lớn nhất Việt Nam 2016 của Vietnam Report, có khoảng 45% doanh nghiệp “khát khao” đầu tư ra nước ngoài trong 5 năm tới. Các thị trường mà doanh nghiệp đưa vào “điểm ngắm” đầu tư là Canada, Mỹ, Ấn Độ, Trung Quốc, Thái Lan, Indonesia, Malaysia…

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Những khát vọng lớn đó bắt nguồn từ những thành quả đáng khích lệ sau gần 30 năm đầu tư ra nước ngoài, khai phá và chinh phục nhiều thị trường như Lào, Campuchia, Nga, Mỹ, Nhật Bản, Venezuela, Cuba, Peru, Mozambique...

Vì đâu có được những thành quả ấy? Có lẽ cần nhìn lại một chút hành trình đầu tư ra nước ngoài của doanh nghiệp Việt.

Giai đoạn 1989-1998 rất nhỏ lẻ. Trước khi có Nghị định 22/1999/NĐ-CP ngày 14/4/1999 của Chính phủ quy định về đầu tư ra nước ngoài, một số doanh nghiệp tư nhân đã đầu tư 18 dự án tại Lào và Campuchia với tổng vốn đăng ký trên 13,6 triệu USD, vốn bình quân chưa tới 1 triệu USD/dự án.

Giai đoạn 1999-2005 có sự thay đổi lớn. Việt Nam có thêm 131 dự án đầu tư ra nước ngoài với tổng vốn đăng ký trên 559,89 triệu USD, tăng gấp 7 lần về số dự án và gấp 40 lần về vốn đăng ký so với giai đoạn 1989-1998. Có được bước tiến lớn này là nhờ Chính phủ ban hành Nghị định số 22/1999/NĐ-CP và các văn bản khác, đặt “nền tảng” cơ sở pháp lý cho hoạt động đầu tư ra nước ngoài.

Từ năm 2006 đến nay là giai đoạn “bùng nổ”. Thống kê của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho thấy, tính đến tháng 1/2017, Việt Nam đang có 1.188 dự án đầu tư tại 70 quốc gia và vùng lãnh thổ với tổng vốn đăng ký gần 21,4 tỷ USD. Đó là những con số “trong mơ” của doanh nghiệp Việt 20 năm trước.

Để có được sự “bùng nổ” đó phải kể đến vai trò xúc tác của Đề án “Thúc đẩy đầu tư của Việt Nam ra nước ngoài” được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tháng 2/2009. Đặc biệt, Nghị định 78/2006/NĐ-CP hướng dẫn thi hành Luật Đầu tư năm 2005 mang tư duy rất mới: Các nhà đầu tư và doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế có quyền đầu tư ra nước ngoài, có quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm trong hoạt động kinh doanh, giảm thiểu các quy định mang tính “xin- cho” hoặc “phê duyệt” bất hợp lý, không cần thiết, trái với nguyên tắc tự do kinh doanh...

Từ “nhỏ lẻ” tới “bùng nổ” là một chặng đường đầy cam go. Bên cạnh tiềm lực tài chính, năng lực triển khai dự án của doanh nghiệp, những chủ trương, chính sách đúng đắn của Chính phủ chính là “bệ phóng”, tạo động lực mạnh mẽ cho doanh nghiệp Việt vươn ra thị trường đầu tư thế giới với quy mô lớn và tầm nhìn chiến lược.