Đẩy mạnh áp dụng tiêu chuẩn, quy chuẩn trong kinh tế tuần hoàn
Kinh tế tuần hoàn đang trở thành hướng đi đúng đẳn của nhiều doanh nghiệp để giải quyết hài hòa mối quan hệ giữa tăng trưởng kinh tế và bảo vệ môi trường.
Hiện nay, trong bối cảnh Cách mạng Công nghiệp 4.0, để phát triển bền vững, giải quyết hài hòa mối quan hệ giữa tăng trưởng kinh tế và bảo vệ môi trường, không đánh đổi tăng trưởng kinh tế với ô nhiễm và suy thoái môi trường, chuyển đổi sang KTTH là hướng đi hoàn toàn đúng đắn, phù hợp định hướng của Đảng và Nhà nước. Trong đó, KTTH được hiểu là mô hình kinh tế mới dựa trên nguyên lý cơ bản “mọi thứ đều là đầu vào đối với thứ khác”.
Tại Việt Nam, giai đoạn 2021 -2030, Đảng và Nhà nước đã xác định việc phát triển nền KTTH là một trong những định hướng quan trọng của đất nước.
Theo đó, Việt Nam sẽ triển khai mô hình KTTH dựa trên 3 trụ cột: thiết kế, kéo dài vòng đời vật liệu; giảm rác thải, phát thải; khôi phục hệ sinh thái. Để phát triển KTTH, Bộ Chính trị cũng đã ban hành Nghị quyết số 55-NQ/TW, “Về định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”, trong đó khẳng định phải ưu tiên phát triển năng lượng tái tạo, phát triển nhà máy điện sử dụng rác thải, chất thải để bảo vệ môi trường và phát triển KTTH. Bên cạnh đó, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 687/QĐ-TTg về phê duyệt Đề án Phát triển KTTH ở Việt Nam…
Số liệu của Ngân hàng Thế giới cho thấy, ô nhiễm nước có thể gây thiệt hại cho Việt Nam tới 3,5% GDP vào năm 2035. Đặc biệt, Việt Nam nằm trong số các quốc gia dễ bị tổn thương nhất do biến đổi khí hậu. Dự báo, biến đổi khí hậu và thiên tai có thể gây thiệt hại lên tới 11% GDP của Việt Nam vào năm 2030.
Vì vậy, để thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững và các cam kết quốc tế mà Việt Nam đã tham gia ký kết thì hướng tiếp cận chuyển đổi mô hình từ “kinh tế tuyến tính” sang “KTTH” cần được xem là một ưu tiên trong giai đoạn phát triển mới của đất nước.
Thời gian qua, Bộ Khoa học và Công nghệ cùng Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng đã có nhiều hoạt động khuyến khích và hỗ trợ hoạt động KTTH. Cụ thể, Tổng cục đã tổ chức nhiều chương trình đào tạo cũng như nâng cao nhận thức về KTTH thông qua Tổ chức Năng suất Châu Á.
Hằng năm, Tổ chức Năng suất Châu Á mở rất nhiều khóa đào tạo về KTTH cũng như nghiệp vụ huy động các nguồn lực thực hiện KTTH, từ đó giúp doanh nghiệp nâng cao nhận thức. Tổng cục cũng xây dựng hợp tác cụ thể từ các tổ chức, đơn vị như Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Trung tâm Năng suất của Đài Loan (Trung Quốc)…
Bên cạnh đó, Thủ tướng đã phê duyệt Chương trình 1322 hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam nâng cao năng suất chất lượng đến năm 2030, trong đó quy định rất cụ thể hỗ trợ cho doanh nghiệp tiếp cận các công cụ năng suất xanh và hướng tới KTTH trong bối cảnh hội nhập.
Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng cho biết, hiện có nhiều doanh nghiệp đã áp dụng các hệ thống tiêu chuẩn, các bộ công cụ hướng tới phát triển và bảo vệ môi trường. Ví dụ như: bộ tiêu chuẩn tiết kiệm năng lượng, bộ tiêu chuẩn liên quan đến vấn đề bảo vệ môi trường cũng như trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp…
Đặc biệt, các doanh nghiệp khi tham gia mô hình KTTH và áp dụng các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật trong quá trình sản xuất sẽ nâng cao “sức khỏe” cho doanh nghiệp trong bối cảnh hội nhập kinh tế toàn cầu, tạo ra sản phẩm không những đạt chất lượng cao mà còn góp phần bảo vệ môi trường.
Thực tế cho thấy, mô hình KTTH tạo ra các cơ hội kinh tế, nhất là đối với doanh nghiệp và nhà khoa học trong hoạt động thiết kế, tái chế, sáng tạo.
Việc giải quyết các vấn đề liên quan tình trạng khan hiếm nguyên liệu, sử dụng năng lượng bền vững, hạn chế đến mức thấp nhất rác thải trong từng công đoạn của vòng đời sản phẩm, tái sử dụng nguyên vật liệu có sẵn… đòi hỏi sự đầu tư đáng kể về nguồn nhân lực khoa học có trình độ, góp phần nâng cao tính cạnh tranh cho nền kinh tế.