Đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại đối với hàng nông sản

PV.

Để tiếp tục phát huy lợi thế, tiềm năng của vùng và thực hiện đề án tái cơ cấu, các địa phương rà soát, quy hoạch các vùng chuyên canh phát triển các ngành hàng chủ lực theo định hướng xuất khẩu, lựa chọn các dự án ưu tiên, chủ động thu hút đầu tư của các thành phần kinh tế, trước hết là các doanh nghiệp để phát triển sản xuất theo đề án tái cơ cấu.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Đó là chỉ đạo đẩy mạnh tái cơ cấu ngành nông nghiệp vùng đồng bằng sông Cửu Long của Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải.

ĐBSCL là vùng trọng điểm nông nghiệp, nơi có lợi thế so sánh tốt nhất về nông nghiệp của cả nước, nhưng trong bối cảnh nước ta đã, đang và sẽ hội nhập sâu vào nền kinh tế thế giới, đồng nghĩa với cạnh tranh ngày càng lớn và gay gắt hơn. Theo chỉ đạo, ĐBSCL cần triển khai những mục tiêu sau:

Phát triển mô hình cánh đồng lớn

ĐBSCL là nơi khởi xướng hình thành và phát triển mô hình hợp tác liên kết xây dựng cánh đồng lớn giữa doanh nghiệp, hợp tác xã, nhà khoa học và nông dân có hiệu quả. Do vậy, Phó Thủ tướng yêu cầu các địa phương tiếp tục chỉ đạo tổng kết rút kinh nghiệm, nhân nhanh các mô hình hoạt động hiệu quả ra diện rộng trong sản xuất lúa và các lĩnh vực khác và coi đây là vấn đề then chốt để đẩy mạnh tái cơ cấu.

Bên cạnh đó, cần tuyên truyền vận động nông dân cho thuê đất, góp vốn bằng giá trị quyền sử dụng đất với doanh nghiệp để hợp tác liên kết sản xuất hàng hóa quy mô lớn theo chuỗi giá trị nhằm phát triển sản xuất ổn định, hiệu quả, xóa dần tình trạng sản xuất nhỏ lẻ, manh mún, tự phát. Tiếp tục thực hiện đào tạo nghề cho lao động nông thôn, tăng cường trí thức trẻ cho hợp tác xã nông nghiệp.

Đẩy mạnh ứng dụng KHCN

Phó Thủ tướng nhấn mạnh cần đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ cao, đưa cơ giới hóa vào các lĩnh vực, các khâu từ giống, kỹ thuật canh tác, chăm sóc, nuôi trồng đến thu hoạch, bảo quản, chế biến để nâng cao năng suất, chất lượng, giá trị gia tăng.

Doanh nghiệp là chủ thể phối hợp với các tổ chức khoa học, hợp tác xã, khuyến nông hướng dẫn nông dân áp dụng tiến bộ kỹ thuật mới, các biện pháp canh tác, sử dụng giống, vật tư tiết kiệm, nâng cao hiệu suất sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, thuốc thú y, thức ăn chăn nuôi, thức ăn thủy sản. Mở rộng mô hình hợp tác xã cung cấp, quản lý vật tư nông nghiệp để bảo đảm cung cấp vật tư chất lượng tốt, bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm, giá thành hạ, hạn chế ô nhiễm môi trường.

Đa dạng hóa các kênh thông tin về thị trường

Phó Thủ tướng giao Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với các địa phương trong vùng rà soát điều chỉnh các quy hoạch phát triển sản xuất ngành nông lâm thủy sản, thủy lợi phục vụ thực hiện tái cơ cấu.

Bộ Công Thương tăng cường đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại đối với các mặt hàng nông sản, cùng với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thực hiện đa dạng hóa các kênh thông tin về thị trường. Chủ trì, phối hợp với các Bộ liên quan xem xét việc hỗ trợ doanh nghiệp chế tạo máy, thiết bị phục vụ nông nghiệp, chế biến nông, lâm, thủy sản theo quy định.

Phó Thủ tướng cũng giao Bộ Tài chính xem xét báo cáo Thủ tướng Chính phủ về việc thí điểm miễn thuế vượt hạn điền cho một số trang trại đang đầu tư mở rộng quy mô sản xuất nông nghiệp.