Đẩy mạnh hợp tác quốc tế về năng suất chất lượng giai đoạn 2021-2030
Trong thời gian qua, hoạt động hợp tác quốc tế trong lĩnh vực năng suất chất lượng đã được Việt Nam đẩy mạnh cả về chiều rộng và chiều sâu. Trong giai đoạn 2021-2030, trước những tác động to lớn của những xu thế mới như sản xuất thông minh, trí tuệ nhân tạo..., Việt Nam sẽ đẩy mạnh hoạt động này nhằm tiếp tục tạo bước chuyển biến rõ rệt về năng suất và chất lượng của các sản phẩm, hàng hóa chủ lực, khả năng cạnh tranh của các doanh nghiệp đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Ngày 21/5/2010, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 712/2010/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình quốc gia “Nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hóa của doanh nghiệp Việt Nam đến năm 2020”. Tại Quyết định này, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu cần triển khai các giải pháp về hợp tác quốc tế, trong đó tập trung vào một số nhiệm vụ trọng tâm như: Tổ chức các hoạt động hợp tác quốc tế để đào tạo, nâng cao trình độ cho đội ngũ cán bộ, chuyên gia về năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hóa; Tranh thủ sự hợp tác quốc tế để hỗ trợ tăng cường năng lực thử nghiệm chất lượng sản phẩm, hàng hóa phục vụ cho triển khai các hoạt động đánh giá sự phù hợp tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật; Ký kết các thỏa thuận song phương thừa nhận lẫn nhau các kết quả đánh giá sự phù hợp ở cấp độ quốc gia.
Trong giai đoạn 2021-2030, Việt Nam sẽ tiếp tục đẩy mạnh hợp tác quốc tế về năng suất chất lượng. Theo đó, sẽ phối hợp với Tổ chức Năng suất Châu Á hình thành và triển khai hoạt động của Trung tâm xuất sắc về đổi mới sáng tạo thúc đẩy năng suất tại Việt Nam; Trao đổi về kinh nghiệm, kỹ thuật gia tăng năng suất, so sánh năng suất với các nước trong khu vực và trên thế giới.
Triển khai Chương trình này, trong nhiều năm qua, hoạt động hợp tác quốc tế trong lĩnh vực năng suất chất lượng đã được Việt Nam đẩy mạnh cả về chiều rộng và chiều sâu. Đặc biệt, việc trở thành thành viên Tổ chức Năng suất châu Á (APO) từ ngày 1/1/1996 có ý nghĩa rất quan trọng đối với Việt Nam. Sự hỗ trợ của APO đối với Việt Nam thể hiện trên hoạt động quan trọng trong thời gian gần đây như: Xây dựng Kế hoạch tổng thể về năng suất hướng tới phát triển dựa trên đổi mới sáng tạo, tăng cường năng lực thông qua các hội thảo, hội nghị, tư vấn, cung cấp chuyên gia... đối với nhiều lĩnh vực gắn liền với các chính sách, chủ trương phát triển của nhà nước như sản xuất thông minh, đô thị thông minh; truy xuất nguồn gốc… Từ khi gia nhập đến nay, Tổ chức Năng suất quốc gia Việt Nam (Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng) đã cử hàng nghìn lượt cán bộ của các cơ quan quản lý, các ngành kinh tế và các tổ chức, doanh nghiệp tham dự các chương trình, dự án của APO ở trong nước và nước ngoài.
Việc tham gia đầy đủ và có hiệu quả vào các chương trình, dự án của APO góp phần giúp Việt Nam tăng cường năng lực chuyên gia lĩnh vực năng suất chất lượng, nhất là năng lực tiếp cận với các công cụ, giải pháp mới nâng cao năng suất chất lượng trong bối cảnh Cách mạng công nghiệp 4.0; Đẩy mạnh hợp tác quốc tế và nâng cao vai trò của Tổ chức Năng suất quốc gia trong APO; Nghiên cứu để xây dựng các cơ sở pháp lý cho hoạt động năng suất chất lượng và hoạt động APO tại Việt Nam...
Đặc biệt, vai trò và vị thế của Việt Nam trong APO một lần nữa được khẳng định khi tại nhiệm kỳ 2020-2021, Việt Nam chính thức đảm nhận vị trí Chủ tịch APO. Đây là lần thứ hai sau 24 năm gia nhập, Việt Nam đảm nhận vai trò quan trọng này. Việt Nam mang trên mình sứ mệnh hoàn toàn mới có tính lịch sử khi vừa dẫn dắt, điều phối các hoạt động của các nền kinh tế thành viên cùng đoàn kết vượt qua các khó khăn của đại dịch Covid-19 vừa phát triển theo tầm nhìn và chiến lược mới. Để chuẩn bị cho vai trò này, ngay từ đầu năm, Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng đã triển khai nhiều hoạt động và sáng kiến liên quan, đặc biệt là sáng kiến kết nối và thúc đẩy hợp tác giữa ASEAN và APO trong lĩnh vực năng suất, giới thiệu APO tham gia là đối tác chính của ASEAN trong việc triển khai Sáng kiến ASEAN 2020 về sản xuất thông minh...
Cùng với việc tăng cường vai trò và vị thế của mình tại Tổ chức APO, trong mắt bạn bè quốc tế, Việt Nam đã trở thành đối tác tin cậy, một điểm đến an toàn. Điều này đã được minh chứng bằng hàng loạt bản ghi nhớ hợp tác (MOU) và các hoạt động hợp tác chuyên môn giữa Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng và các đơn vị trực thuộc với các đối tác quốc tế trong những năm vừa qua.
Cụ thể, sự kiện đầu tiên phải kể đến là bản ghi nhớ hợp tác giữa Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng và Trung tâm Năng suất quốc gia Hàn Quốc (KPC) tháng 8/2019. Việc kí biên bản ghi nhớ với KPC là minh chứng rõ nét nhất cho mối quan hệ hợp tác tốt đẹp giữa Việt Nam và Hàn Quốc, tăng cường hơn nữa quan hệ thương mại song phương giữa hai quốc gia trên cơ sở học hỏi kinh nghiệm và hỗ trợ lẫn nhau trong lĩnh vực năng suất chất lượng. Trên cơ sở này, tháng 11/2019, Văn phòng chương trình hợp tác KPC-QTC đã chính thức được khai trương với trụ sở đặt tại Trung tâm Đào tạo Nghiệp vụ Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng (QTC) để là nơi cùng triển khai các chương trình đào tạo, tư vấn cho các tổ chức, doanh nghiệp tại Việt Nam trong các lĩnh vực thế mạnh của hai bên như quản lý chất lượng, đảm bảo và cải tiến chất lượng, nâng cao năng suất, quản lý sản xuất, sản xuất thông minh...
Ngoài ra, phải kể đến hàng loạt hoạt động hợp tác chuyên môn với các đối tác quốc tế, nổi bật trong số đó là việc Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng đã hợp tác với Trung tâm Năng suất Đài Loan, TÜV SÜD Asia Pacific Pte Ltd và IGI Korea, những tổ chức đi đầu về sản xuất thông minh để giới thiệu sản xuất thông minh thông qua các hội nghị, hội thảo... Các hoạt động này được cơ quan, doanh nghiệp Việt Nam hết sức quan tâm và bước đầu đã giúp phổ biến kiến thức về sản xuất thông minh đến các doanh nghiệp và cơ quan tại Việt Nam. Trong lĩnh vực công nghiệp 4.0 và chuẩn đối sánh, Việt Nam cũng tăng cường học tập các nền kinh tế đi đầu...
Trong giai đoạn 2021-2030, Việt Nam sẽ tiếp tục đẩy mạnh hợp tác quốc tế về năng suất chất lượng. Theo đó, sẽ tăng cường hợp tác, thực hiện có hiệu quả các chương trình, dự án năng suất của Tổ chức Năng suất Châu Á; Phối hợp với Tổ chức Năng suất Châu Á hình thành và triển khai hoạt động của Trung tâm xuất sắc về đổi mới sáng tạo thúc đẩy năng suất tại Việt Nam; Trao đổi về kinh nghiệm, kỹ thuật gia tăng năng suất, so sánh năng suất với các nước trong khu vực và trên thế giới.