Đẩy mạnh phát triển kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam hiện nay
Kinh tế tuần hoàn (KTTH) là mô hình kinh tế bền vững, tối ưu hóa tài nguyên, giảm thiểu chất thải và thúc đẩy tái sử dụng, tái chế. Đây là xu hướng tất yếu giúp Việt Nam ứng phó với biến đổi khí hậu và thực hiện cam kết tăng trưởng xanh. KTTH mang lại lợi ích kinh tế, môi trường và xã hội, nhưng hiện vẫn đối mặt nhiều thách thức, như: hạ tầng hạn chế, ý thức cộng đồng chưa cao, và thiếu chính sách hỗ trợ… Bài viết phân tích thực trạng phát triển KTTH tại Việt Nam, đồng thời đề xuất các giải pháp nhằm đẩy mạnh mô hình này.
Trong bối cảnh tài nguyên thiên nhiên ngày càng cạn kiệt và các vấn đề môi trường trở nên nghiêm trọng, KTTH được xem là một hướng đi tất yếu để đảm bảo sự phát triển bền vững. KTTH không chỉ giúp tối ưu hóa việc sử dụng tài nguyên, mà còn giảm thiểu lượng chất thải ra môi trường thông qua các giải pháp tái chế, tái sử dụng và kéo dài vòng đời sản phẩm. Mô hình này đã được áp dụng thành công tại nhiều quốc gia trên thế giới, đem lại lợi ích to lớn về kinh tế, môi trường, và xã hội.
Tuy nhiên, tại Việt Nam, KTTH vẫn còn gặp nhiều thách thức lớn. Hạ tầng phân loại và tái chế rác thải chưa đồng bộ, ý thức cộng đồng về bảo vệ môi trường còn hạn chế, trong khi các chính sách hỗ trợ và cơ chế khuyến khích phát triển KTTH chưa hoàn thiện. Điều này đặt ra yêu cầu cấp thiết phải đẩy mạnh nghiên cứu, xây dựng chiến lược và thực hiện các giải pháp đồng bộ nhằm khai thác tối đa tiềm năng của KTTH.
Một số vấn đề cơ bản về kinh tế tuần hoàn
KTTH là một mô hình kinh tế bền vững, tập trung vào việc tối ưu hóa việc sử dụng tài nguyên và giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường. Khái niệm này đã thu hút sự quan tâm toàn cầu trong bối cảnh các vấn đề môi trường, biến đổi khí hậu, và cạn kiệt tài nguyên trở nên cấp bách.
Ellen MacArthur Foundation (2024) định nghĩa: KTTH là một hệ thống có tính khôi phục và tái tạo. Trong KTTH, sản phẩm và vật liệu được duy trì trong vòng tuần hoàn thông qua các quy trình như bảo trì, tái sử dụng, cải tạo, tái sản xuất, tái chế và ủ phân hữu cơ. KTTH giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu và các thách thức toàn cầu khác như mất đa dạng sinh học, rác thải và ô nhiễm bằng cách tách biệt hoạt động kinh tế khỏi việc tiêu thụ các tài nguyên hữu hạn.
Theo Điều 142, Luật Bảo vệ môi trường năm 2020, KTTH là mô hình kinh tế trong đó các hoạt động thiết kế, sản xuất, tiêu dùng và dịch vụ nhằm giảm khai thác nguyên liệu, vật liệu, kéo dài vòng đời sản phẩm, hạn chế chất thải phát sinh và giảm thiểu tác động xấu đến môi trường.
Như vậy, KTTH không chỉ mang lại lợi ích về mặt môi trường, mà còn tạo ra cơ hội phát triển kinh tế bền vững. Việc tối ưu hóa tài nguyên và giảm thiểu chất thải sẽ giúp giảm chi phí sản xuất, nâng cao hiệu quả sử dụng tài nguyên, đồng thời tạo ra các cơ hội việc làm mới trong các ngành công nghiệp tái chế, sửa chữa và bảo trì. Hơn nữa, khi mô hình này được áp dụng rộng rãi, nó có thể giúp các doanh nghiệp tiết kiệm chi phí sản xuất và nâng cao khả năng cạnh tranh trên thị trường toàn cầu. Chính vì vậy, việc chuyển đổi sang một nền KTTH không chỉ là yêu cầu cấp bách trong bối cảnh hiện nay, mà còn là xu hướng tất yếu để đảm bảo sự phát triển bền vững cho các thế hệ tương lai.
Thực trạng phát triển kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam
Chính sách thúc đẩy
Đảng và Nhà nước Việt Nam đã nhấn mạnh, phát triển KTTH là một định hướng chiến lược quan trọng nhằm xây dựng nền kinh tế bền vững và thân thiện với môi trường. Việt Nam hướng tới triển khai mô hình KTTH dựa trên ba nguyên tắc cơ bản: thiết kế để tối ưu hóa và kéo dài vòng đời của vật liệu; giảm thiểu rác thải và khí thải gây ô nhiễm và khôi phục các hệ sinh thái tự nhiên. Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 55-NQ/TW, ngày 11/02/2020 về định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Nghị quyết số 55-NQ/TW khuyến khích phát triển năng lượng tái tạo, xây dựng các nhà máy điện từ rác thải, chất thải và thúc đẩy các giải pháp nhằm bảo vệ môi trường, góp phần hiện thực hóa mục tiêu KTTH. Đồng thời, Nghị quyết Đại hội đảng bộ toàn quốc lần thứ XIII của Đảng cũng xác định: “xây dựng nền kinh tế xanh, KTTH, thân thiện với môi trường” là một trong những định hướng trọng yếu của đất nước trong thập kỷ tới.
Để hiện thực hóa các chủ trương này, Nhà nước đã ban hành một hệ thống các chính sách pháp luật quan trọng. Những năm qua, các quy định trong Luật Bảo vệ môi trường, Luật Khoáng sản, Luật Tài nguyên nước và Luật Đất đai… Tất cả đã tạo nên nền tảng pháp lý vững chắc cho sự phát triển của KTTH. Ngoài ra, các chiến lược lớn như: Chiến lược phát triển bền vững Việt Nam 2011-2020 (Quyết định số 432/QĐ-TTg, ngày 12/4/2012); Chiến lược bảo vệ môi trường quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 (theo Quyết định số 450/QĐ-TTg, ngày 13/4/2022 của Thủ tướng Chính phủ); Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2050 (theo Quyết định số 1658/QĐ-TTg, ngày 01/10/2021 của Thủ tướng Chính phủ), cùng Chiến lược quốc gia về quản lý tổng hợp chất thải rắn đến năm 2025, tầm nhìn 2050 (Quyết định số 2149/QĐ-TTg, ngày 17/12/2009), cũng lồng ghép các yếu tố thúc đẩy KTTH. Đặc biệt, ngày 7/6/2022, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án phát triển KTTH tại Việt Nam (theo Quyết định số 687/QĐ-TTg), khẳng định cam kết mạnh mẽ trong việc thúc đẩy mô hình này trên phạm vi toàn quốc. Những chính sách này không chỉ khẳng định quyết tâm của Việt Nam trong việc theo đuổi mục tiêu phát triển bền vững, mà còn tạo ra một khung pháp lý thuận lợi để huy động nguồn lực xã hội và quốc tế, hướng đến xây dựng một nền KTTH toàn diện và hiệu quả.
Kết quả ban đầu
Việt Nam đã triển khai một số mô hình KTTH hiệu quả, đặc biệt ở các lĩnh vực nông nghiệp, công nghiệp và tiêu dùng, nhằm thúc đẩy phát triển bền vững và bảo vệ môi trường. Trong lĩnh vực nông nghiệp, các mô hình KTTH đã được ứng dụng từ rất sớm và trở nên phổ biến. Các mô hình như: vườn – ao – chuồng và rừng – vườn – ao – chuồng đã được áp dụng rộng rãi từ những năm 1970. Đây là các mô hình khép kín trong sản xuất nông nghiệp, không chỉ giúp tối ưu hóa việc sử dụng tài nguyên như đất đai, nước và chất thải, mà còn tạo ra sự bền vững trong phát triển. Các phế phẩm nông nghiệp như: phân bón hữu cơ từ chất thải động vật và thực vật được tái sử dụng, giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường và tăng cường năng suất sản xuất. Trong lĩnh vực công nghiệp, KTTH cũng đã được áp dụng ở nhiều doanh nghiệp, đặc biệt là trong việc tận dụng các phế phẩm và phụ phẩm từ quá trình sản xuất.
Một trong những mô hình tiêu biểu là việc sử dụng nguồn năng lượng tái tạo, bao gồm: năng lượng mặt trời và gió, kết hợp với việc tận dụng phế phẩm, như: gỗ từ nông nghiệp để sản xuất năng lượng sinh khối. Nhiều doanh nghiệp cũng đã áp dụng công nghệ để tái chế các sản phẩm phế thải, như: mía đường (chế biến thành rượu hoặc điện), hoặc tro xỉ từ các nhà máy nhiệt điện được sử dụng làm vật liệu xây dựng. Một ví dụ đáng chú ý là sự hình thành các Liên minh chống rác thải nhựa và Liên minh tái chế bao bì Việt Nam, với sự tham gia của 9 tập đoàn lớn, gồm: TH Group với thương hiệu TH True milk nổi tiếng, Coca-Cola Việt Nam, Friesland Campina Việt Nam, La Vie, Nestle, Nutifood, Suntory PepsiCo Việt Nam, Tetra Pak và Universal Robina Corporation (Ngọc Hiển, 2019). Các doanh nghiệp này cam kết tái chế toàn bộ bao bì vào năm 2030, góp phần quan trọng trong việc giảm thiểu chất thải nhựa. Ngoài ra, nhờ sự hỗ trợ từ các tổ chức quốc tế, như: UNIDO và Quỹ Môi trường Toàn cầu, Việt Nam đã phát triển các khu công nghiệp sinh thái tại Hải Phòng, Ninh Bình, Đà Nẵng và Cần Thơ (Cục Đầu tư nước ngoài, 2021).
Một điểm sáng nữa là sự phát triển các làng nghề tại Việt Nam, nơi các mô hình tái chế chất thải và phế liệu đã được thực hiện từ lâu. Các hoạt động tái chế phế liệu như thép, giấy, nhựa không chỉ tạo ra sinh kế cho người dân, mà còn góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Việc tái chế tại các làng nghề giúp giảm bớt lượng rác thải và mang lại giá trị kinh tế từ những vật liệu tưởng chừng như không còn giá trị. Trong lĩnh vực tiêu dùng, nhiều sáng kiến tiêu dùng xanh đã xuất hiện, khuyến khích việc sử dụng sản phẩm tái tạo và tiết kiệm năng lượng. Các sản phẩm như: ống hút từ cỏ, việc hạn chế sử dụng túi ni lông và xây dựng nhà xanh là những biểu hiện rõ nét của mô hình này. Sự phát triển của công nghệ số cũng đã tạo cơ hội cho các mô hình kinh doanh theo kinh tế chia sẻ, nổi bật là 3 loại hình dịch vụ chủ yếu: chia sẻ phương tiện giao thông (Grab, Go Viet, Fastgo), dịch vụ lưu trú (Airbnb, Travelmob) và dịch vụ cho vay ngang hàng (Fintech). Các dịch vụ này không chỉ hỗ trợ việc tối ưu hóa tài nguyên, mà còn khuyến khích người dân tham gia vào các hoạt động tiêu dùng bền vững. Ngoài ra, các dịch vụ khác như: du lịch, chia sẻ không gian làm việc, gửi xe và chia sẻ lao động cũng đã phát triển mạnh mẽ, đóng góp vào việc xây dựng nền KTTH, nơi các nguồn lực được sử dụng một cách hiệu quả nhất (Phan Thị Ái và Trần Nữ Hồng Dung, 2023).
Báo cáo kết quả thực hiện và định hướng nhằm thúc đẩy mô hình KTTH tại Việt Nam tại Diễn đàn Phát triển KTTH “Xu hướng thế giới và định hướng chính sách tại Việt Nam” do Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức vào ngày 12/9/2024 cho thấy, Việt Nam bước đầu đã hình thành các thị trường mới về hàng hóa và dịch vụ môi trường, nguyên liệu thứ cấp, các sản phẩm thân thiện môi trường, việc làm xanh, đặc biệt là thị trường vốn cho KTTH. Đến ngày 30/6/2024, 50 tổ chức tín dụng báo cáo phát sinh dư nợ tín dụng xanh đạt 650.300 tỷ đồng, trong đó năng lượng tái tạo, năng lượng sạch (chiếm trên 45%) và nông nghiệp xanh (chiếm gần 30%), góp phần thúc đẩy sự ra đời và phát triển của của các sáng kiến/mô hình KTTH trên thực tiễn; trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp, công nghiệp và năng lượng, thương mại và dịch vụ…
Thách thức trong phát triển KTTH ở Việt Nam
Mặc dù Việt Nam đã có những bước tiến quan trọng trong việc thúc đẩy mô hình KTTH ở nhiều lĩnh vực, nhưng quá trình triển khai và phát triển mô hình này vẫn đang gặp phải không ít thách thức. Các vấn đề này không chỉ đến từ yếu tố nội tại của nền kinh tế, mà còn liên quan đến sự thay đổi trong nhận thức xã hội, thiếu hụt cơ sở hạ tầng phù hợp, cũng như các chính sách, cơ chế quản lý chưa hoàn chỉnh. Cụ thể như sau:
Thứ nhất, thiếu nhận thức và hiểu biết về KTTH. Một trong những thách thức lớn nhất đối với việc triển khai KTTH ở Việt Nam là sự thiếu nhận thức và hiểu biết về mô hình này, đặc biệt trong cộng đồng doanh nghiệp và người dân. Mặc dù KTTH đã trở thành một chủ trương chiến lược của Đảng và Nhà nước, nhưng nhiều doanh nghiệp và cá nhân vẫn chưa thực sự hiểu rõ về lợi ích và cách thức áp dụng mô hình này vào thực tế. Các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp vừa và nhỏ, thường không nhận thức đầy đủ về các lợi ích kinh tế và môi trường của việc chuyển đổi sang mô hình KTTH, dẫn đến việc áp dụng còn hạn chế.
Hơn nữa, trong một số trường hợp, người dân cũng chưa có thói quen tái sử dụng, tái chế sản phẩm hay giảm thiểu chất thải trong đời sống hàng ngày. Việc thiếu thông tin và sự hướng dẫn rõ ràng về các phương thức sử dụng nguyên liệu tái chế, tiết kiệm năng lượng hay giảm thiểu rác thải đã khiến việc triển khai KTTH gặp nhiều khó khăn. Vì vậy, việc nâng cao nhận thức về KTTH trong mọi tầng lớp xã hội, từ người tiêu dùng đến các doanh nghiệp, là yếu tố quan trọng để thúc đẩy mô hình này phát triển mạnh mẽ hơn.
Thứ hai, cơ sở hạ tầng và công nghệ chưa đáp ứng yêu cầu. Một thách thức không nhỏ đối với Việt Nam trong việc phát triển KTTH là cơ sở hạ tầng và công nghệ còn thiếu và yếu. Hệ thống quản lý chất thải, đặc biệt là rác thải sinh hoạt và công nghiệp, vẫn chưa được tổ chức một cách đồng bộ và hiệu quả. Mặc dù có những cải tiến trong công tác thu gom, xử lý và tái chế rác thải, nhưng hầu hết các khu vực nông thôn và các thành phố nhỏ vẫn thiếu các cơ sở tái chế chất thải phù hợp.
Công nghệ tái chế và xử lý chất thải cũng còn nhiều hạn chế, với sự thiếu vắng các công nghệ hiện đại giúp tái chế phế liệu một cách hiệu quả và tiết kiệm chi phí. Các doanh nghiệp vẫn đang gặp phải khó khăn trong việc tiếp cận các công nghệ mới và chưa có sự đồng bộ trong việc áp dụng các giải pháp công nghệ xanh. Điều này dẫn đến việc chưa tận dụng triệt để các nguồn tài nguyên tái tạo và giảm thiểu chất thải, gây ảnh hưởng không nhỏ đến sự phát triển của KTTH.
Thứ ba, chính sách và cơ chế quản lý chưa đồng bộ. Dù đã có nhiều chính sách và pháp luật hỗ trợ phát triển KTTH, nhưng chúng chưa thực sự đồng bộ và thiếu tính khả thi trong thực tiễn. Các quy định về bảo vệ môi trường, quản lý chất thải, sử dụng năng lượng tái tạo hiện nay còn phân tán, thiếu sự phối hợp giữa các bộ ngành, cơ quan quản lý nhà nước và các địa phương. Một số chính sách hiện hành chưa đáp ứng được yêu cầu thực tế của các doanh nghiệp khi họ muốn chuyển sang mô hình KTTH, vì thiếu sự khuyến khích mạnh mẽ hay hỗ trợ tài chính. Ngoài ra, cơ chế xử lý vi phạm về môi trường chưa thực sự nghiêm ngặt, dẫn đến việc một số doanh nghiệp vẫn tìm cách né tránh trách nhiệm trong việc quản lý chất thải hoặc áp dụng các biện pháp bảo vệ môi trường. Điều này không chỉ làm giảm hiệu quả của các chính sách về KTTH mà còn làm suy yếu các nỗ lực trong việc thực hiện mục tiêu phát triển bền vững.
Thứ tư, thiếu sự liên kết giữa các ngành và doanh nghiệp. KTTH đòi hỏi sự liên kết chặt chẽ giữa các ngành, doanh nghiệp và các bên liên quan để tạo ra một chuỗi giá trị tuần hoàn, nơi các nguyên liệu và sản phẩm có thể tái sử dụng liên tục. Tuy nhiên, trong thực tế, việc thiếu sự kết nối giữa các ngành và các doanh nghiệp trong chuỗi cung ứng vẫn là một thách thức lớn. Các doanh nghiệp vẫn thường làm việc riêng lẻ, thiếu sự hợp tác để tận dụng các nguồn tài nguyên tái chế hoặc chia sẻ công nghệ và kiến thức.
Việc thiếu các nền tảng hợp tác giữa các ngành công nghiệp, từ sản xuất đến tiêu dùng, khiến việc thực hiện KTTH trong các lĩnh vực, như: tái chế, năng lượng tái tạo hay quản lý chất thải gặp nhiều khó khăn. Các doanh nghiệp nhỏ và vừa, đặc biệt là trong các ngành nông nghiệp và công nghiệp chế biến, thường thiếu các mạng lưới hỗ trợ về công nghệ và nguồn lực để chuyển đổi sang mô hình KTTH.
Thứ năm, khó khăn trong huy động nguồn lực tài chính. Một thách thức nữa đối với phát triển KTTH là việc huy động vốn và nguồn lực tài chính cho các dự án, mô hình KTTH. Việc triển khai các mô hình KTTH đòi hỏi sự đầu tư lớn vào công nghệ, hạ tầng và đào tạo nhân lực, điều này đặc biệt khó khăn đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Mặc dù đã có một số chương trình hỗ trợ từ Chính phủ và các tổ chức quốc tế, nhưng các doanh nghiệp vẫn gặp khó khăn trong việc tiếp cận các nguồn vốn ưu đãi hoặc vay vốn với lãi suất thấp để triển khai các dự án KTTH. Hơn nữa, các nhà đầu tư cũng chưa mặn mà với việc đầu tư vào mô hình KTTH do thiếu thông tin về tính khả thi và lợi nhuận lâu dài của mô hình này. Điều này đòi hỏi Chính phủ và các tổ chức tài chính cần đưa ra các chính sách hỗ trợ mạnh mẽ hơn để thúc đẩy đầu tư vào các dự án KTTH, đồng thời cung cấp các cơ chế tài chính hợp lý để doanh nghiệp dễ dàng tiếp cận vốn.
Một số giải pháp
Để thúc đẩy và phát triển mô hình KTTH ở Việt Nam, cần có những giải pháp đồng bộ và hiệu quả từ cả phía Chính phủ, doanh nghiệp và cộng đồng. Các giải pháp này không chỉ giúp giải quyết các thách thức hiện tại, mà còn tạo ra động lực cho nền kinh tế phát triển bền vững trong tương lai.
Một là, nâng cao nhận thức của cộng đồng và các doanh nghiệp. Việc này không chỉ giúp người dân và các tổ chức hiểu rõ hơn về lợi ích mà KTTH mang lại mà còn khuyến khích họ tham gia vào quá trình chuyển đổi này. Chính phủ cần thực hiện các chiến dịch tuyên truyền trên các phương tiện truyền thông đại chúng, các hội thảo, hội nghị để cung cấp thông tin đầy đủ về mô hình KTTH và các thành công điển hình. Ngoài ra, các chương trình đào tạo và giáo dục về KTTH cần được đưa vào chương trình giảng dạy tại các trường học và cơ sở đào tạo nghề, giúp hình thành tư duy bền vững từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường. Khi nhận thức được nâng cao, việc áp dụng KTTH trong các hoạt động kinh tế sẽ dễ dàng hơn và có sự đồng thuận cao từ xã hội.
Hai là, liên quan đến việc hoàn thiện hệ thống chính sách và pháp luật. Việt Nam cần xây dựng một hệ thống chính sách đồng bộ, rõ ràng và dễ tiếp cận, hỗ trợ các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ, chuyển đổi sang mô hình KTTH. Chính phủ có thể triển khai các ưu đãi thuế, tín dụng đặc biệt dành cho các doanh nghiệp đầu tư vào công nghệ tái chế, sử dụng năng lượng tái tạo hoặc giảm thiểu chất thải. Đồng thời, các khung pháp lý về xử lý chất thải, tái chế, năng lượng tái tạo cần được hoàn thiện để các doanh nghiệp có thể thực thi hiệu quả. Các chiến lược phát triển về năng lượng quốc gia, cũng như phát triển bền vững cần có những mục tiêu cụ thể liên quan đến KTTH, giúp các doanh nghiệp định hướng rõ ràng hơn trong hoạt động sản xuất. Chính phủ cũng cần khuyến khích mô hình hợp tác công - tư (PPP) trong các dự án tái chế và xử lý chất thải, qua đó huy động nguồn lực từ khu vực tư nhân.
Ba là, tăng cường đầu tư vào công nghệ và cải thiện hạ tầng. Công nghệ là yếu tố quan trọng giúp tối ưu hóa việc sử dụng tài nguyên, tái chế và giảm thiểu chất thải trong KTTH. Chính phủ cần tạo ra các cơ chế khuyến khích đầu tư vào các công nghệ xanh, năng lượng tái tạo và công nghệ xử lý chất thải. Các quỹ hỗ trợ nghiên cứu và phát triển công nghệ xanh cần được hình thành và ưu tiên tài trợ cho các dự án có tính bền vững cao. Bên cạnh đó, hạ tầng xử lý chất thải, đặc biệt là các cơ sở tái chế, cần được cải thiện để có thể đáp ứng nhu cầu của các doanh nghiệp áp dụng KTTH. Việc phát triển các khu công nghiệp sinh thái cũng rất quan trọng, giúp doanh nghiệp tối ưu hóa nguồn tài nguyên và năng lượng trong quy trình sản xuất.
Bốn là, tạo ra cơ chế tài chính hỗ trợ các doanh nghiệp trong việc chuyển đổi sang mô hình KTTH. Chính phủ cần xây dựng các quỹ đầu tư xanh, quỹ hỗ trợ cho các doanh nghiệp áp dụng công nghệ tái chế, năng lượng tái tạo và các giải pháp giảm thiểu chất thải. Các gói tín dụng ưu đãi, các khoản trợ cấp và bảo hiểm rủi ro cho các dự án trong lĩnh vực môi trường và năng lượng tái tạo cần được triển khai để giảm bớt gánh nặng tài chính cho doanh nghiệp, khuyến khích họ đầu tư vào KTTH. Các chính sách tài chính có thể được mở rộng thông qua việc hợp tác với các tổ chức quốc tế và khu vực tư nhân, tạo ra nguồn lực lớn hơn cho các dự án bền vững. Việc triển khai các chương trình tín dụng xanh và hợp tác với các ngân hàng thương mại để phát triển các sản phẩm tài chính hỗ trợ doanh nghiệp xanh là một hướng đi hiệu quả.
Năm là, việc xây dựng các mô hình hợp tác giữa các ngành và doanh nghiệp trong nền kinh tế là yếu tố quan trọng không thể thiếu. Chính phủ cần khuyến khích việc thành lập các liên minh, hiệp hội doanh nghiệp để chia sẻ nguồn lực, công nghệ và thông tin về KTTH. Các ngành như năng lượng, công nghiệp chế biến, nông nghiệp và dịch vụ có thể hợp tác với nhau trong việc phát triển các chuỗi giá trị tuần hoàn, nơi tài nguyên, sản phẩm và năng lượng được tái sử dụng hoặc tái chế. Mô hình này không chỉ giúp tiết kiệm tài nguyên mà còn giảm thiểu được chất thải, tạo ra một môi trường kinh doanh bền vững. Các sáng kiến hợp tác công-tư và xây dựng các liên minh ngành nghề sẽ giúp tạo ra một hệ sinh thái KTTH mạnh mẽ và hiệu quả.