Đẩy mạnh quản lý, điều hành giá sau Tết

Trần Huyền

Bộ Tài chính vừa có Công văn số 1076/BTC-QLG ngày 7/2/2022 gửi các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; Hiệp hội bảo vệ người tiêu dùng; các hiệp hội ngành hàng; các tập đoàn, tổng công ty nhà nước và doanh nghiệp về việc tiếp tục đẩy mạnh triển khai công tác quản lý, điều hành giá.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Căn cứ tình hình diễn biến giá cả thị trường trước và trong Tết, một số chính sách hỗ trợ của Chính phủ mới có hiệu lực thi hành; trong bối cảnh giá xăng dầu thế giới có xu hướng tăng cao tác động đến giá bán lẻ trong nước..., nhằm tiếp tục đẩy mạnh triển khai Chỉ thị số 35/CT-TTg ngày 31/12/2021 và ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại cuộc họp thường trực Chính phủ về đánh giá tình hình Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022 ngày 03/02/2022, Bộ Tài chính đề nghị các cơ quan, đơn vị tiếp tục quan tâm, đẩy mạnh triển khai công tác quản lý, điều hành giá sau dịp Tết Nguyên đán.

Theo đó, chủ động theo dõi sát diễn biến cung cầu, giá cả thị trường các mặt hàng quan trọng, thiết yếu trong thời điểm sau Tết, nhất là đối với các mặt hàng có nhu cầu tăng cao như: dịch vụ vận tải, du lịch tại điểm vui chơi, tham quan, lễ hội và mặt hàng hiện đang có xu hướng tăng giá như xăng dầu, vật liệu xây dựng phục vụ các công trình trọng điểm... Trên cơ sở đó chủ động tăng cường công tác phối hợp trong triển khai các giải pháp quản lý, điều hành giá ngay từ đầu năm để góp phần giữ ổn định giá cả thị trường, hướng đến mục tiêu kiểm soát lạm phát trong quý I và cả năm 2022. 

Đồng thời, tiếp tục đẩy mạnh thực hiện công tác kiểm tra, thanh tra giá và kịp thời xử lý các sai phạm, lợi dụng dịp lễ, tết, cao điểm để tăng giá bất hợp lý, các trường hợp đưa tin thất thiệt gây bất ổn thị trường, giá cả. Cùng với đó, tiếp tục đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền về chủ trương, biện pháp bình ổn giá, kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội, góp phần tạo sự đồng thuận trong xã hội để hạn chế tối đa các tác động tăng giá do yếu tố tâm lý, kỳ vọng lạm phát.

Căn cứ quy định tại Nghị định số 15/2022/NĐ-CP ngày 28/01/2022 của Chính phủ quy định chính sách miễn, giảm thuế theo Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, Bộ Tài chính đề nghị các cơ quan, đơn vị kịp thời có các giải pháp quản lý, điều hành giá phù hợp.

Trong đó, đối với các hàng hóa, dịch vụ thuộc danh mục nhà nước định giá, kê khai giá, tổ chức triển khai rà soát để chủ động điều chỉnh giá hoặc trình cấp có thẩm quyền xem xét điều chỉnh giá theo đúng quy định tại Luật giá và các quy định nêu trên. 

Đối với các hàng hóa, dịch vụ khác, tổ chức nắm bắt tình hình thực hiện của các đơn vị sản xuất, kinh doanh để có các biện pháp điều hành, bình ổn giá phù hợp, không để xảy ra tình trạng mất cân đối cung cầu hàng hóa, xử nghiêm các trường hợp lợi dụng chính sách, lợi dụng các thời điểm lễ, Tết để tăng giá bất hợp lý.