Để công cuộc tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước không đơn thuần là “thay áo mới”!
(Tài chính) Nhiều chuyên gia cho rằng, tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước (DNNN) thời gian qua diễn ra quá chậm chạp. Điều này không chỉ thể hiện tình trạng các DNNN vẫn còn đang quẩn quanh tìm định hướng phát triển sau tái cơ cấu, mà còn tạo lực cản trong việc tái cơ cấu nền kinh tế và chuyển đổi mô hình tăng trưởng.
Vẫn quá chậm
Để thực hiện tái cơ cấu DNNN theo chủ trương của Đảng, Chính phủ đã ban hành Quyết định số 929/QĐ-TTg, ngày 17/7/2012 về phê duyệt Đề án tái cơ cấu DNNN, trọng tâm là tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước giai đoạn 2011-2015. Từ đó đến nay, tiến trình tái cơ cấu DNNN đã đạt được những kết quả sau:
- Chính phủ đã ban hành và triển khai thực hiện 05 nghị định về đổi mới cơ chế quản lý DNNN, bao gồm: Nghị định số 50/2013/NĐ-CP, ngày 14/05/2013 của Chính phủ quy định quản lý lao động, tiền lương và tiền thưởng đối với người lao động làm việc trong công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do Nhà nước làm chủ sở hữu; Nghị định số 51/2013/NĐ-CP, ngày 4/05/2013 của Chính phủ quy định chế độ tiền lương, thù lao, tiền thưởng đối với thành viên hội đồng thành viên hoặc chủ tịch công ty, kiểm soát viên, tổng giám đốc, hoặc giám đốc, phó tổng giám đốc, hoặc phó giám đốc, kế toán trưởng trong công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do Nhà nước làm chủ sở hữu; Quy chế hoạt động của kiểm soát viên công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ được ban hành kèm theo Quyết định số 35/2013/QĐ-TTg, ngày 07/6/2013 của Thủ tướng Chính phủ; Nghị định số 61/2013/NĐ-CP, ngày 25/6/2013 của Chính phủ về quy chế giám sát tài chính và đánh giá kết quả hoạt động và công khai thông tin tài chính đối với DNNN do Nhà nước làm chủ sở hữu và doanh nghiệp có vốn nhà nước; Nghị định số 71/2013/NĐ-CP về đầu tư vốn nhà nước vào doanh nghiệp và quản lý tài chính đối với doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ; Chỉ thị số 17/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường quản lý, kiểm soát việc nhập khẩu công nghệ, máy móc, thiết bị của doanh nghiệp.
- Theo Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, năm 2013, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt các đề án tái cơ cấu của 68 tập đoàn, tổng công ty và hầu như toàn bộ phương án sắp xếp đổi mới doanh nghiệp của các bộ, ngành và địa phương.
Trong thời gian qua, một số tập đoàn kinh tế nhà nước đã được chuyển đổi hình thức hoạt động như Tập đoàn Sông Đà và Tập đoàn Phát triển Nhà và Đô thị Việt Nam thành Tổng công ty Sông Đà và Tổng công ty Đầu tư và phát triển đô thị theo Quyết định số 1428/QĐ-TTg, ngày 02/10/2012. Và, theo Quyết định số 1224/QĐ-TTg, ngày 26/7/2013, Tập đoàn Vinashin đã được chuyển đổi thành Tổng công ty Công nghiệp Tàu thủy (SBIC) hoạt động theo mô hình công ty mẹ - công ty con. Gần đây nhất, ngày 02/12/2013, Thủ tướng Chính phủ cũng đã ký quyết định phê duyệt Đề án tái cơ cấu Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) giai đoạn đến năm 2015, theo đó, SCIC sẽ tăng vốn lên 10 lần từ 5.000 tỷ đồng hiện nay lên 50.000 tỷ đồng vào năm 2015.
Tuy nhiên có thể thấy, tiến trình tái cơ cấu DNNN hiện đang thực sự là “ì ạch”. Cụ thể là:
- Tiến trình cổ phần hóa đang hết sức chậm. Năm 2012, cả nước chỉ cổ phần hóa được 13 doanh nghiệp (bằng 14% kế hoạch) và trong 7 tháng đầu năm 2013 cũng chỉ cổ phần hóa 16 doanh nghiệp.
- Việc thoái vốn đầu tư ngoài ngành đang gặp nhiều khó khăn. Trong khi “vốn” phải thoái của các DNNN rất đa dạng; việc thoái vốn không chỉ là chuyển nhượng cổ phần, phần góp vốn, mà cả bán tài sản (thành phần và bán thành phẩm), nhượng quyền sử dụng đất, chuyển nhượng dự án…, thì các quy định hiện hành về thoái vốn nằm phân tán ở nhiều văn bản pháp luật khác nhau; nội dung của các quy định đó chưa bao quát hết sự đa dạng của các loại vốn cần thoái và không còn phù hợp với điều kiện thị trường, yêu cầu của Quyết định 339/QĐ-TTg, ngày 19/02/2013 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án Tổng thể tái cơ cấu kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả và năng lực cạnh tranh giai đoạn 2013 - 2020.
- Tình trạng nợ nần đang ở mức cảnh báo của DNNN. Theo Báo cáo tình hình tài chính và kết quả sản xuất, kinh doanh năm 2012 của doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ và doanh nghiệp có cổ phần, vốn góp của Chính phủ gửi tới Quốc hội, Chính phủ nêu những con số đáng ngại. Cụ thể, 127 tập đoàn, tổng công ty nhà nước, công ty mẹ - công ty con có tổng số nợ phải trả lên đến 1.348.752 tỷ đồng, tăng 6% so với năm 2011, chiếm 56% tổng nguồn vốn.
Để vượt “sức ì” của hòn đá tảng
Tại nhiều hội thảo gần đây, nhiều chuyên gia đã coi DNNN như “hòn đá tảng” chặn dòng tăng trưởng của Việt Nam. Bản báo cáo mới đây của nhóm nghiên cứu Chương trình giảng dạy kinh tế Fulbright nhìn nhận, sự yếu kém của khu vực DNNN không chỉ gây ra lãng phí và phân bổ nguồn lực kém hiệu quả, mà vấn đề còn quan trọng hơn là nó làm cho khu vực kinh tế này trở thành lực cản đối với những đòi hỏi cấp bách của chương trình tái cơ cấu nền kinh tế. Nếu không thay đổi được vai trò, động cơ khuyến khích, hệ thống quản lý và điều tiết đối với khu vực này, thì chương trình tái cơ cấu không thể thành công.
Điều này cũng nhận được sự đồng tình của đối tác quốc tế, tại Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam (VBF) lần thứ 15, ngày 3/12/2013 tại Hà Nội, Chủ tịch Phòng Thương mại Mỹ (AmCham), ông Steven Winkelman thẳng thắn: “Các nhà đầu tư đang băn khoăn liệu tập đoàn nhà nước nào tiếp theo sẽ thất bại từ việc mở rộng hoạt động quá mức hay tập đoàn nào sẽ buộc phải kê các tài sản xấu vào bảng cân đối kế toán. Sự phân bổ không hợp lý các nguồn lực hiện vẫn còn tiếp tục, trong khi đây là thời điểm Việt Nam cần phải có những quyết định sáng suốt hơn về chi tiêu nguồn vốn và chiến lược kinh doanh”.
Trước yêu cầu cấp thiết của việc tái cơ cấu DNNN, cũng như sự sốt ruột của các đối tác quốc tế, các chuyên gia, tại Hội nghị trực tuyến của Chính phủ với các địa phương (ngày 23-24/12/2013), Thủ tướng yêu cầu: “Dứt khoát phải tái cơ cấu DNNN, trong đó quan trọng nhất là bố trí cán bộ làm chủ tịch, tổng giám đốc. Nếu không tốt thì không tái cơ cấu được gì hết, đây là nhân tố quyết định. Cổ phần nào tại DNNN không cần nắm giữ phải bán hết đi, nhưng không phải bán tràn lan, sơ hở làm mất mát tài sản. Trọng tâm tái cơ cấu là cổ phần hóa, cái nào thua lỗ mà không khắc phục được cho giải thể, phá sản”.
Tuyên bố này của Thủ tướng một lần nữa khẳng định quyết tâm chính trị của Chính phủ về việc đẩy “hòn đá tảng” sang một bên, thúc đẩy lại nhịp điệu tăng trưởng. Tuy nhiên, bên cạnh quyết tâm chính trị, theo nghiên cứu của chúng tôi, cần tập trung thực hiện các giải pháp sau:
Thứ nhất, cần áp dụng nguyên tắc thị trường trong hoạt động sản xuất, kinh doanh của DNNN, trước hết là nguyên tắc “lời ăn, lỗ chịu”. Hiện nay, DNNN kinh doanh thua lỗ, không thanh toán được các khoán nợ đến hạn, mà không bị phá sản, tức là chưa phải chịu sự trừng phạt khắc nghiệt của cạnh tranh thị trường. Nhà nước về cơ bản vẫn đứng ra gánh chịu các khoản nợ cho doanh nghiệp dưới hình thức giản nợ, giảm nợ, chuyển nợ cho đơn vị khác hoặc bảo lãnh nợ... Từ đó, những người có liên quan, như đại diện chủ sở hữu, người quản lý… cũng không chịu ảnh hưởng bởi sự khắt khe, khắc nghiệt và công bằng của thị trường.
Bên cạnh đó, DNNN không áp dụng đầy đủ giá thị trường của vốn. Cụ thể là, ngoài việc còn được hưởng một số tín dụng ưu đãi, lợi tức/vốn chủ sở hữu chỉ cần một số dương tối thiểu là đủ; DNNN không buộc phải tạo ra khoản lợi tức/vốn chủ sở hữu ít nhất bằng giá vốn trên thị trường. Ngoài ra, DNNN không cần thiết phải cân nhắc, tính toán và đánh đổi các chi phí cơ hội để có được danh mục đầu tư tốt nhất, hiệu quả nhất.
Thứ hai, cần áp dụng đầy đủ nguyên tắc quản trị tốt đối với DNNN, tập đoàn, tổng công ty nhà nước. Theo Quyết định 704/QĐ-TTg, ngày 11/6/2012 của Thủ tướng chính phủ phê duyệt Đề án Đổi mới quản trị doanh nghiệp theo thông lệ kinh tế thị trường, thì yêu cầu các tập đoàn, tổng công ty nhà nước áp dụng các nguyên tắc quản trị tốt theo thông lệ thị trường cũng đã được xác định. Tuy nhiên, nếu so sánh 30 quy tắc quản trị tốt của OECD, thì quản trị tập đoàn, tổng công ty hiện nay ở nước ta chưa áp dụng, dù chỉ một quy tắc!
Thứ ba, mạnh dạn giảm tỷ trọng đóng của DNNN vào GDP. Mặc dù, những năm qua tỷ trọng đóng góp của DNNN vào GDP đã giảm, xuống còn khoảng 25%-27% GDP, nhưng vẫn là rất cao so với các nước trên thế giới.
Để giảm tỷ trọng của khu vực DNNN trong nền kinh tế, cần mở rộng sự tham gia của tư nhân trên tất cả các lĩnh vực. Theo đó, cần xây dựng khuôn khổ luật pháp và quy định tài chính thống nhất cho tất cả doanh nghiệp trong các lĩnh vực kinh doanh cũng như khu vực địa lý. Điều này sẽ buộc doanh nghiệp phải cạnh tranh mạnh hơn, phải sử dụng các nguồn lực của mình hiệu quả hơn, giúp tăng năng suất, giảm chi phí sản xuất.
Thứ tư, cần tránh tình trạng chỉ coi tái cơ cấu là “thay áo mới” cho DNNN. Thực tế, quá trình tái cơ cấu DNNN chỉ thành công khi chính bản thân doanh nghiệp cũng cảm thấy sức ép phải tái cơ cấu, chứ không phải chỉ làm cho có, hoặc để đối phó. Hiện nay, việc Thủ tướng phê duyệt các đề án tái cơ cấu riêng lẻ của từng tập đoàn, tổng công ty là không cần thiết. Nhà nước nên tập trung thiết kế các chương trình, “sân chơi” phù hợp để DNNN tự tái cơ cấu. Bởi, hiện nay, mặc dù các bản đề án đã được phê duyệt, nhưng tính hiệu quả cũng như khả năng thực thi, thì khó có gì có thể đảm bảo.
Điển hình là quá trình tái cơ cấu của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN). Ngay sau khi được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án tái cơ cấu vào cuối năm 2012, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã tiến hành chuyển dần các khoản đầu tư. Dự kiến, tới 2015, EVN sẽ thoái toàn bộ khỏi ngân hàng và bất động sản. Tuy nhiên, có thể thấy, hoạt động thoái vốn của Tập đoàn này vẫn còn dừng lại ở sự xoay vòng vốn cổ phần trong nội bộ.
Theo thống kê của Vietstock, tính đến thời điểm giữa tháng 12/2013, EVN đã bàn giao tại một số đơn vị thuộc lĩnh vực điện đang niêm yết như PPC, BTP, TMP, VSH và TBC. Song, việc này lại chỉ mang tính nội bộ khi vốn cổ phần chỉ xoay vòng giữa các công ty “mẹ” và “con”.
Như vậy, nếu không tạo áp lực lên chính DNNN để chính bản thân họ thấy cần phải tái cơ cấu, thì mọi biện pháp hành chính đều chỉ mang tính hình thức. Và, “hòn đá tảng” DNNN vẫn sẽ tiếp tục choán chỗ của kinh tế tư nhân, gây tắc nghẽn dòng tăng trưởng của nền kinh tế, cản trở công cuộc tái cơ cấu nền kinh tế chung.
Năm là, xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao, đặc biệt là nhân lực quản lý và điều hành của DNNN. Tầm quan trọng của đội ngũ này đã được Thủ tướng nhấn mạnh tại Hội nghị trực tuyến giữa Chính phủ với các địa phương. Để có thể tìm được người tài về DNNN, cần tiến hành công khai, minh bạch việc thi tuyển, bổ nhiệm tổng giám đốc, hoặc thực hiện thuê, thi truyển đối với tổng giám đốc là người nước ngoài đối với các tập đoàn kinh tế và tổng công ty, nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh và sử dụng hiệu quả các nguồn lực.
___________________
Tài liệu tham khảo:
1. Thủ tướng Chính phủ (2012). Quyết định số 929/QĐ-TTg, ngày 17/07/2012 phê duyệt Đề án Tái cơ cấu DNNN, trọng tâm là tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước giai đoạn 2011-2015
2. Bộ Kế hoạch và Đầu tư (2013). Tài liệu tại Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam (VBF) lần thứ 15, ngày 3/12, Hà Nội
3. Chính phủ (2013). Báo cáo tình hình tài chính và kết quả sản xuất kinh doanh năm 2012 của doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ và doanh nghiệp có cổ phần, vốn góp
4. Nguyễn Đình Cung (2013). Tái cơ cấu kinh tế: Một vài quan sát về kết quả và vấn đề, Tham luận tại Diễn đàn Phục hồi tăng trưởng và tái cơ cấu kinh tế: Cơ hội và thách thức, ngày 22/11/2013