Để doanh nghiệp thêm vững vàng vượt khó
Thông tin vui đối với cộng đồng DNNVV là thay vì chỉ được giãn, hoãn nộp thuế, thì các DN siêu nhỏ, DNNVV có thể được giảm hẳn 50% số thuế thu nhập DN phải nộp năm 2020.
Dịch Covid-19 đang ảnh hưởng sâu sắc tới hoạt động sản xuất kinh doanh của cộng đồng DN, nhất là du lịch, vận tải, dịch vụ ăn uống... khiến hoạt động kinh doanh cầm chừng, doanh thu sụt giảm mạnh. Nếu dịch bệnh tiếp tục kéo dài, nhiều DN nhỏ có thể phải đóng cửa với hậu quả là hơn 2 triệu việc làm có nguy cơ bị ảnh hưởng, như dự báo mới nhất của Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Có tới 74% DN có thể sẽ phá sản nếu dịch Covid-19 kéo dài 6 tháng, theo kết quả khảo sát vừa đưa ra của Ban Nghiên cứu Phát triển Kinh tế tư nhân.
Trong bối cảnh đó, Việt Nam vẫn quyết tâm thực hiện đồng thời 2 nhiệm vụ quan trọng là vừa đảm bảo an toàn tính mạng người dân, vừa duy trì ổn định kinh tế và sẵn sàng bứt phá khi dịch bệnh lắng xuống, giảm thiểu những tác động tiêu cực lên con người cũng như tiềm năng phát triển kinh tế của đất nước. Theo đó, Chính phủ đã, đang tiếp tục đưa ra nhiều gói giải pháp đồng bộ, chưa có tiền lệ để hỗ trợ người dân và DN bị ảnh hưởng trực tiếp từ dịch bệnh. Như, gói hỗ trợ về tín dụng 300 nghìn tỷ đồng, gói tài khóa 180 nghìn tỷ đồng, gói hỗ trợ an sinh xã hội 62 nghìn tỷ đồng, gói hỗ trợ viễn thông 15 nghìn tỷ đồng, gói hỗ trợ giá điện 12 nghìn tỷ đồng...
Đặc biệt, Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu Bộ Tài chính sửa Nghị định 20/2017/NĐ-CP theo hướng cho phép hồi tố khoản thuế đã thu vượt của DN từ năm 2017 cho tới 2018. Cụ thể số tiền được hoàn lên tới 4.785 tỷ đồng.
Thông tin vui đối với cộng đồng DNNVV là thay vì chỉ được giãn, hoãn nộp thuế, thì các DN siêu nhỏ, DNNVV có thể được giảm hẳn 50% số thuế thu nhập DN phải nộp năm 2020. Đây là một phần nội dung có trong dự thảo Nghị quyết của Chính phủ về các nhiệm vụ, giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công trong bối cảnh đại dịch Covid-19. Hiện số DNNVV chiếm tới 98% tổng số các DN, nên điều này sẽ là sự hỗ trợ không nhỏ đối với các DN trong bối cảnh dịch bệnh.
Tuy nhiên, các DNNVV thường vốn mỏng nên dễ bị tổn thương. Trong khi đó, số DN này cũng đang sở hữu hàng chục triệu lao động. Thế nên ngoài việc đề xuất giảm thuế thu nhập DN, trước mắt Bộ Tài chính cũng đang khẩn trương nghiên cứu để giảm thuế thu nhập DN cho các DNNVV xuống chỉ còn 15-17%, thay vì 20% như hiện nay.
Ở chiều hướng khác, đây cũng lại là thời điểm tốt để sàng lọc DN theo các tiêu chí về chất lượng, buộc DN phải thay đổi cách thức quản lý, kinh doanh trong nền tảng chuyển đổi số. Và thực tế cũng đã chứng minh, trong bối cảnh hiện nay, các DN Việt Nam đang dần thích ứng tốt với hình thức hoạt động online.
Nhiều chuyên gia thương mại đánh giá, doanh số bán hàng online của một số siêu thị tại Hà Nội ước tính đã tăng thêm 20% từ đầu mùa dịch đến nay. Những sàn giao dịch điện tử như: Tiki, Lazada hay các kênh phân phối online đang “sống khỏe” trên toàn quốc. Việc các DN đẩy mạnh chuyển đổi số đã góp phần đẩy nhanh lưu thông hàng hoá và dịch vụ trên thị trường. Những gì đã và đang diễn ra cho thấy, biện pháp này đã có hiệu quả tức thời, rất thiết thực với chính DN.
Nền tảng số đã đặt nền móng cho những thành công đột phá của không chỉ thương mại điện tử, mà qua đó, một loạt các hoạt động kinh tế - xã hội như giáo dục, y tế, quản lý nhà nước cũng từng bước biến đổi tích cực. Nền tảng số ngày nay không còn là mô hình kinh doanh đặc quyền của các công ty công nghệ. Thay vào đó, nó ngày càng trở nên phổ biến hơn trong nhiều mô hình khác nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh cho các DN.
Bà Phạm Thị Thu Hiền, Giám đốc vận hành CTCP Tái cấu trúc DN Việt chia sẻ, hiện các nền tảng số đã và đang được Việt hóa phù hợp DN Việt Nam, góp một phần quan trọng vào việc tạo ra môi trường kinh doanh thuận lợi, làm tăng giá trị gia tăng, nâng cao năng lực cạnh tranh, tiết kiệm chi phí tài chính và thời gian của DN, đặc biệt với các nền tảng cung cấp dịch vụ công nghệ như các ứng dụng về bản đồ, các platform thiết kế website… Quan trọng hơn, với nhiều tiện ích, nó có thể giúp thủ tục hành chính của DN được thu gọn thông qua phê duyệt điện tử, nhờ đó giảm thiểu chi phí vận hành.
Ông Nguyễn Kim Hùng, Phó viện trưởng Viện Khoa học quản trị DNNVV dẫn chứng, với nền tảng Verco24-một công cụ quản trị DN-mọi hoạt động đều được số hóa và vận hành thông qua Internet cho phép các lãnh đạo DN dễ dàng quản lý các hoạt động, công việc nội bộ của công ty và quản lý hệ thống khách hàng với khả năng tùy biến cao, có thể ứng dụng vào mọi loại hình DN.
Cùng với đó, còn có nền tảng Verig Lending được coi như một "chợ vốn điện tử" tạo cơ hội cho các DN kết nối nguồn vốn theo cơ chế thị trường và minh bạch hóa được dòng tiền, định giá DN theo dòng tiền, từ đó các công ty trong chuỗi cung ứng sẽ dựa vào để tài trợ vốn theo giải pháp P2P Lending. Cả hai hệ thống này hoàn toàn có thể đưa vào ứng dụng tại các DNNVV để kết nối thành một chuỗi cung ứng. Hiện đã có khoảng gần 1.000 DNNVV sử dụng hai nền tảng này để thực hiện các giao dịch, đạt hiệu quả cao.
Đồng quan điểm, chuyên gia kinh tế Võ Trí Thành nhìn nhận, nếu không xây dựng nền kinh tế số, Việt Nam sẽ phải đứng ngoài cuộc chơi của thế giới. Thực tế cho thấy, hiệu quả rất lớn của kinh tế số khi các DN chuyển đổi số thành công khi năng suất đã tăng thêm khoảng 30%. Song, việc chuyển đổi số với các DN cũng không hề đơn giản, vì hiện tỷ lệ thành công chỉ khoảng 50%. Điều đó cho thấy, phía trước còn rất nhiều việc phải làm.