Để khai thác hiệu quả Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – Liên minh châu Âu
Sau hơn 2 năm thực thi, Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – Liên minh châu Âu (EU) đã hỗ trợ tích cực cho hàng hóa Việt Nam và EU tiếp cận thị trường của nhau, đáp ứng nhu cầu đa dạng hóa nguồn cung của cả hai bên. Quan hệ kinh tế - thương mại trở thành điểm sáng trong hợp tác song phương Việt Nam - EU với kết quả đáng ghi nhận. Bài viết đánh giá lại kết quả tích cực sau 2 năm Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – EU bắt đầu thực thi, một số khó khăn, thách thức, từ đó đưa ra một số giải pháp nhằm khai thác tối đa lợi thế, hiệu quả do Hiệp định này mang lại.
Kết quả sau 2 năm thực thi Hiệp định EVFTA
Tháng 8/2022, đánh dấu cột mốc quan trọng tròn 2 năm Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) có hiệu lực. Đây là một trong số hiệp định có tiêu chuẩn rất cao, với tỷ lệ tự do hóa thuế quan về cơ bản trên 90% trong vòng 7 năm thực hiện. Đến nay, sau hơn 2 năm thực thi, Hiệp định EVFTA đã hỗ trợ tích cực cho hàng hóa Việt Nam và EU tiếp cận thị trường của nhau, đáp ứng nhu cầu đa dạng hóa nguồn cung của cả hai bên. Trao đổi thương mại hai chiều Việt Nam - EU tiếp tục đà phục hồi và tăng trưởng rất mạnh, kể cả so với thời kỳ trước đại dịch.
Trong giai đoạn đầu thực thi, mặc dù bối cảnh quốc tế không hoàn toàn thuận lợi, đại dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, đứt gãy chuỗi cung ứng, ảnh hưởng đến nền kinh tế toàn cầu và các doanh nghiệp (DN) Việt Nam, song tăng trưởng xuất khẩu của Việt Nam sang EU vẫn đạt cao. Số liệu của Tổng cục Hải quan cho thấy, năm 2021 kim ngạch thương mại hai chiều Việt Nam - EU đạt 57,01 tỷ USD, tăng 14,5% so với cùng kỳ năm 2020, trong đó Việt Nam xuất khẩu đạt 40,1 tỷ USD, tăng 14,2%; nhập khẩu 16,9 tỷ USD, tăng 15,3% so với cùng kỳ năm 2020. 10 tháng năm 2022, kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa giữa Việt Nam và EU đạt 52,5 tỷ USD, tăng 14% so với cùng kỳ năm ngoái; trong đó xuất khẩu đạt 39,7 tỷ USD, tăng 23,5%.
Thống kê của Tổng cục Hải quan cũng cho thấy, EU hiện là đối tác thương mại hàng đầu của Việt Nam và là thị trường xuất khẩu lớn thứ ba với tốc độ tăng trưởng xuất khẩu bình quân đạt 7,5%, chiếm tỷ trọng bình quân 13,6% trong tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước (2015 - 2021). Ở chiều ngược lại, Việt Nam đã vượt Singapore trở thành đối tác thương mại lớn nhất của EU trong khối ASEAN và đứng vị trí thứ 11 trong số các nước cung ứng hàng hóa lớn nhất vào EU.
Cùng với đó, xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang hầu hết các thị trường trong khối EU đều ghi nhận sự tăng trưởng tốt và chứng kiến sự chuyển dịch tích cực; không chỉ tập trung vào các thị trường lớn, cửa ngõ EU như: Đức, Hà Lan, Pháp… mà xuất khẩu đang dần được đẩy mạnh sang các thị trường nhỏ hơn, thị trường ngách tại: Bắc Âu, Đông Âu hay Nam Âu.
Theo đánh giá của các chuyên gia kinh tế, EU là một thị trường tiềm năng của Việt Nam, hàng hoá của Việt Nam và EU cũng có tính bổ sung cho nhau, nên đây là cơ hội rất tốt để DN Việt Nam chinh phục thị trường này. Trong hơn 2 năm qua, cơ cấu các mặt hàng xuất khẩu vào EU cũng có xu hướng mở rộng và đa dạng hóa khi không chỉ các mặt hàng chủ lực đạt tốc độ tăng ấn tượng như: Máy móc - thiết bị (43%), giày dép (54%), dệt may (44%), mà kim ngạch xuất khẩu nhiều mặt hàng nông, lâm, thủy sản cũng đang tăng ở mức rất cao, đáng kể như: Cà phê (43,4%), thủy sản (31,6%), rau quả (23,5%), gạo (12,2%)…
Đến nay, EU là thị trường nhập khẩu lớn thứ hai thế giới với quy mô nhập khẩu khoảng 2,1 nghìn tỷ EUR (năm 2021), trong khi thị phần hàng hóa nhập từ Việt Nam mới chỉ chiếm gần 2%. Cơ cấu xuất nhập khẩu hàng hóa giữa Việt Nam - EU cũng phần nhiều mang tính bổ trợ, không cạnh tranh trực tiế nên dư địa thị trường còn tương đối lớn để các DN Việt Nam đẩy mạnh khai thác trong thời gian tới.
Kết quả khảo sát của Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đối với hơn 500 DN sau 2 năm thực thi EVFTA cho thấy kết quả tích cực. Theo đó, trong 2 năm qua, các DN Việt Nam đã tận dụng tương đối tốt EVFTA, cứ 10 DN thì có 4 DN cho biết đã từng thu được những lợi ích nhất định từ EVFTA, trong đó nhóm lợi ích phổ biến nhất là các ưu đãi thuế quan đối với hàng hóa xuất khẩu đi EU hoặc đối với hàng hóa nhập khẩu từ EU. So với nhiều FTA khác, EVFTA đã mang lại cơ hội rất sớm, rất đáng kể cho các DN Việt Nam. Ngoài ra, EVFTA còn mở ra cơ hội để Việt Nam giao thương với 27 đối tác của EU. Khảo sát của VCCI còn cho thấy, cứ 100 DN thì có hơn 90 DN cho biết đã từng biết đến EVFTA ở các mức độ khác nhau và tỷ lệ này cao nhất trong số tất cả các FTA mà Việt Nam đã có từ trước đến nay.
Quá trình thực hiện Hiệp định EVFTA, các lĩnh vực liên quan đển vận chuyển, nhóm ngành hàng có thế mạnh xuất khẩu sang EU, nhất là những ngành nghề thâm dụng nhiều lao động đã tạo nhiều công ăn việc làm như: Dệt may, da giày, logistics. Đồng thời, việc tăng trưởng xuất khẩu hàng hóa của các ngành nghề này đã gián tiếp cải thiện thu nhập cho người lao động. Theo tính toán, tác động của EVFTA sẽ tạo thêm việc làm ở cả khu vực thành thị và nông thôn. Trong đó, EVFTA sẽ tạo thêm khoảng 146 nghìn việc làm cho giai đoạn 2022-2025, bình quân khoảng 36,5 nghìn người/năm (tăng 0,059% so với kịch bản không có EVFTA).
Bên cạnh đó, từ yêu cầu cao của thị trường cũng như các quy định trong cam kết với đối tác EVFTA, người lao động trong các lĩnh vực sản xuất có cơ hội nâng cao trình độ của mình để đáp ứng yêu cầu mới. Thực thi EVFTA cũng là cơ hội cho những người lao động có chuyên môn, kỹ thuật cao và những người lao động được đào tạo có thêm cơ hội việc làm đúng khả năng, trình độ và thu nhập cũng sẽ tương xứng hơn.
Khó khăn, thách thức
Bên cạnh những kết quả đạt được, sau hơn 2 năm triển khai Hiệp định EVFTA, vẫn còn không ít những khó khăn, thách thức đặt ra. Theo đó, trong bối cảnh tình hình quốc tế dự báo vẫn còn diễn biến phức tạp, khó lường, các bất ổn địa chính trị khu vực và toàn cầu, tiềm ẩn nhiều rủi ro suy thoái kinh tế, gián đoạn chuỗi cung ứng. Cụ thể, thị trường thương mại hàng hóa đã và đang có những diễn biến phức tạp về nguồn cung và giá cả. Hoạt động xuất khẩu từ Việt Nam sang khu vực thị trường EU tuy không chịu ảnh hưởng trực tiếp nhưng đang phải đối mặt với nhiều hạn chế như: Giá cả các mặt hàng lương thực biến động; hoạt động vận chuyển hàng hóa gặp khó khăn về thời gian và chi phí; lo ngại rủi ro thanh toán; giá cả nguyên, vật liệu phục vụ sản xuất tăng cao; khả năng kinh tế EU tăng trưởng chậm lại do bị ảnh hưởng nặng nề...
Thống kê của Bộ Công Thương cho thấy, tăng trưởng xuất khẩu từ Việt Nam sang EU khá tích cực sau 2 năm thực thi Hiệp định EVFTA, nhưng hàng hóa Việt Nam mới chỉ chiếm khoảng 2% trong tổng nhu cầu nhập khẩu mỗi năm của thị trường 27 nước thành viên EU. Một số mặt hàng thế mạnh như rau quả chưa chiếm đến 4%, thủy sản 8%, xuất khẩu gạo vào EU vẫn rất thấp, cũng có rất ít hàng hóa được xuất khẩu với thương hiệu Việt vào EU. Việt Nam hiện đang có một lợi thế gần như là duy nhất đối với một số sản phẩm do không có nhiều đối thủ cạnh tranh nhưng tình hình có thể sẽ thay đổi trong một tương lai gần khi EU tiếp tục hội nhập với các đối tác khác thông qua các FTA giống như đã ký kết với Việt Nam.
Theo Nguyễn Thảo Hiền (2022), xu hướng EU sẽ tăng cường áp dụng hàng rào phi thuế quan, siết chặt các quy định, tiêu chuẩn kỹ thuật về môi trường/khí hậu, phát triển bền vững. EU đang có xu hướng tăng cường chuẩn hóa, luật hóa các quy định, siết chặt hơn các tiêu chuẩn kỹ thuật liên quan đến khí hậu/môi trường, phát triển bền vững, chuyển đổi xanh. Hàng loạt các đề xuất quy định mới đã được Ủy ban châu Âu công bố thời gian gần đây, điển hình như: Cơ chế điều chỉnh carbon biên giới (CBAM), Dự luật ngăn chặn phá rừng COM (2021) 706, hay gói quy định về các sản phẩm bền vững, tuần hoàn…
Trong khi nhiều mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam vẫn gặp khó trong việc tiếp cận thị trường EU do chưa hoàn toàn đáp ứng các yêu cầu cao của EU đặt ra. EU cũng thường xuyên rà soát, điều chỉnh các quy định khiến các DN Việt Nam trong nhiều trường hợp không kịp nắm bắt, thích nghi. Bên cạnh đó, không ít DN Việt Nam vẫn thể hiện sự thiếu chuyên nghiệp trong hoạt động thương mại. Chẳng han, thời gian qua, vì văn hóa thương mại kém, có DN đã tìm mọi cách hạ giá thành sản phẩm để giành khách hàng của nhau, khiến giá bán gạo Việt ở EU hiện chỉ ở mức hơn 1.000 USD/ tấn, thấp hơn giá trị thực tế là 2.000 USD/tấn...
Kiến nghị giải pháp
Trước những thuận lợi và cả những thách thức đan xen, trong thời gian tới, các cơ quan quản lý, cộng đồng DN Việt Nam cần nỗ lực, chuẩn bị kế hoạch bài bản để tận dụng tối đa cơ hội thị trường và ưu thế lớn từ EVFTA. Cụ thể:
Về phía cơ quan quản lý
- Cung cấp thông tin đầy đủ cho cộng đồng DN có thể khai thác tốt nhất những quy định đã có.
- Hỗ trợ mạnh mẽ hơn nữa để DN tham gia vào thị trường EU và vượt qua thách thức, rào cản về kỹ thuật, xu hướng tiêu dùng mới đang phát sinh ở thị trường EU.
- Tăng cường các biện pháp chống gian lận xuất xứ hàng hóa. Việc giả mạo xuất xứ Việt Nam, chuyển tải bất hợp pháp để xuất khẩu sẽ tăng nguy cơ EU áp dụng các hàng rào thuế quan đến biện pháp vệ sinh dịch tễ (SPS) và rào cản kỹ thuật (TBT) khẩn cấp và các biện pháp phòng vệ thương mại đối với hàng hóa Việt Nam. Việc ngăn chặn, xử lý các hành vi gian lận xuất xứ đòi hỏi sự tham gia, chung tay của nhiều bộ, ngành, đặc biệt là của cộng đồng DN.
- Thúc đẩy các giải pháp, tiếp cận tín dụng cho DN tận dụng FTA, đặc biệt là đối với Hiệp định EVFTA.
Về phía doanh nghiệp
- Chủ động tìm hiểu thông tin thị trường, thị hiếu tiêu dùng, cập nhật các yêu cầu, quy định mới để kịp thời thích ứng, điều chỉnh kế hoạch sản xuất và xuất khẩu phù hợp. Tăng cường nhận biết các thay đổi quy định của EU do các quy định này thường xuyên được điều chỉnh và thay đổi.
- Xây dựng thương hiệu và lựa chọn phân khúc thị trường phù hợp với năng lực của DN. Có tầm nhìn dài hạn và chiến lược kinh doanh cho từng mặt hàng cụ thể, từng thị trường mục tiêu.
- Đẩy mạnh đa dạng hóa thị trường, gia tăng các sản phẩm trên các thị trường ngách, có lợi thế cạnh tranh; tiếp cận thêm các thị trường mới thông qua chuỗi siêu thị và các cửa hàng bán lẻ ở các quốc gia mục tiêu khác nhau tại châu Âu…
- Chủ động kiểm soát, nâng cao chất lượng sản phẩm, đảm bảo tuân thủ chặt chẽ tiêu chuẩn và quy định nhập khẩu của EU. Để hàng hóa Việt Nam xuất khẩu sang EU hưởng được lợi thế ưu đãi thuế quan, hàng hóa phải đáp ứng ứng tiêu chuẩn thị trường yêu cầu. Ngoài ra, cần nghiên cứu đẩy mạnh ứng dụng khoa học - kỹ thuật, các quy chuẩn thực hành tốt trong sản xuất, tăng cường chế biến sâu để gia tăng giá trị sản phẩm và sức cạnh tranh.
- Chú trọng truy xuất nguồn gốc, đáp ứng quy tắc xuất xứ để được hưởng các ưu đãi từ EVFTA. Sản phẩm phải đáp ứng các quy tắc xuất xứ. Các nhóm hàng hóa có tần suất áp dụng SPS và TBT nhiều nhất khi nhập khẩu vào EU là rau, quả, thực phẩm chế biến, dệt may, đồ da, hóa chất, giày dép, sản phẩm nhựa…
- Gia tăng các tiêu chuẩn xanh, phát triển bền vững. Nỗ lực xanh hóa sản xuất, cũng như thực hiện các trách nhiệm xã hội, bảo vệ môi trường cần được chú trọng và đẩy mạnh hơn nữa.
- Bám sát thông tin, hướng dẫn từ Bộ Công Thương, Cục Xúc tiến thương mại và các cơ quan ban, ngành để chủ động đáp ứng các thay đổi trong thương mại quốc tế. Sẵn sàng cải tiến sản phẩm, quy trình để đáp ứng quy định của các thị trường quốc tế và đủ tiêu chuẩn để hưởng lợi từ hiệp định này.
Tài liệu tham khảo:
- Nguyễn Thảo Hiền (2022), Thực thi Hiệp định EVFTA: Cơ hội và thách thức song hành, Báo Công Thương điện tử;
- Jacques Bouflet (2022), Tận dụng hiệu quả EVFTA: Khuyến nghị từ thực tiễn, Báo Công Thương điện tử;
- Nguyễn Hòa (2022), Hiệp định EVFTA: Cơ hội để DN Việt Nam khai thác các thị trường ngách từ EU, Báo Công Thương điện tử.
- Một số website: moit.gov.vn, thuvienphapluat.vn, tapchitaichinh.vn