Khả năng hình thành Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Hoa Kỳ

ThS. Nguyễn Phương Linh - Vụ Hợp tác quốc tế, Bộ Tài chính

Những thay đổi trong định hướng hợp tác kinh tế của Hoa Kỳ với các nước trong thời gian tới sẽ tác động tới Việt Nam thông qua các kênh thương mại và đầu tư. Việc nghiên cứu về các đề xuất chính sách để phát triển quan hệ thương mại Việt Nam - Hoa Kỳ sang một trạng thái mới với quy mô lớn hơn, lợi ích nhiều hơn, tương xứng với quy mô kinh tế và thương mại, đầu tư gia tăng của quan hệ song phương trong đó có khả năng hình thành hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Hoa Kỳ là cần thiết.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Chính sách thương mại của Hoa Kỳ

Với mức GDP danh nghĩa đạt hơn 23 nghìn tỷ USD trong năm 2020, Hoa Kỳ là nền kinh tế lớn nhất thế giới và là nước có dân số lớn thứ ba trên thế giới, chiếm trên 25% GDP toàn cầu, 11% thương mại toàn cầu, 35% tổng vốn hóa thị trường chứng khoán toàn cầu.

Mối liên hệ về thương mại giữa Hoa Kỳ và các nước ngày càng tăng cường trong thập kỷ tự do hóa thương mại. Hiệp định chung về thương mại và thuế quan (GATT – 1948) và Tổ chức thương mại thế giới (WTO – 1995) đã đưa ra khuôn khổ đa phương cho quá trình tự do hóa thương mại toàn cầu.

Phần lớn thương mại của Hoa Kỳ được thực hiện theo cơ chế Tối huệ quốc (MFN) với mức thuế trung bình là 3,5% (5,2% đối với sản phẩm nông nghiệp). Bên cạnh đó là những thỏa thuận đa phương, cụ thể, Hoa Kỳ đã đàm phán ký kết 14 hiệp định thương mại song phương và khu vực với 20 nước (chiếm khoảng trên 32% nhập khẩu hàng hóa và dịch vụ của Hoa Kỳ).

Thỏa thuận được đánh giá là lớn nhất của Hoa Kỳ chính là hiệp định thương mại tự do (FTA) Bắc Hoa Kỳ (NAFTA) có hiệu lực từ năm 1994. Ngoài ra, Hoa Kỳ cũng dành một số ưu đãi đơn phương cho một số nước mới nổi và đang phát triển thông qua hệ thống ưu đãi phổ cập (GSP – Generailized System of Preferences) và Đạo luật Cơ hội và phát triển cho châu Phi (chiếm trên 3,3% nhập khẩu của Hoa Kỳ). Thị trường tài chính của Hoa Kỳ là một trong những thị trường lớn nhất và có ảnh hưởng thế giới. Nền kinh tế của Hoa Kỳ dẫn đầu bảng xếp hạng toàn cầu về vốn mạo hiểm và Quỹ nghiên cứu và phát triển toàn cầu.

Hoa Kỳ có ảnh hưởng kinh tế, chính trị và quân sự to lớn trên trường quốc tế. Mô hình chính sách Thương mại quốc tế chung của Hoa Kỳ được xây dựng trên hệ thống luật pháp tương đối phức tạp của toàn liên bang và các nguyên tắc của các tổ chức quốc tế như Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), Ngân hàng Thế giới (WB), Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF)… Đồng thời, mô hình chính sách thương mại quốc tế của Hoa Kỳ có những thay đổi khác nhau qua các kỳ tổng thống.

Dưới thời cầm quyền của Tổng thống G. Bush, Hoa Kỳ ưu tiên thực hiện chính sách tự do hóa thương mại, thực hiện các vòng đàm phán thương mại tự do Doha. Tuy nhiên, dưới thời Tổng thống Barack Obama, vấn đề thương mại tự do lại không được đưa vào trong những vấn đề ưu tiên của ông và ông cũng không có thái độ rõ ràng với tự do hoá thương mại.

Tổng thống Barack Obama tin vào một thương mại bình đẳng, nhưng phải tuân theo các cam kết có hiệu lực trên phạm vi toàn cầu trong các vấn đề liên quan đến lao động, môi trường, y tế và các tiêu chuẩn an toàn. Còn dưới chính quyền Tổng thống Donald Trump, khẳng định rõ thái độ của mình với tự do hoá thương mại hơn người tiền nhiệm là Barack Obama, Trump đã đưa ra những thay đổi trong chính sách thương mại của Hoa Kỳ như: Rút khỏi TPP; Thông qua đàm phán song phương, ký kết các hiệp định thương mại và đầu tư mới với các đối tác thương mại chủ chốt; ký kết hiệp định song phương với một số nước nhỏ...

Chính quyền Tổng thống Joe Biden hiện nay ủng hộ chính sách thương mại lấy người lao động làm trung tâm nhằm đảm bảo rằng các nhà đàm phán thương mại Hoa Kỳ “sẽ đấu tranh cho mọi công việc của người Hoa Kỳ và vì quyền, sự bảo vệ và lợi ích của tất cả người lao động Hoa Kỳ”. Điều này có nghĩa là các chính sách thương mại của Hoa Kỳ phải phục vụ lợi ích của cộng đồng, người dân và người lao động Hoa Kỳ.

Trong thời gian tới, Hoa Kỳ sẽ ưu tiên việc đoàn kết trong nước và một chính sách cân bằng tại châu Á – Thái Bình Dương, vẫn tiếp tục tăng cường hợp tác với các nước trên cơ sở ủng hộ toàn cầu hóa và tự do thương mại. Tuy nhiên, Joe Biden cũng sẽ có những biện pháp cứng rắn nhưng mềm dẻo và linh hoạt so với Donald Trump.

Một số Hiệp định thương mại tự do của Hoa Kỳ

Hoa Kỳ đã đàm phán ký kết 14 hiệp định thương mại song phương và khu vực với 20 nước (chiếm khoảng trên 32% nhập khẩu hàng hóa và dịch vụ của Hoa Kỳ). Trong phạm vi từ năm 2015 trở lại đây, Hoa Kỳ đã tiến hành một loạt đàm phán và ký kết một số FTA, nổi lên là các hiệp định dưới thời kỳ Tổng thống Donald Trump. 4 hiệp định thoả thuận tiêu biểu gần đây là: FTA Hoa Kỳ - Mexico – Canada; FTA Hoa Kỳ - Nhật Bản; FTA Hoa Kỳ - Hàn Quốc và Thoả thuận thương mại Hoa Kỳ - Trung Quốc.

Hiệp định Thương mại Hoa Kỳ-Nhật Bản (USJTA): Ngày 25/9/2019, bên lề phiên họp Đại hội đồng Liên hiệp quốc tại New York, Hoa Kỳ và Nhật Bản đã chính thức ký thỏa thuận thương mại mới. Thỏa thuận thương mại Hoa Kỳ - Nhật Bản có phạm vi hạn chế được gọi là “giai đoạn một” sẽ mở cửa thị trường Nhật Bản cho hàng nông sản Hoa Kỳ và tạo đòn bẩy giúp Hoa Kỳ hoàn tất các hiệp định thương mại với Trung Quốc, Canada, Mexico và các nước khác. Do đó, có thể cho rằng USJTA là bước khởi đầu cho một FTA toàn diện giữa Hoa Kỳ và Nhật Bản. Hiệp định chỉ giới hạn trong thương mại hàng hóa. Nội dung Hiệp định trọng tâm chủ yếu tập trung vào các biện pháp thuế quan cụ thể.

Hiệp định không đề cập đến các vấn đề khác liên quan đến thương mại hàng hóa - chẳng hạn như thủ tục hải quan, hàng rào kỹ thuật đối với thương mại và các biện pháp vệ sinh và kiểm dịch động thực vật - thường được giải quyết trong các FTA mới như hiện nay. Mặc dù, có phạm vi hẹp, USJTA vẫn có thể có ý nghĩa quan trọng đối với mối quan hệ thương mại Hoa Kỳ - Nhật: Thứ nhất, một thỏa thuận song phương có thể sẽ tăng cường hợp tác chính trị và an ninh Hoa Kỳ - Nhật Bản, ngoài việc mang lại một số lợi ích kinh tế. Thứ hai, thỏa thuận song phương giữa hai nước sẽ kích thích nền kinh tế, từ đó từng bước tiến đến một hiệp định thương mại giữa hai quốc gia. Thứ ba, sự cạnh tranh lớn hơn do mở cửa thị trường có thể sẽ đặc biệt quan trọng đối với việc tái cơ cấu nền kinh tế Nhật Bản, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong dài hạn.

Thỏa thuận thương mại Hoa Kỳ - Trung Quốc: Quan hệ thương mại Hoa Kỳ - Trung Quốc là một mối quan hệ quan trọng nhưng được cho là không cân bằng, với việc Trung Quốc xuất khẩu sang Hoa Kỳ gần gấp 3 lần giá trị hàng hóa mà Hoa Kỳ xuất khẩu sang Trung Quốc. Năm 2021, Trung Quốc là đối tác thương mại hàng hóa lớn thứ tư của Hoa Kỳ (với tổng kim ngạch thương mại là 657,4 tỷ USD), thị trường xuất khẩu lớn thứ tư của Hoa Kỳ (với 151,1 tỷ USD) và là nguồn nhập khẩu lớn nhất của Hoa Kỳ (với 506,4 tỷ USD)

Thương mại 2 nước tăng trưởng nhanh chóng, từ 4 tỷ USD (xuất khẩu và nhập khẩu) trong năm 1979 lên hơn 600 tỷ USD vào năm 2017. Hàng hóa xuất khẩu của Trung Quốc sang Hoa Kỳ trong nhiều thập kỷ đã thay đổi từ các sản phẩm có giá trị thấp, thâm dụng lao động sang hàng hóa có giá trị tư bản cao hơn. Hiện Trung Quốc là một trong những nhà cung cấp chính của Hoa Kỳ về các sản phẩm công nghệ tiên tiến và chuỗi cung ứng toàn cầu.

Hơn nữa, Trung Quốc là nước nắm giữ nhiều chứng khoán Kho bạc Hoa Kỳ nhất. Hoa Kỳ và Trung Quốc có một số vấn đề xung quanh thương mại song phương chưa được giải quyết. Thâm hụt thương mại giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ đã tăng lên đáng kể do khối lượng nhập khẩu từ Trung Quốc tăng nhanh hơn nhiều so với khối lượng xuất khẩu của Hoa Kỳ sang Trung Quốc. Thâm hụt thương mại lớn là một vấn đề đáng lo ngại đối với các nhà kinh tế cũng như các nhà hoạch định chính sách của Hoa Kỳ. Chính quyền Trump đã đưa ra một số biện pháp thuế quan với mục tiêu làm giảm sự mất cân bằng thương mại trên.

Bên cạnh đó, chính sách tiền tệ của Trung Quốc cũng là một vấn đề đáng lo ngại khi Trung Quốc cố tình định giá thấp đồng tiền của mình trong nhiều năm. Các hoạt động kinh tế, thương mại, đầu tư và công nghệ do nhà nước Trung Quốc điều hành và những thách thức mà Trung Quốc đặt ra đối với vị thế kinh tế và công nghệ của Hoa Kỳ là mối quan tâm của Quốc hội Hoa Kỳ.

Vào ngày 15/1/2020, Hoa Kỳ và Trung Quốc đã ký một thỏa thuận lịch sử và có hiệu lực thi hành – “Thỏa thuận thương mại Giai đoạn 1” yêu cầu cải cách cơ cấu và những thay đổi khác đối với cơ chế kinh tế và thương mại của Trung Quốc trong các lĩnh vực sở hữu trí tuệ, chuyển giao công nghệ, nông nghiệp, dịch vụ tài chính, và tiền tệ và ngoại hối. Thỏa thuận Giai đoạn 1 cũng bao gồm cam kết của Trung Quốc rằng sẽ mua thêm đáng kể hàng hóa và dịch vụ của Hoa Kỳ trong những năm tới. Điều quan trọng là, hiệp định thiết lập một hệ thống giải quyết tranh chấp mạnh mẽ đảm bảo việc triển khai và thực thi nhanh chóng, hiệu quả.

Khả năng hình thành hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Hoa Kỳ

Việc tham gia các FTA, đặc biệt là các FTA thế hệ mới là một quyết sách chiến lược trong chính sách đối ngoại, một bước ngoặt trong tiến trình hội nhập quốc tế của nước ta. Đánh giá các kết quả thực thi FTA của Việt Nam cho thấy, từ khi thực hiện các FTA, cơ cấu kinh tế của Việt Nam đã chuyển dịch theo hướng tích cực, tăng dần tỷ trọng công nghiệp và dịch vụ, giảm dần tỷ trọng nông nghiệp. Việc cắt giảm thuế nhập khẩu trong FTA không chỉ góp phần thúc đẩy thương mại, kim ngạch và tỷ trọng nhập khẩu của Việt Nam mà còn mở rộng, tăng cường thị trường xuất khẩu các mặt hàng có thế mạnh của Việt Nam sang nhiều thị trường, đối tác lớn.

Ngoài ra, việc mở cửa thị trường trong nước góp phần đa dạng hóa nguồn cung nguyên liệu cho sản xuất, nâng cao hiệu quả nhập khẩu nguyên phụ liệu, qua đó giảm sự phụ thuộc vào nhập khẩu từ một số thị trường truyền thống, các doanh nghiệp cũng có thể lựa chọn các mặt hàng nhập khẩu có xuất xứ khác nhau, nâng cao năng lực cạnh tranh, người tiêu dùng được sử dụng hàng hóa nhập khẩu và nội địa với chất lượng tốt hơn và giá cả cạnh tranh hơn. Thực thi các cam kết FTA cũng mở ra cơ hội với thúc đẩy đầu tư, thu hút nguồn vốn đầu tư trực tiếp và gián tiếp từ nước ngoài, đồng thời thay đổi theo hướng tích cực khung khổ pháp lý, thể chế chính sách về kinh tế, thương mại, đầu tư cũng như phương thức quản lý kinh tế của Việt Nam.

Đến nay, Việt Nam đã tham gia đàm phán và ký kết 18 Hiệp định thương mại/Hiệp định thương mại tự do (FTA), trong đó có 15 FTA đã ký kết và đi vào hiệu lực. Các FTA này đã đưa Việt Nam trở thành một trong những nền kinh tế có độ mở lớn và có quan hệ thương mại với trên 230 thị trường, trong đó có FTA với 60 nền kinh tế, qua đó tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp của Việt Nam mở rộng tiếp cận thị trường toàn cầu, là cơ hội để Việt Nam kết nối và tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị và mạng lưới sản xuất toàn cầu.

Nghị quyết số 22-NQ/TW ngày 10/4/2013 về hội nhập quốc tế khẳng định tiếp tục thực hiện hiệu quả hội nhập quốc tế trong điều kiện mới. Trong bối cảnh xu hướng liên kết kinh tế, thương mại, đầu tư, kết nối đa tầng nấc gia tăng, xuất hiện các hiệp định thương mại song phương và đa phương thế hệ mới, đòi hỏi Việt Nam phải tiếp tục chủ động hội nhập quốc tế toàn diện, trong đó đẩy mạnh hội nhập kinh tế quốc tế theo hướng hiệu lực và hiệu quả hơn, nắm bắt cơ hội vượt qua thách thức để hội nhập kinh tế quốc tế đóng góp thiết thực, hiệu quả trở thành phương tiện hữu hiệu phục vụ phát triển đất nước bền vững. Trong đó, chủ động nghiên cứu đánh giá khả năng tham gia các FTA với các đối tác mới nhằm tìm kiếm cơ hội mở rộng thị trường cho hàng hóa và dịch vụ của Việt Nam. Năm 2020, Chính phủ đã có văn bản yêu cầu các bộ, ngành nghiên cứu khả năng đàm phán FTA Việt Nam và Hoa Kỳ trong tương lai để chủ động có các đối sách thích hợp trước sự thay đổi của chính sách thương mại của Hoa Kỳ.

Những thay đổi trong định hướng hợp tác kinh tế của Hoa Kỳ với các nước trong thời gian tới sẽ tác động tới Việt Nam thông qua các kênh thương mại và đầu tư, trong đó hợp tác thương mại song phương vẫn có cơ hội được triển khai với các chính sách đan xen của Hoa Kỳ với khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Việc nghiên cứu về các đề xuất chính sách để phát triển quan hệ thương mại Việt Nam - Hoa Kỳ sang một trạng thái mới với quy mô lớn hơn, lợi ích nhiều hơn, tương xứng với quy mô kinh tế và thương mại, đầu tư gia tăng của quan hệ song phương là cần thiết.

Kể từ khi Việt Nam và Hoa Kỳ bình thường hóa quan hệ cách đây 27 năm, quan hệ 2 nước đã có bước tiến dài với nhiều thành tựu rất quan trọng, đáp ứng lợi ích của 2 nước, đồng thời đóng góp tích cực vào hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển trong khu vực và trên thế giới. Nổi bật trong quan hệ song phương giữa 2 nước là quan hệ thương mại song phương giữa Việt Nam và Hoa Kỳ đạt tốc độ phát triển hết sức ấn tượng.

Hoa Kỳ vẫn duy trì vị thế là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam, trong khi Việt Nam tiếp tục vươn lên, trở thành đối tác thương mại lớn thứ 9 của Hoa Kỳ. Cụ thể, kim ngạch thương mại 2 chiều Việt Nam - Hoa Kỳ đã tăng gấp 168 lần, từ 450 triệu USD vào năm 1995 khi 2 nước thiết lập quan hệ ngoại giao lên mức 1,5 tỷ USD năm 2001 khi hai nước ký Hiệp định Thương mại song phương và đạt 90,8 tỷ USD trong năm 2020, đạt 96,9 tỷ USD năm 2021.

Hoa Kỳ được xác định là một trong những đối tác quan trọng hàng đầu của Việt Nam trên tất cả các trụ cột hợp tác. Ở góc độ vĩ mô, tính chất bổ trợ của 2 nền kinh tế Việt Nam và Hoa Kỳ là đặc điểm quan trọng giúp Việt Nam định hình chính sách kinh tế, thương mại với Hoa Kỳ theo hướng hài hòa và bền vững, đảm bảo các nền tảng quan trọng và duy trì lợi ích quốc gia trong hợp tác song phương, từ đó đưa Hoa Kỳ trở thành đối tác thương mại hàng đầu của Việt Nam.

Trong khung khổ hợp tác về thương mại, mốc quan trọng trong quan hệ thương mại Việt Nam - Hoa Kỳ là việc ký kết Hiệp định thương mại song phương (BTA) năm 2000 điều chỉnh tất cả các lĩnh vực chính trong hợp tác kinh tế giữa hai nước. Theo Hiệp định này, Hoa Kỳ dành cho Việt Nam đối xử MFN có điều kiện, còn gọi là “Quy chế quan hệ thương mại bình thường” (NTR). Năm 2003, 2 nước ký kết Hiệp định dệt may Việt Nam - Hoa Kỳ. Quan hệ kinh tế và thương mại của giữa hai nước được tăng cường hơn nữa khi Hoa Kỳ trao cho Việt Nam “Quy chế quan hệ thương mại bình thường vĩnh viễn” (PNTR) vào ngày 29/12/2006, là một phần của quá trình gia nhập WTO của Việt Nam. Hai nước đã ký kết Hiệp định khung về thương mại và đầu tư (TIFA) vào năm 2007. Việt Nam và Hoa Kỳ đã tham gia đàm phán Hiệp định đối tác kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP), nay là Hiệp định CPTPP không bao gồm Hoa Kỳ.

Ở góc độ Việt Nam, sau khi ký kết và tham gia nhiều FTA trên thế giới, Việt Nam vẫn còn thiếu FTA với Hoa Kỳ, một đối tác thương mại lớn và quan trọng, theo đó, đàm phán FTA Việt Nam Hoa Kỳ có thể giúp Việt Nam mở rộng đầu tư và thương mại, góp phần hội nhập kinh tế, thúc đẩy phát triển kinh tế bền vững, toàn diện và công bằng, phù hợp với quan điểm và chính sách đối ngoại của Hoa Kỳ và của Việt Nam, góp phần giải tỏa các vướng mắc còn tồn tại hiện nay giữa thương mại song phương Việt Nam và Hoa Kỳ.

Việc chủ động xây dựng sớm định hướng, chủ trương từ cấp có thẩm quyền về định hướng, chủ trương về nghiên cứu tính khả thi tổng thể đàm phán FTA giữa Việt Nam và Hoa Kỳ trong định hướng chiến lược dài hạn phát triển quan hệ đối tác Hoa Kỳ, trong đó cần đánh giá tổng thể lợi ích do Hiệp định đem lại, đặc biệt là những lợi ích gia tăng so với những Hiệp định đang thực thi hiện nay đóng vai trò quan trọng.

Việt Nam có thể hấp thụ các lợi ích từ một FTA song phương với Hoa Kỳ, khai thác tốt hơn nữa vị thế đối tác thương mại lớn của Việt Nam. Tuy nhiên, bên cạnh cơ hội còn có nhiều thách thức. Đàm phán FTA song phương với Hoa Kỳ đem lại cả thách thức và cơ hội, rất có thể đàm phán FTA sẽ trở thành đàm phán cách thức giải quyết thâm hụt thương mại với Hoa Kỳ.

Đàm phán FTA Việt Nam - Hoa Kỳ cần đảm bảo một số các nguyên tắc quốc tế như cần nhất quán với các quy định của WTO, bao gồm Điều XXIV - Hiệp định chung về thuế quan và thương mại (GATT); có thể sẽ bao gồm phạm vi cam kết toàn diện trên các lĩnh vực cơ bản của một FTA bao gồm: Thương mại hàng hóa, thương mại dịch vụ, đầu tư; phòng vệ thương mại, quy tắc xuất xứ và quy trình thực hiện quy tắc xuất xứ, tạo thuận lợi hóa thương mại, dịch vụ và dịch vụ tài chính, viễn thông, thương mại điện tử, hợp tác kinh tế kỹ thuật, thể chế, giải quyết tranh chấp và cũng có thể có thêm các nội dung đến một hiệp định thế hệ mới như các vấn đề về doanh nghiệp nhà nước, môi trường, phát triển bền vững. Hiệp định FTA Việt Nam - Hoa Kỳ có thể được kỳ vọng là một hiệp định cân đối lợi ích của Việt Nam và Hoa Kỳ và có cân nhắc đến các điều kiện thực tế của từng nước thành viên.

FTA Việt Nam - Hoa Kỳ được kỳ vọng sẽ thúc đẩy đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ, không chỉ tạo lợi thế, nâng cao uy tín, vị thế của kinh tế Việt Nam trong kinh tế thế giới, mà còn tăng cường đan xen lợi ích lâu dài với đối tác quan trọng là Hoa Kỳ, từ đó góp phần củng cố môi trường hòa bình, ổn định, thuận lợi cho phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ Tổ quốc.

Tài liệu tham khảo:

1. Hillary Clinton (2011), (Châu Hoa Kỳ ngày nay dịch theo Foreign Policy), “Thế kỷ Thái Bình Dương của Hoa Kỳ”, Châu Hoa Kỳ ngày nay, (10), tr. 48 – 58;

2. M.Ayhan Kose, Csilla, Franziska (tháng 2/2017) – The Global Role of the US. Economy: Linkages, Policies and Spillover;

3. Raymond J.Ahearn (2016), Rising economic powers and US. Trade Policy; Chelepiev, Maksym, Wallace E. Tyner, và DOminique van der Mensbrugge. “How Differing Trade Policies May Impact U.S. Agriculture: The Potential Economic Impacts of TPP, USMCA, and NAFTA.” Farm Foundation, ngày 28/3/2019;

4. M.Ayhan Kose, Csilla, Franziska (tháng 2/2017) – The Global Role of the US. Economy: Linkages, Policies and Spillover.

Bài đăng Tạp chí Tài chính Kỳ 1 tháng 12/2022