Thực hiện và khai thác hiệu quả các Hiệp định thương mại tự do
Việc thực thi các Hiệp định thương mại tự do (FTA) đã tác động trực tiếp đến sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Đồng Tháp trên nhiều lĩnh vực theo hướng tích cực, góp phần tranh thủ các nguồn lực cho phát triển bền vững, nâng cao đời sống Nhân dân và giữ vững an ninh, quốc phòng, hợp tác biên giới tiếp tục củng cố và phát triển.
Đồng thời giúp doanh nghiệp (DN) của tỉnh mở rộng thị trường, nâng cao giá trị xuất khẩu cho các mặt hàng xuất khẩu chủ lực của tỉnh, tạo nhiều cơ hội để phát triển và nâng cao năng lực cạnh tranh.
Hàng năm, UBND tỉnh đều ban hành kế hoạch thông tin đối ngoại của tỉnh, trong đó, xác định mục tiêu, định hướng tuyên truyền những nhiệm vụ trọng tâm của tỉnh và công tác hội nhập quốc tế; xây dựng kế hoạch thông tin tuyên truyền phổ biến kiến thức về hội nhập kinh tế quốc tế ngay từ đầu năm...
Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp tỉnh Đồng Tháp đã tạo bước chuyển mình cho kinh tế nói chung và nền nông nghiệp của tỉnh nói riêng. Thông qua việc triển khai hiệu quả các chương trình, dự án của đề án đã đáp ứng nguồn nguyên liệu chất lượng, ổn định cho công nghiệp chế biến xuất khẩu; giúp cho khu vực kinh tế nông, lâm, thủy sản tiếp tục duy trì mức tăng trưởng. Đặc biệt, cung cấp đủ nguồn nguyên liệu (lúa, gạo, cá tra...) phục vụ tốt cho nhu cầu xuất khẩu của DN trong và ngoài tỉnh.
Bên cạnh đó, xoài - loại trái cây đặc trưng của tỉnh cũng đã được chính thức xuất khẩu sang Mỹ và EU, đánh dấu bước tiến mới trong xuất khẩu nông sản của tỉnh. Tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) khu vực nông, lâm, thủy sản năm 2021 tăng 2,67% so với năm 2020; dự kiến cả năm 2022, giá trị sản xuất khu vực nông, lâm, thủy sản ước đạt 47.032 tỷ đồng, tăng 1,86% so với năm 2021.
Tỉnh thực hiện tái cơ cấu ngành công nghiệp cũng đạt nhiều kết quả nhất định, giá trị sản xuất công nghiệp được củng cố, nâng cao tính cạnh tranh của sản phẩm theo chuỗi giá trị ngành hàng, gắn với phát triển sản phẩm mới, ứng dụng khoa học - công nghệ sản xuất các sản phẩm gia tăng từ nông sản, nâng cao tính cạnh tranh của sản phẩm theo chuỗi giá trị ngành hàng, gắn với phát triển sản phẩm mới.
Đề án định hướng chiến lược xuất khẩu hàng hóa chủ lực đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 đã đạt nhiều kết quả tích cực. Xuất khẩu hàng hóa nhiều năm liền duy trì kim ngạch trên 1 tỷ USD/năm. Năm 2021, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa đạt 1,1 tỷ USD. Dự kiến cả năm 2022, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của tỉnh đạt gần 1,5 tỷ USD. Đến nay, hàng hóa xuất khẩu của Đồng Tháp đã có mặt trên 150 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới, đặc biệt, một số thị trường khó tính như: Mỹ, Nhật Bản, EU, Hàn Quốc, Trung Quốc... hàng hóa của Đồng Tháp đều tiếp cận được.
Từ quy hoạch phát triển ngành thương mại xác định đúng hướng, hoạt động thương mại duy trì phát triển, chương trình xúc tiến thương mại, xúc tiến đầu tư, du lịch, kết nối cung cầu tìm kiếm mở rộng thị trường trong và ngoài nước triển khai thiết thực, có hiệu quả. Đến nay, nhiều sản phẩm đặc trưng, sản phẩm OCOP được phân phối vào hệ thống siêu thị Co.op Mart, Big C, VinMart, Bách Hóa Xanh, Tứ Sơn, Annam Gourmart Market, cửa hàng bán lẻ Vissan...
Tỉnh đã tập trung thực hiện nhiều giải pháp cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh theo Nghị quyết số 02/NQ-CP ngày 10/1/2022 của Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2022. Nghị quyết số 139/NQ-CP ngày 9/11/2018 của Chính phủ ban hành Chương trình hành động cắt giảm chi phí cho DN, gắn với việc triển khai đồng bộ các chính sách hỗ trợ phục hồi kinh tế của Trung ương theo Nghị quyết số 11/NQ-CP ngày 30/1/2022 của Chính phủ.
Các giải pháp thiết thực của tỉnh Đồng Tháp, đã tạo điều kiện cho hoạt động đầu tư kinh doanh của DN, hợp tác xã, hộ kinh doanh tăng mạnh; đẩy mạnh quan hệ đối ngoại, hợp tác quốc tế trong nhiều lĩnh vực, đặc biệt duy trì ổn định quan hệ hữu nghị với các địa phương thuộc Vương quốc Campuchia nhằm đảm bảo tình hình an ninh biên giới Quốc gia.
Trong năm 2022, tỉnh đã tiếp nhiều đoàn khách đến thăm, làm việc, trao đổi và tìm hiểu về cơ hội đầu tư, hợp tác về các lĩnh vực phát triển kinh tế, y tế, nông nghiệp, giáo dục, hợp tác lao động... từ các quốc gia: Nhật Bản, Hà Lan, Úc, Đức, Lào, Hàn Quốc, Trung Quốc, Campuchia... và cũng đã ký kết nhiều biên bản thỏa thuận hợp tác quốc tế...