Để “kích cầu” người dân tham gia BHXH tự nguyện
Mặc dù, số người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện tính đến nay đã bằng 1/3 con số phát triển được trong vòng 10 năm qua, nhưng để đạt mục tiêu bao phủ bảo hiểm xã hội tự nguyện theo Nghị quyết số 28-NQ/TW cần có các giải pháp “kích cầu” phù hợp trong bối cảnh mới.
Trên 463.000 người tham gia BHXH tự nguyện
Theo số liệu thống kê của Bảo hiểm Xã hội (BHXH) Việt Nam, sau hơn 10 năm triển khai thực hiện chính sách BHXH tự nguyện, tính đến hết tháng 9/2019, cả nước có 463.105 người tham gia BHXH tự nguyện, đạt 94,4% kế hoạch, tăng 192.326 người so với tháng 12/2018; mục tiêu trong những tháng cuối năm phát triển tiếp 27.600 người.
Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Trần Đình Liệu cho biết, để đạt được kết quả ấn tượng trên, BHXH Việt Nam đã chỉ đạo cơ quan BHXH các cấp triển khai nhiều giải pháp, trong đó tổ chức hàng nghìn hội nghị tuyên truyền về những lợi ích của BHXH tự nguyện tại các địa phương, tập huấn công tác tuyên truyền cho cán bộ BHXH các cấp… Song song với đó, BHXH các cấp đã cùng các đại lý tích cực tuyên truyền, vận động với phương châm “đến từng nhà, gặp từng người” để mở rộng phát triển đối tượng tham gia BHXH tự nguyện.
Theo thống kê của BHXH Việt Nam, tính đến tháng 9/2019, toàn quốc có 15.200.000 người tham gia BHXH; trong đó, có hơn 14.700.000 người tham gia BHXH bắt buộc, tăng hơn 2,2% so với 2018; hơn 463.000 người tham gia BHXH tự nguyện, tăng 6,7% so với năm 2018.
Chia sẻ về những lợi ích khi tham gia BHXH tự nguyện, ông Trần Hải Nam, Phó Vụ trưởng Vụ BHXH (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) cho biết, chính sách BHXH tự nguyện đã mang lại lợi ích thiết thực cho người tham gia như: Trao cơ hội tiếp cận được chính sách hưu trí - lương hưu khi về già cho tất cả mọi người. Cùng với đó, người tham gia BHXH tự nguyện có thể lựa chọn mức thu nhập tháng làm căn cứ để đóng BHXH phù hợp với điều kiện tài chính của mình. Hiện mức thấp nhất bằng mức chuẩn nghèo khu vực nông thôn (700.000 đồng/tháng, khi đó mức đóng chỉ là 154 nghìn đồng/người/tháng) và mức cao nhất bằng 20 lần mức lương cơ sở tại thời điểm đóng (với mức lương cơ sở hiện tại là 1.490.000 đồng/tháng, mức đóng là 6,556 triệu đồng/người/tháng). Người tham gia cũng có thể lựa chọn phương thức đóng rất linh hoạt: Đóng hàng tháng, hàng quý, sáu tháng, hàng năm hoặc đóng một lần cho nhiều năm…
Để “kích cầu” người dân tham gia BHXH tự nguyện
Bên cạnh kết quả đạt được, công tác phát triển BHXH tự nguyện hiện còn một số hạn chế như: Nhận thức của nhiều người lao động về chính sách BHXH, BHYT còn chưa đầy đủ nên hiện nay họ mới chỉ quan tâm đến vấn đề tiền lương, thu nhập hàng tháng, chưa quan tâm đến việc phòng xa cho bản thân khi hết tuổi lao động.
Trên thực tế, người lao động ở khu vực phi chính thức có tỷ lệ bị ốm đau, thai sản, thất nghiệp có xu hướng tăng cao. Do đó, nếu không có chính sách tăng quyền lợi, mở rộng quyền lợi cho người lao động thì sẽ khó thu hút được họ tham gia BHXH tự nguyện.
Để "kích cầu" người dân tham gia BHXH tự nguyện, BHXH Việt Nam tiếp tục nghiên cứu, đề xuất với Chính phủ tăng mức hỗ trợ cho người tham gia BHXH tự nguyện; hoặc linh hoạt hơn về mức hỗ trợ, như mức hỗ trợ tối thiểu bằng 30%, 25%, 10% để địa phương nào có điều kiện, kinh tế phát triển thì có thể hỗ trợ thêm một phần mức đóng cao hơn cho người tham gia BHXH tự nguyện.
Bên cạnh đó, BHXH Việt Nam tiếp tục phối hợp với các bộ, ngành, địa phương… tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến sâu rộng chính sách BHXH tự nguyện để khuyến khích người dân tham gia BHXH tự nguyện.
Đồng thời, mở rộng hệ thống mạng lưới đại lý thu BHXH tự nguyện, phấn đấu mỗi thôn, bản, tổ dân phố đều có điểm thu BHXH tự nguyện, có nhân viên đại lý thu. Giao chỉ tiêu kế hoạch phát triển đối tượng tham gia BHXH tự nguyện đối với BHXH cấp huyện và từng đại lý thu...