Đề nghị phát hành bổ sung 170 nghìn tỷ đồng vốn trái phiếu Chính phủ giai đoạn 2014-2016
(Tài chính) Ngày 23/10, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh đã báo cáo trước Quốc hội phương án phát hành trái phiếu Chính phủ (TPCP) giai đoạn 2014-2016. Theo đó, Chính phủ đề nghị Quốc hội cho phép phát hành bổ sung 170 nghìn tỷ đồng vốn TPCP giai đoạn 2014-2016 (không bao gồm 75 nghìn tỷ đồng đã có trong kế hoạch 2012-2015).
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh cho rằng, việc phát hành bổ sung vốn TPCP cho đầu tư giai đoạn 2014-2016 là rất cần thiết, nhằm bổ sung nguồn lực cho đầu tư phát triển phát triển nền kinh tế và thúc đẩy đầu tư của các thành phần kinh tế khác.
Trong 3 năm qua, thực hiện các nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ đã triển khai đồng bộ, quyết liệt các giải pháp ổn định kinh tế vĩ mô, lạm phát đã được kiềm chế, hiệu quả sử dụng vốn đầu tư từng bước được cải thiện, kinh tế dần được phục hồi.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, nền kinh tế cũng đang gặp những khó khăn, tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội so với GDP giảm mạnh so với giai đoạn trước do vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước thấp; vốn huy động từ khu vực dân cư và tư nhân tăng chậm; tổng cầu của nền kinh tế giảm mạnh. Do đó, việc phát hành vốn TPCP để bổ sung thêm nguồn lực đầu tư toàn xã hội và thúc đẩy đầu tư của các thành phần kinh tế khác là hết sức cần thiết trong giai đoạn 2014-2016.
Theo Báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, với việc hành bổ sung thêm 170 nghìn tỷ đồng, dư nợ công, dư nợ Chính phủ tính đến cuối năm 2015 cũng như cuối 2016 vẫn đảm bảo an toàn theo quy định, có khả năng huy động và cân đối được nguồn trả nợ.
Các phương án sử dụng nguồn vốn này cũng được Chính phủ trình cụ thể. Đó là: Bố trí 61,68 nghìn tỷ đồng đầu tư dự án Quốc Lộ 1A và Quốc lộ 14 (Đường Hồ Chí Minh đoạn qua khu vực Tây Nguyên); Bổ sung vốn cho các dự án đang đầu tư dở dang bằng nguồn vốn TPCP 2011-2015 để thúc đẩy tiến độ thi công, sớm hoàn thành đưa vào sử dụng 73,32 nghìn tỷ đồng; Bố trí 20 nghìn tỷ đồng vốn đối ứng các dự án ODA (phần vốn đối ứng các dự án do các bộ, ngành cơ quan Trung ương quản lý và hỗ trợ các địa phương nghèo, khó khăn theo Quyết định 60/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ); Bố trí 15 nghìn tỷ đồng đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng nông thôn theo Chương trình mặt trận Quốc gia xây dựng nông thôn mới, tập trung chủ yếu cho các xã nghèo thuộc các vùng miền núi, vùng đồng bào dân tộc và các vùng khó khăn khác.
Đa số ý kiến trong Ủy ban Tài chính - Ngân sách đồng ý với đề nghị của Chính phủ và đồng tình với nhận định của Chính phủ nợ công vẫn nằm trong giới hạn cho phép (dưới 65% GDP), song Ủy ban Tài chính - Ngân sách cho rằng, mặc dù nợ công chưa vượt giới hạn được Quốc hội cho phép nhưng trên thực tế khả năng huy động và trả nợ rất khó khăn, đòi hỏi Chính phủ phải có những giải pháp tích cực để xử lý. Tuy nhiên, cũng có ý kiến trong Ủy ban Tài chính - Ngân sách đề nghị, để bảo đảm an toàn nợ công, phù hợp với khả năng huy động và khả năng trả nợ của ngân sách nhà nước và không để ảnh hưởng đến các nhiệm vụ chi khác, chỉ nên phát hành bổ sung vốn TPCP ở mức 120.000 tỷ đồng.
Với phương án bổ sung vốn TPCP cho các mục tiêu nêu trên, Bộ Kế hoạch và Đầu tư dự kiến kết quả đạt được như sau:
Việc phát hành bổ sung vốn TPCP trong 3 năm 2014-2016 sẽ bổ sung thêm nguồn vốn cho đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng kinh tế-xã hội, góp phần tiếp tục hoàn thiện cơ sở hạ tầng; tạo môi trường thuận lợi để huy động thêm nhiều nguồn lực của các thành phần kinh tế trong và ngoài nước cho đầu tư phát triển; thực hiện tốt các mục tiêu, định hướng phát triển kế hoạch 5 năm 2011-2015 và Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội 2011-2020.
Dự kiến có thêm khoảng 75% dự án giao thông, thủy lợi, các bệnh viện đang đầu tư dở dang trong kế hoạch TPCP 2011-2015 được bổ sung đủ vốn để hoàn thành; phát huy được hiệu quả nguồn vốn đã đầu tư.
Đặc biệt Quốc lộ 1A và Quốc lộ 14 là 2 tuyến giao thông huyết mạch, quan trọng nhất của cả nước sẽ được đầu tư hoàn thành trong 3 năm tới, sẽ góp phần quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội, đảm bảo quốc phòng an ninh của cả nước và vùng Tây Nguyên. Tổng số giường bệnh tăng thêm trên toàn quốc kế hoạch năm 2014 dự kiến là 4.500 giường, năm 2015 là 4.500 giường, đạt chỉ tiêu tổng giường bệnh/vạn dân là 22,5 (năm 2014) và 23 (năm 2015).
Đẩy nhanh tiến độ giải ngân nguồn vốn ODA, góp phần quan trọng vào việc thực hiện đột phá xây dựng hệ thống cơ sở hạ tầng hiện đại của đất nước.
Góp phần thực hiện đúng tiến độ các mục tiêu xây dựng nông thôn mới, tạo ra những điều kiện để thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu và phát triển sản xuất, nâng cao đời sống của nhân dân ở các vùng miền khó khăn.
Về tác động đối với lạm phát: việc phát hành TPCP không làm tăng tổng lượng tiền trong lưu thông, nên cơ bản không ảnh hưởng đến mặt bằng giá. Tuy nhiên, việc tăng chi tiêu của Chính phủ thông qua phát hành TPCP, cũng gây tác động tới nhu cầu của những hàng hóa, dịch vụ liên quan, cũng gây tác động đến giá cả từng mặt hàng và mặt bằng giá nói chung trong khoảng thời gian nhất định. Vì vậy, cùng với việc thực hiện phương án bổ sung TPCP cần phải thực hiện đồng bộ các giải pháp chính sách để bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát, ổn định đời sống nhân dân.
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh kiến nghị Quốc hội giao Chính phủ, trên cơ sở tiến độ thực hiện các dự án, các yêu cầu về bảo đảm cân đối vĩ mô, xác định mức phát hành cụ thể từng năm.
Đồng thời căn cứ các Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, việc bố trí vốn trái phiếu đầu tư cho các dự án dở dang chỉ được tính dựa trên tổng mức đầu tư được duyệt theo các nghị quyết của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội và quyết định giao kế hoạch của Thủ tướng Chính phủ, không tính cho phần tăng quy mô. Do vậy, để các dự án có thể hoàn thành và đưa vào sử dụng, trình Quốc hội giao Chính phủ tiếp tục chỉ đạo các bộ, ngành và địa phương phải chủ động điều chỉnh giảm quy mô đầu tư của dự án cho phù hợp với khả năng nguồn vốn TPCP được giao và bổ sung thêm các nguồn vốn khác để hoàn thành dự án, nâng cao hiệu quả, tránh lãng phí các nguồn vốn đã đầu tư.
Trình Quốc hội thông qua tổng mức TPCP để bố trí vốn đối ứng các dự án ODA, vốn hỗ trợ xây dựng cơ sở hạ tầng nông thôn theo Chương trình Mặt trận Quốc gia xây dựng nông thôn mới. Giao Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành và địa phương rà soát danh mục và bố trí vốn cho các dự án ODA theo các hiệp định đã ký kết và theo tiến độ thực hiện, xác định danh mục và bố trí vốn đầu tư của Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới.