Để phát huy hiệu quả mô hình kinh tế chia sẻ ở Việt Nam


Trong thời gian gần đây, thuật ngữ “kinh tế chia sẻ” được các chuyên gia, các nhà kinh tế ở Việt Nam bàn thảo nhiều sau khi có sự xuất hiện của các hãng vận tải hành khách mới xuất hiện là Uber và Grab (hiện hai thực thế này đã hợp nhất với tên gọi Grab).

Mô hình kinh tế chia sẻ đang phát triển mạnh mẽ tại Việt Nam. Nguồn: Internet
Mô hình kinh tế chia sẻ đang phát triển mạnh mẽ tại Việt Nam. Nguồn: Internet

Các cuộc thảo luận dường như đã đi đến thống nhất về sự tồn tại của mô hình kinh tế này và vấn đề được quan tâm tiếp theo là “Làm thế nào để phát triển hiệu quả loại hình kinh tế này”? Bài viết phân tích thực trạng và đưa ra câu trả lời về vấn đề này.

Mô hình kinh tế chia sẻ trên thế giới và một số vấn đề đặt ra

Với sự phát triển của công nghệ, “làn sóng” kinh tế chia sẻ nở rộ trên thế giới trong khoảng 5 năm gần đây. Hàng trăm tỷ USD được các nhà đầu tư mạo hiểm rót vào các start-up theo mô hình kinh doanh này, với những cái tên như: Airbnb, Uber, Lyft, Spotify... Riêng Uber, kể từ khi đi vào hoạt động năm 2010, dịch vụ chia sẻ đi nhờ xe của Mỹ đã vươn tới hàng trăm thành phố tại khoảng 70 quốc gia trên toàn thế giới.

Theo nhiều chuyên gia, thế kỷ XXI sẽ chứng kiến sự bùng nổ của kinh tế chia sẻ. Đây là mô hình start-up đứng ra làm trung gian và thu các khoản phí kết nối giữa khách hàng và người cung cấp dịch vụ, thông qua các website hoặc phần mềm.

Kinh tế chia sẻ được sự ủng hộ của chính quyền nhiều nước phát triển, đặc biệt ở Mỹ và một số nước châu Âu. Lợi ích là khá nhiều nhưng loại hình kinh tế mới này cũng mang đến nhiều thách thức cho các ngành kinh doanh truyền thống và gặp khó khi thâm nhập một số nền kinh tế mới nổi. Đôi khi, start-up kiểu này được coi là “kẻ phá bĩnh” đối với mô hình kinh doanh truyền thống và vẫn còn có những tranh cãi xoay quanh sự thật về "kinh tế chia sẻ" khi mà trong một khía cạnh nào đó của nền kinh tế chia sẻ không thực sự mang ý nghĩa "sẻ chia", thay vào đó lại mang ý nghĩa "cho thuê" hay "mua bán" hơn.

Ngoài ra, một thực tế được nhận thấy là tại Mỹ và nhiều nước châu Âu, sự bùng nổ các loại hình dịch vụ chia sẻ đã dẫn đến năng suất lao động thấp ở nhiều nền kinh tế phương Tây, nguyên nhân chính của tình trạng tồn đọng lương tại các doanh nghiệp…

Dù còn nhiều tranh cãi khác nhau về kinh tế chia sẻ nhưng phần đông các ý kiến đều cho rằng, kinh tế chia sẻ đang là xu hướng mới song hành cùng cuộc cách mạng về công nghệ thông tin trở thành một trong những trụ cột quan trọng của nền kinh tế số, là mối quan tâm hàng đầu của các doanh nhân và doanh nghiệp khởi nghiệp tại nhiều quốc gia và được ví như là "gà đẻ trứng vàng" mới cho nhiều nền kinh tế. Kinh tế chia sẻ vẫn còn nhiều không gian rộng lớn để phát triển và lấp đầy những khoảng trống của các thị trường kinh doanh truyền thống hiện tại.

Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là cần phải có những điều chỉnh, bổ sung trong hệ thống luật pháp để có chính sách quản lý phù hợp khai thác những yếu tố tích cực và ngăn chặn những yếu tố tiêu cực nhằm tạo ra môi trường kinh doanh bình đẳng và lành mạnh để mô hình kinh tế chia sẻ phát triển, góp phần nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của mỗi quốc gia trong bối cảnh hội nhập sâu rộng trên toàn cầu.

Những thành tựu và thách thức của mô hình kinh tế chia sẻ ở Việt Nam

Mặc dù, mô hình kinh tế chia sẻ đang phát triển mạnh mẽ tại Việt Nam, song gần như vẫn chưa có số liệu thống kê chính thức về mô hình kinh doanh mới này. Thống kê của Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương (CIEM) cho thấy, tại Việt Nam đang nổi lên 3 loại hình dịch vụ kinh tế chia sẻ là vận tải trực tuyến, chia sẻ phòng ở và cho vay ngang hàng. Ngoài ra, nhiều dịch vụ khác cũng đã hình thành như du lịch, chia sẻ chỗ làm việc, gửi xe, chia sẻ nhân lực...

Thời gian qua, kinh tế chia sẻ tạo điều kiện thuận tiện cho người sử dụng và ngày càng nhân rộng. Theo kết quả khảo sát của Công ty Nghiên cứu thị trường và quảng bá toàn cầu Nielsen đối với người tiêu dùng khu vực Đông Nam Á, tại Việt Nam có 18% người được hỏi từ chối chia sẻ tài sản cá nhân của mình, thấp hơn 14 điểm phần trăm so với tỷ lệ trung bình trên toàn thế giới. Trong khi đó, số người được hỏi sẵn sàn tận dụng các sản phẩm và dịch vụ chia sẻ tại Việt Nam lên tới 76%, cao hơn mức bình quân 66% của toàn cầu (Nielsen, 2014). Đặc biệt, trong dịch vụ vận tải trực tuyến, theo báo cáo 5 năm kể từ khi thành lập của công ty TNHH Grab, Grab đã giúp khách hàng tiết kiệm nhiều thời gian dành cho việc di chuyển (tại Việt Nam trung bình các hành khách của Grab đến nơi với thời gian ít hơn một nửa khoảng 51%) (Grab, 2017). Ngoài tiết kiệm thời gian, Grab còn giúp khách hàng giảm 20-30% chi phí đi lại, giảm 40% những lỗi giấy tờ khi quyết toán chi phí đi lại, minh bạch thông tin cho người dùng (Grab, 2017).

Ngoài ra, kinh tế chia sẽ cũng thúc đẩy kinh tế địa phương phát triển, nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế, đẩy mạnh sáng tạo trong kinh doanh.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được ở trên, mô hình kinh tế chia sẻ ở Việt Nam đã và đang đối mặt với những khó khăn, thách thức sau:

Một là, các văn bản pháp luật hiện hành như Luật Đầu tư 2014, Luật Doanh nghiệp 2014, Luật Thương mại điện tử và các văn bản hướng dẫn Luật chưa có quy định cụ thể liên quan đến kinh tế chia sẻ

Thực tế cho thấy, các văn bản pháp luật được ban hành còn thiếu các quy định về quản lý chất lượng sản phẩm hoặc dịch vụ bảo vệ người tiêu dùng, đặc biệt là xác định rõ hơn nghĩa vụ về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong hoạt động thương mại điện tử có liên quan đến kinh tế chia sẻ. Ví dụ: Trong Nghị định số 52/2013/NĐ-CP ngày 16/5/2013 về thương mại điện tử hiện nay còn chưa bao quát được hết các hành vi thương mại điện tử trong kinh tế chia sẻ. Trong khi đó, để quản lý hoạt động thương mại điện tử cần kết hợp với một số nghị định khác.

Hiện nay, còn thiếu các chính sách đảm bảo cạnh tranh công bằng giữa kinh tế truyền thống và kinh tế chia sẻ trong từng ngành cụ thể. Điển hình như sự bất bình đẳng trong đăng ký kinh doanh, trong kiểm soát số lượng xe, trong việc xác định giá thành dịch vụ giữa Grab và các doanh nghiệp taxi truyền thống. Có thể thấy, các hãng taxi truyền thống đang bị kiểm soát chặt chẽ và khắt khe hơn so với các taxi ứng dụng công nghệ, dẫn đến nhiều trường hợp như gia tăng áp lực cho cơ sở hạ tầng giao thông vận tải vì số lượng xe Grab gia tăng ngày một nhiều hay việc được đi vào những tuyến đường mà taxi truyền thống bị cấm.

Thêm vào đó, còn thiếu cơ chế chính sách quy định trách nhiệm rõ ràng của các bên trong kinh tế chia sẻ. Do quan hệ hợp đồng mới trong kinh tế chia sẻ là quan hệ "3 bên" nên các chính sách kèm theo cần xử lý được mối quan hệ này thay vì xử lý quan hệ giữa hai đối tác trong hợp đồng kinh tế như trước đây. Nếu không có quy định rõ ràng có thể dẫn tới đùn đẩy trách nhiệm và cơ quan quản lý nhà nước không nắm được thông tin. Trách nhiệm của các bên  đối với Nhà nước cũng cần được quy định rõ hơn, đặc biệt là với các đối tác ở bên ngoài biên giới.

Hai là, sự lúng túng trong quản lý hoạt động kinh doanh chia sẻ bởi vì các hoạt động này hoạt động đan xen và giao thoa với các hoạt động kinh doanh truyền thống; giữa chức năng quản lý của các bộ/ngành với nhau.

Theo Luật Quản lý ngoại thương năm 2017 và Nghị định số 09/2018/NĐ-CP ngày 15/01/2018 quy định chi tiết Luật Thương mại và Luật Quản lý ngoại thương về hoạt động mua bán hàng hóa và các hoạt động liên quan trực tiếp đến mua bán hàng hóa của nhà đầu tư nước ngoài, tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam, cần có thêm giấy quyền kinh doanh đối với hoạt động cung cấp thương mại điện tử dưới dạng website ngoài giấy đầu tư kinh doanh là một công cụ cho quản lý ngoại thương. Tuy nhiên, rào cản thương mại này vẫn còn có lỗ hổng vì chỉ quy định cho website mà không có quy định cho ứng dụng điện thoại.

Ba là, với các loại hình kinh tế chia sẻ, người cung ứng dịch vụ cũng không được đóng bảo hiểm xã hội và bảo hiểm thất nghiệp; người lao động tham gia vào hình thức kinh doanh này không sở hữu bất kỳ quyền lợi lao động nào; không có một đơn vị nào đứng ra bảo vệ quyền lợi cho người lao động khi xảy ra vấn đề tranh chấp với đơn vị cung ứng nền tảng.

Bốn là, hệ thống mạng còn tiềm ẩn nhiều rủi ro để lộ ra lỗ hổng về thông tin cho người sử dụng dịch vụ hay là các rủi ro về công nghệ trong quá trình sử dụng. Các quy định về an toàn thông tin cũng còn thiếu liên quan đến việc trách nhiệm các bên khi thông tin bị rò rỉ, mất mát, hay nghiêm trọng hơn là bán thông tin trái phép không được sự đồng ý của khách hàng.

Đề xuất một số giải pháp quản lý kinh tế chia sẻ ở Việt Nam

Cơ hội để thành công trong nền kinh tế công nghiệp 4.0 nói chung và nền kinh tế chia sẻ nói riêng luôn chia đều cho các nước, không phân biệt quy mô dân số hay mức độ phát triển dân số. Để phát triển bền vững kinh tế chia sẻ và tận dụng các lợi thế của loại hình kinh tế này cho phát triển kinh tế ở Việt Nam, tác giả đề xuất một số giải pháp sau:

Thứ nhất, công nhận sự phát triển của kinh tế chia sẻ là tất yếu, phù hợp với xu thế phát triển của công nghệ thông tin. Kinh tế chia sẻ không phải là một bộ phận tách rời hoặc một thành phần kinh tế riêng trong nền kinh tế. Để làm được điều đó, cần phải tạo điều kiện cho các hoạt động kinh tế chia sẻ phát triển, đi kèm với đó là những chính sách khuyến khích phù hợp  để thúc đẩy phát triển đặc biệt với những mô hình kinh tế chia sẻ vì mục đích xã hội.

Thứ hai, hoàn thiện hệ thống pháp luật và chính sách hiện hành để các hoạt động của kinh tế chia sẻ được quy định và kiểm soát chặt chẽ tại Việt Nam (về đăng ký kinh doanh, thực hiện nghĩa vụ thuế, nghĩa vụ tài chính, nghĩa vụ khai báo thông tin, nghĩa vụ đáp ứng các điều kiện kinh doanh chuyên ngành, nghĩa vụ về thực hiện chính sách bảo hiểm…). Đồng thời, quy định rõ trách nhiệm giữa các bên trong kinh tế chia sẻ, trách nhiệm của các cơ quan nhà nước trong việc quản lý đối với mô hình kinh doanh này.

Thứ ba, thiết lập môi trường cạnh tranh bình đẳng giữa các hoạt động kinh tế chia sẻ và truyền thống; Tận dụng tối đa tài nguyên nhưng phải đảm bảo các tiêu chuẩn phù hợp với từng lĩnh vực ngành nghề kinh doanh cụ thể và người cung cấp dịch vụ phải có trách nhiệm đảm bảo tiêu chuẩn được đề ra.

Thứ tư, nâng cao năng lực quản lý của bộ máy nhà nước trong bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 để khuyến khích và quản lý sự phát triển các hoạt động kinh tế chia sẻ hiện còn đang ở mức thấp. Cụ thể, đổi mới quản lý nhà nước theo hướng các bộ, ngành tăng cường phối hợp với nhau trong công tác điều hành quản lý nhà nước và chia sẻ thông tin; cần có quy chuẩn chung về thu thập xử lý dữ liệu để có thể kết nối, lưu trữ phân tích thông tin làm cơ sở đề ra các chính sách phù hợp trong bối cảnh công nghệ xóa mờ ranh giới giữa các lĩnh vực, ngành nghề.

Thứ năm, cần có những chính sách hướng dẫn các cá nhân, tổ chức trong và ngoài nước có trách nhiệm bảo mật thông tin (không cung cấp thông tin cho bên thứ ba ngoại trừ có yêu cầu của các cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền và người có thông tin cho phép) và tuyên truyền nghĩa vụ và trách nhiệm trong việc bảo mật thông tin cá nhân của người khác. Xây dựng cơ chế để các bên tham gia hoạt động kinh tế chia sẻ có thể kiểm soát được việc sử dụng thông tin của các nền tảng, các doanh nghiệp sử dụng dữ liệu cá nhân, tổ chức của mình theo đúng thỏa thuận giữa các bên.

Thứ sáu, nâng cao nhận thức của các bên trong nền kinh tế chia sẻ, bao gồm Nhà nước, doanh nghiệp và người dân. Mô hình kinh tế chia sẻ là mọi người xây dựng niềm tin thông qua một mô hình cho phép các giao dịch trên môi trường mạng để thu được những lợi ích của việc chia sẻ và việc xếp hạng đánh giá ngang hàng, xác thực và trách nhiệm của bên thứ ba, bảo hiểm là cách phổ biến nhất để thiết lập sự tin tưởng như vậy giữa người dùng và nền tảng cũng như trong số những người dùng. Xây dựng cơ chế chia sẻ thông tin và dữ liệu giữa chính quyền các cấp và các doanh nghiệp, các hiệp hội ngành nghề và các hộ kinh doanh. Xây dựng cơ chế, chính sách, giảm thiểu rủi ro cho các bên trong hoạt động kinh tế chia sẻ bao gồm cảnh báo sớm cho người cung cấp dịch vụ, bảo vệ người tiêu dùng. 

Tài liệu tham khảo:

  1. Viện Nghiên cứu Quản ly Kinh tế Trung ương (2018), Chuyên đề 7: "Thực trạng kinh tế chia sẻ ở Việt Nam: Kiến nghị giải pháp quản lý nhà nước";
  2. Nguyễn Phương Mạnh (2014), Giới thiệu nền kinh tế chia sẻ và khả năng phát triển ở Việt Nam;
  3. Kinh tế chia sẻ và Cách mạng Công nghiệp 4.0; http://www.vecita.gov.vn;
  4. Kinh tế chia sẻ: “Bài toán” mới cho các nhà quản lý, http://bnew.vn, 16/09/2017;
  5. Mô hình nền kinh tế chia sẻ và gợi ý cho Việt Nam; Nguyễn Phan Anh, Đại học Thương mại, http://tapchitaichinh.vn/nghien-cuu--trao-doi/trao-doi-binh-luan;
  6. PWC report (2015), Consumer Intelligence Series “The Sharing Economy”;