Để tiếp tục khơi thông dòng vốn vào nông nghiệp, nông thôn

PV.

Tín dụng nông nghiệp, nông thôn ở Việt Nam dù đã được cải thiện mạnh mẽ trong những năm qua, nhưng vẫn còn nhiều nút thắt cần được tháo gỡ trong năm 2016. Nhận định điều này, Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) tại Việt Nam khuyến cáo Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cần có nhiều chính sách khơi thông những điểm nghẽn hơn nữa tạo động lực phát triển kinh tế nông thôn…

Chính sách đã khơi…

Trong những năm gần đây, một trong những điểm nhấn được ghi nhận là sự đổi mới của nhiều chính sách tín dụng tạo đột phá gỡ bỏ nhiều điểm nghẽn, giúp khơi thông dòng vốn vào nông nghiệp, nông thôn.

Còn nhớ, cách đây hơn 5 năm, khi nông nghiệp, nông thôn “khát vốn” vì hầu hết các ngân hàng ngại “chơi với nông dân” vì tính rủi ro và sự thiếu chuyên nghiệp. Nhiều dự án phát triển nông nghiệp bị phá sản hoặc “chết yểu” vì không có vốn phục, chính sách tín dụng cho khu vực này bị bó chặt bằng các yêu cầu ngặt nghèo về tài sản bảo đảm, kế hoạch kinh doanh không tốt, gánh nặng đầu tư lớn và mức tín nhiệm thấp…

Trước thực trạng đó, Chính phủ ban hành Nghị đinh 41/2010/NĐ-CP về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn. Chính sách này ra đời đã gỡ bỏ nhiều “nút thắt” khơi dòng tín dụng chảy vào nông nghiệp, nông thôn, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ cho kinh tế địa phương. Nhiều cơ sở sản xuất phục vụ cho nông nghiệp được xây dựng, tạo công ăn việc làm cho hàng nghìn lao động ở vùng nông thôn. Đồng thời, tạo điều kiện cho hộ gia đình, cá nhân ở nông thôn mua sắm máy móc, phục vụ cơ giới nông nghiệp, giảm chi phí, tăng thu nhập, nâng cao được đời sống.

Sau 5 năm triển khai thực hiện, đến nay Nghị định 41/2010/NĐ-CP của Chính phủ đã giúp dư nợ tín dụng đối với lĩnh vực tam nông tăng gấp 2,5 lần, chiếm tỷ trọng 19% trên tổng dư nợ của nền kinh tế. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai thực tiễn, các quy định của Nghị đinh 41/2010/NĐ-CP cũng đã bộc lộ nhiều hạn chế, đòi hỏi cần sửa đổi. Để phù hợp với yêu cầu thực tiễn, Chính phủ đã ban hành Nghị định 55/2015/NĐ-CP thay cho Nghị định 41/2010/NĐ-CP. Đây được xem là một “cú huých” cho tín dụng nông nghiệp, nông thôn. Trong đó, hạn mức cho vay là thay đổi quan trọng nhất khi mức cho vay tín chấp được nâng lên 1,5-2 lần so với quy định cũ.

Cụ thể, mức cho vay không có tài sản đảm bảo tối đa đối với cá nhân, hộ gia đình được nâng lên 100 triệu đồng (trước đây 50 triệu đồng); 300 triệu đồng đối với hộ kinh doanh (trước đây 200 triệu đồng); 1 tỷ đồng đối với hợp tác xã, chủ trang trại (trước đây 500 triệu đồng).

Ngoài ra, có thêm 2 đối tượng được bổ sung vào nhóm được vay không cần tài sản bảo đảm. Đó là hợp tác xã nuôi trồng thủy sản hoặc khai thác hải sản xa bờ, liên hiệp hợp tác xã nông nghiệp được vay tới 2 tỷ đồng; liên hiệp hợp tác xã nuôi trồng thủy sản hoặc khai thác hải sản xa bờ, cung cấp dịch vụ phục vụ khai thác hải sản xa bờ được vay tối đa tới 3 tỷ đồng không cần tài sản bảo đảm…

… nhưng vẫn chưa thông

Việc nới rộng hạn mức cho vay tín chấp đã mở ra cơ hội tháo gỡ nút thắt về tài sản đảm bảo cho khu vực nông nghiệp, nông thôn. Nhưng để tiếp cận được vốn vay ưu đãi, người nông dân và doanh nghiệp cần chứng minh được tính khả thi trong hoạt động sản xuất.

Qua thực tế triển khai thực hiện các chính sách cho thấy còn tồn tại nhiều bất cập khi ràng buộc khách hàng vay bởi giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Nếu khách hàng được vay không có tài sản đảm bảo theo quy định tại thì phải nộp cho tổ chức tín dụng cho vay giấy chứng nhận quyền sử dụng đất hoặc giấy xác nhận chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Theo quy định này, thì hợp tác xã và tổ hợp tác khó tiếp cận được vốn vay.

Ngoài ra, thời hạn cơ cấu lại nợ và cho vay mới trong trường hợp khách hàng được cơ cấu nợ do thiên tai, dịch bệnh xảy ra trên phạm vi rộng thì được khoanh nợ không tính lãi với dư nợ bị thiệt hại trong thời hạn 2 năm là ngắn, chưa phù hợp đối với một số loại cây trồng ăn trái lâu năm.

Theo chuyên gia kinh tế TS. Vũ Đình Ánh, tín dụng cho nông nghiệp, nông thôn là chính sách lớn, song dòng chảy của tín dụng vào lĩnh vực này đến nay vẫn chưa đủ mạnh như mong muốn. Nguyên nhân do yếu thế, rủi ro cao như thiên tai, dịch bệnh, doanh thu không ổn định do tình trạng “mất mùa được giá, được mùa mất giá” khiến các ngân hàng ngại rót vốn, nên khu vực này vẫn đang phụ thuộc nhiều vào tín dụng đen.

“Chưa bàn đến hạn mức cho vay quá thấp thì đã vướng ở chỗ nông dân rất khó tiếp cận do NH nào cũng đòi hỏi tài sản thế chấp, bởi những đối tượng vay vốn hoạt động trong lĩnh vực NNNT hầu hết “tín chưa đủ chấp”, độ rủi ro cao” – TS. Ánh nhấn mạnh.

Thực tiễn hiện nay, chính sách nhà nước định hướng giúp cho nền kinh tế phát triển tốt, nhưng do có nhiều rào cản nên khi cho vay đối với nông nghiệp, nông thôn các ngân hàng vẫn còn rất thận trọng, không cho vay lớn.

Còn đối với nông dân, dù cho vay tín chấp nhưng ngân hàng vẫn phải quản lý sổ đỏ, thẩm định kỹ về nhu cầu đầu tư, sử dụng vốn, khả năng trả nợ từ đó quyết định mức cho vay phù hợp để tránh việc một người vay ở nhiều ngân hàng khác nhau. Đây là những lực cản khiến dòng vốn chưa thể thông vào nông nghiệp nông thôn.

Cần thêm nhiều chính sách khơi thông

Theo ông Võ Tấn Hoàng Văn, Tổng giám đốc Sacombank, để tín dụng đối với nông nghiệp, nông thôn phát triển mạnh, Nhà nước nên có nên có chính sách khai thông ngành cốt lõi, thúc đẩy phát triển chuỗi sản xuất. Điển hình như nông sản phải định được khâu chủ lực xuất khẩu nông sản để đẩy mạnh phát triển, từ đó kéo các ngành đi kèm, nếu bao tiêu được đầu ra sẽ đảm bảo khâu trồng trọt chế biến phát triển, khi đó ngân hàng sẽ mạnh dạn cho vay vốn để sản xuất kinh doanh.

Đồng tình với kiến nghị trên, ông Nguyễn Văn Thắng, Chủ tịch HĐQT Ngân hàng Vietinbank, kiến nghị: Để tạo lực đẩy ban đầu làm “vốn mồi” cho lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, Chính phủ cần tăng ngân sách đầu tư vào các hoạt động nghiên cứu khoa học, ứng dụng trong nông nghiệp bằng cơ chế, chính sách hiệu quả.

Bên cạnh nguồn ngân sách nhà nước, cần có thêm các chính sách khuyến khích các doanh nghiệp, cá nhân mạnh dạn đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nhất là nông nghiệp công nghệ cao nhằm đáp ứng tiêu chuẩn của các thị trường khó tính.

TS. Nguyễn Kim Sơn – Viện trưởng Viện chiến lược chính sách nông nghiệp cho rằng, ngay trong năm 2016 này, Nhà nước cần mở rộng đối tượng và hạn mức cho vay trong lĩnh vực nông nghiệp từ các cá nhân hộ gia đình, chủ trang trại, hợp tác xã tới các doanh nghiệp với lãi suất ưu đãi.

Ngoài ra, cần có chính sách khơi thông nguồn vốn vay đến các tổ chức, cá nhân kinh doanh trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ có liên quan đến nông nghiệp để hỗ trợ liên kết phát triển các chuỗi giá trị nông nghiệp bền vững.

Năm 2016, tiếp tục được xác định là năm đẩy mạnh thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp, đồng thời cũng là năm tiếp tục đẩy mạnh xây dựng nông thôn mới. Vì vậy, nguồn vốn cho phát triển nông nghiệp, nông thôn là rất lớn, các chính sách khơi thông dòng vốn vào lĩnh vực này cũng cần được đổi mới kịp thời.

Do vậy, Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước cần có nhiều chính sách hỗ trợ người dân tiếp cận các nguồn vốn dài hạn, thúc đẩy phát triển, tái cơ cấu nền nông nghiệp trong bối cảnh hội nhập ngày càng sâu, cạnh tranh mạnh mẽ hơn.