Đề xuất giải pháp chống gian lận xuất xứ hàng hóa
Các hiệp định thương mại tự do (FTA) đã có hiệu lực và tới đây là TPP mở ra cơ hội thuận lợi lớn cho hoạt động xuất nhập khẩu (XNK) của doanh nghiệp (DN), song cũng đang đặt ra thách thức chống gian lận về chứng nhận xuất xứ hàng hóa (C/O) đối với cơ quan chức năng.
Gia tăng áp lực kiểm soát hải quan
Ông Âu Anh Tuấn - Phó Cục trưởng Cục Giám sát quản lý hải quan, Tổng cục Hải quan cho biết, việc cắt giảm thuế quan theo các FTA đã ký kết tạo thuận lợi, mở rộng các đối tượng được hưởng ưu đãi thuế nhập khẩu. Tuy nhiên, việc cắt giảm thuế quan cũng dẫn đến xu thế gian lận nhiều hơn về C/O để được hưởng ưu đãi.
Trong 5 năm từ 2011 đến 2015, cơ quan hải quan đã nhận được 78 thư đề nghị xác minh từ hải quan các nước và đại sứ quán của các nước tại Việt Nam. Các thư yêu cầu tập trung vào xác minh tính chính xác và hợp lệ C/O, nguồn gốc xuất xứ của các lô hàng, xác minh bộ chứng từ hải quan đặc biệt là hóa đơn thương mại, do nghi ngờ gian lận về trị giá, xuất xứ…
Cũng trong khoảng thời gian này, Hải quan Việt Nam đã đề nghị hải quan các nước xác minh 1.961 C/O, và đã phát hiện một số trường hợp DN trong nước móc nối với DN nước xuất khẩu làm giả chứng từ hoặc khai tăng hàm lượng ASEAN nhằm hưởng ưu đãi thuế lớn hơn, theo chương trình ưu đãi thuế quan hiệu lực chung của khối (CEPT) và hiệp định giữa các nước ASEAN và một số đối tác như Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản.
Theo ông Âu Anh Tuấn, tham gia TPP, áp lực của cơ quan hải quan trong việc kiểm soát tăng rất nhiều. Trên thực tế, TPP đưa ra cơ chế DN tự xác nhận xuất xứ hàng hóa XNK. Như vậy, khi thực hiện TPP, thay bằng việc kiểm tra C/O (do cơ quan của chính phủ hoặc một tổ chức được chính phủ của nước xuất khẩu chỉ định…), cơ quan hải quan sẽ kiểm tra xuất xứ dựa trên cam kết tự chứng nhận của người khai XNK…
Đây là thách thức rất lớn đối với cơ quan hải quan khi tham gia TPP. Cơ quan hải quan sẽ phải nắm vững các quy định liên quan đến xuất xứ hàng hóa, thực hiện kiểm tra dựa trên thông tin người XNK cung cấp, không còn được xác minh xuất xứ tại cơ quan chính phủ nữa… Khối lượng công việc sẽ gia tăng rất nhiều và đòi hỏi sự chính xác cao.
Nộp C/O tại thời điểm nhập khẩu
Để đảm bảo quản lý chặt chẽ song vẫn tạo thuận lợi cho hoạt động XNK, đồng thời phù hợp cam kết quốc tế, Tổng cục Hải quan (Bộ Tài chính) bước đầu đã có các cuộc họp với đại diện Bộ Công thương đề xuất giải pháp tăng cường chống gian lận C/O.
Theo đó, Tổng cục Hải quan đề xuất phương án quản lý và kiểm tra C/O các lô hàng áp dụng mức thuế suất ưu đãi đặc biệt, nhằm chống gian lận thương mại, chống thất thu ngân sách. Để được xem xét hưởng mức thuế suất ưu đãi đặc biệt trong khuôn khổ các FTA, DN phải nộp C/O cho cơ quan hải quan tại thời điểm đăng ký tờ khai nhập khẩu (NK).
Cơ quan hải quan cũng đề nghị, trường hợp tại thời điểm NK, thuế suất thuế NK ưu đãi (biểu MFN) là 0%, DN không có nhu cầu áp dụng thuế suất ưu đãi đặc biệt; hoặc thuế suất MFN thấp hơn so với thuế suất ưu đãi đặc biệt thì áp dụng mức thuế suất MFN. Đối với các trường hợp DN không có C/O tại thời điểm đăng ký tờ khai hải quan, DN có thể nộp bổ sung C/O trong thời gian 30 ngày kể từ ngày đăng ký tờ khai.
Sau khi hàng hóa đã thông quan, cơ quan hải quan kiểm tra sau thông quan xác định lại mã hàng hóa (HS), theo mã HS mới thì thuế suất MFN cao hơn so với thuế suất ưu đãi đặc biệt, DN xin nộp bổ sung C/O thì cơ quan hải quan chấp nhận C/O bổ sung để cho hưởng ưu đãi.
Trường hợp tại thời điểm NK, hàng hóa thuộc danh mục miễn thuế, DN không có nhu cầu áp dụng thuế suất ưu đãi đặc biệt. Sau khi hàng hóa đã thông quan, cơ quan hải quan kiểm tra sau thông quan xác định hàng hóa không thuộc đối tượng miễn thuế, DN xin nộp bổ sung C/O thì cơ quan hải quan chấp nhận C/O bổ sung để cho hưởng ưu đãi. Đối với C/O mẫu VK, thực hiện đúng theo quy định tại Thông tư 40/2015/TT-BCT về việc người NK có thể đề nghị cho hưởng thuế quan ưu đãi và xin hoàn bất kỳ khoản thuế dư nào phải trả khi hàng hóa chưa được hưởng ưu đãi nếu xuất trình C/O trong vòng một năm sau ngày hàng NK./.
Tổng cục Hải quan dự kiến sẽ đề xuất sửa đổi, bổ sung nội dung chống gian lận C/O trong Thông tư 38/2015/TT-BTC quy định về thủ tục hải quan; kiểm tra, giám sát hải quan; thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu và quản lý thuế đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu.