Đề xuất gỡ vướng cho doanh nghiệp FDI về Thông tư 39
Trong quá trình triển khai thực hiện Thông tư 39/2018/TT-BTC ngày 20/4/2018 của Bộ Tài chính đã phát sinh một số vướng mắc đối với hoạt động XNK của doanh nghiệp FDI, vì thế Cục Hải quan TP.HCM đã kiến nghị Tổng cục Hải quan để tháo gỡ.
Kiểm hóa hộ đối với hàng XK
Ông Huỳnh Trung Kiên, Phó Chi cục trưởng Chi cục Hải quan quản lý hàng đầu tư- Cục Hải quan TP.HCM cho biết, trong quá trình triển khai thực hiện Thông tư 39/2018/TT-BTC ngày 20/4/2018 về việc sửa đổi, bổ sung một số điều Thông tư 38/2015/TT-BTC ngày 25/3/2015 quy định về thủ tục hải quan; kiểm tra, giám sát hải quan; thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu và quản lý thuế đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu đã phát sinh vướng mắc đối với một số doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài.
Theo quy định tại điểm 9 khoản 18 Điều 1 Thông tư 39/2018/TT-BTC, việc kiểm tra thực tế hàng hóa theo quy định tại khoản này chỉ áp dụng đối với hàng xá, hàng rời và hàng hóa nhập khẩu phục vụ gia công, sản xuất hàng hóa xuất khẩu, hàng hóa của doanh nghiệp chế xuất.
Như vậy hàng hóa là sản phẩm xuất khẩu gia công, sản xuất xuất khẩu không được thực hiện việc kiểm tra thực tế hàng hóa theo đề nghị của chi cục hải quan nơi đăng ký tờ khai.
Theo quy định này, khi doanh nghiệp đăng ký mở tờ khai hải quan xuất khẩu tại Chi cục Hải quan quản lý hàng đầu tư nhưng hàng hóa xuất khẩu tại cửa khẩu thuộc các tỉnh khác đối với luồng Vàng, luồng Xanh sẽ không ảnh hưởng gì, nhưng đối với luồng Đỏ- kiểm tra thực tế hàng hóa- cơ quan Hải quan tại cửa khẩu xuất sẽ không được kiểm hóa hộ theo đề nghị của chi cục hải quan quản lý hàng đầu tư như trước đây nữa. Doanh nghiệp phải cử nhân viên đến các đơn vị hải quan này để làm thủ tục.
Quy định này khi triển khai thực hiện đã phát sinh vướng mắc cho doanh nghiệp. Hiện một số doanh nghiệp FDI đã có văn bản gửi Cục Hải quan TP.HCM kiến nghị cho tiếp tục thực hiện thủ tục kiểm tra thực tế hàng hóa theo đề nghị của chi cục hải quan nơi đăng ký tờ khai hải quan
Theo nhận định của Chi cục Hải quan quản lý hàng đầu tư, vướng mắc trên nếu không được tháo gỡ kịp thời sẽ gây ách tắc trong việc thông quan hàng hóa cho doanh nghiệp từ hai phía: Một là, chi cục hải quan nơi đăng ký tờ khai không thực hiện đề xuất kiểm hộ; Hai là, theo phản ánh của doanh nghiệp, chi cục hải quan nơi có hàng hóa xuất khẩu tập kết hướng dẫn doanh nghiệp là không thực hiện việc tiếp nhận đăng ký cho loại hình gia công, sản xuất xuất khẩu.
Từ thực tế trên, để tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, Chi cục Hải quan quản lý hàng đầu tư đã báo cáo vướng mắc phát sinh với Cục Hải quan TP.HCM để kiến nghị tháo gỡ kịp thời.
Tập huấn kỹ, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp
Ngoài vướng mắc đối với hàng xuất khẩu, theo Chi cục Hải quan quản lý hàng gia công, tại đơn vị cũng phát sinh một số vướng mắc đặc thù. Chẳng hạn, về theo dõi Hợp đồng gia công, theo Điều 64 Thông tư 39 quy định “Chậm nhất 30 ngày kể từ ngày hợp đồng gia công kết thúc hoặc hết hiệu lực tổ chức cá nhân phải thực hiện các thủ tục giải quyết nguyên liệu, vật tư dư thừa, phế liệu, phế phẩm, máy móc thiết bị thuê mượn và sản phẩm gia công theo quy định tại khoản 2 Điều này...” Hết thời hạn nêu trên, Chi cục Hải quan nơi làm thủ tục quyết toán thực hiện lập Biên bản vi phạm để xử lý theo quy định.
Chi cục Hải quan quản lý hàng đầu tư cho rằng, theo quy định trên, doanh nghiệp không phải thông báo cho cơ quan Hải quan việc xử lý nguyên nguyên liệu, vật tư dư thừa, phế liệu, phế phẩm, máy móc thiết bị thuê mượn và sản phẩm gia công khi hợp đồng gia công kết thúc hoặc hết hiệu lực.
Tuy nhiên, do hiện nay Hệ thống xử lý dữ liệu của cơ quan Hải quan chưa có chức năng cảnh báo khi hợp đồng gia công hết hạn, cũng không có chức năng tra cứu được hợp đồng gia công theo mã số doanh nghiệp, công chức hải quan phải theo dõi thủ công và trường hợp doanh nghiệp cố tình không xử lý nguyên liệu vật tư dư thừa khi được mời lên xử lý, doanh nghiệp giải trình là nguyên liệu vật tư dư thừa bằng 0 cũng không có cơ sở xử lý vi phạm.
Một số doanh nghiệp có hợp đồng gia công đã hết hiệu lực trước ngày Thông tư số 39/2018/TT-BTC có hiệu lực, không truyền lại được hợp đồng để lấy số tiếp nhận để khai báo khi mở tờ khai xuất chuyển tiếp.
Tại tiết a điểm 2 khoản 36 Điều 1 Thông tư 39/2018/TT-BTC về khai số tiếp nhận hợp đồng gia công trên tờ khai xuất khẩu, tờ khai nhập khẩu tại ô “Giấy phép nhập khẩu, nhưng doanh nghiệp không thực hiện được vì trên phần mềm chưa có trường để khai báo số tiếp nhận HĐ. Được biết Công ty cung cấp phần mềm cho doanh nghiệp chưa cập nhật tiêu chí này…
Ông Võ Văn Bông, Chi cục trưởng Chi cục Hải quan quản lý hàng đầu tư cho biết, hiện nay có khoảng 2.500 DN FDI làm thủ tục XNK hàng hóa thường xuyên thông qua chi cục, với 23 loại hình hàng hóa XNK khác nhau, lượng tờ khai hải quan phát sinh mỗi năm gần 100.000 tờ khai.
Trong thời gian qua, Chi cục Hải quan quản lý hàng đầu tư đã có nhiều chương trình cải cách thủ tục, hỗ trợ DN FDI trong việc tiếp cận, nắm bắt cụ thể các văn bản, chính sách mới để thực hiện cho đúng, tránh sai sót. Đối với các văn bản mới vừa có hiệu lực thi hành, như: Nghị định 59, Thông tư 39 với nhiều nội dung mới sẽ tác động đến hoạt động đến hoạt động XNK của DN, ngoài việc đề nghị các DN cần nghiên cứu kỹ và áp dụng cho đúng, CBCC hải quan trong đơn vị được tập huấn, nghiên cứu kỹ lưỡng để thực hiện, hướng dẫn doanh nghiệp.