Đến 2025, tỷ lệ hài hòa của hệ thống tiêu chuẩn quốc gia so với với quốc tế đạt 65%
Theo Quyết định số 1322/QĐ-TTg về việc phê duyệt Chương trình quốc gia hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hóa giai đoạn 2021 – 2030 (chương trình), mục tiêu giai đoạn 2021 – 2025 tỷ lệ hài hòa của hệ thống tiêu chuẩn quốc gia với quốc tế và khu vực đạt 65%.
Chương trình đặt ra mục tiêu chung cho cả giai đoạn 2021-2030 là hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hóa trên cơ sở áp dụng các giải pháp về tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, hệ thống quản lý, công cụ cải tiến năng suất chất lượng. Qua đó, góp phần nâng tỷ trọng đóng góp của năng suất các nhân tố tổng hợp vào tăng trưởng kinh tế, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế.
Về mục tiêu cụ thể, giai đoạn 2021 – 2025, tỷ lệ hài hòa của hệ thống tiêu chuẩn quốc gia với tiêu chuẩn quốc tế, tiêu chuẩn khu vực đạt khoảng 65%. Đào tạo, chứng nhận đạt tiêu chuẩn cho khoảng 600 chuyên gia năng suất chất lượng tại các bộ, cơ quan, địa phương và doanh nghiệp.
Trong khi đó, đối với giai đoạn 2026 – 2030, tỷ lệ hài hòa của hệ thống tiêu chuẩn quốc gia với tiêu chuẩn quốc tế, tiêu chuẩn khu vực đạt 70 – 75%. Đồng thời, thực hiện đào tạo, chứng nhận đạt tiêu chuẩn cho khoảng 1.000 chuyên gia năng suất chất lượng, trong đó có khoảng 200 chuyên gia được chứng nhận đạt trình độ khu vực và quốc tế.
Bên cạnh đó, trong giai đoạn 2021 – 2030, số doanh nghiệp được hỗ trợ các giải pháp nâng cao năng suất và chất lượng hàng năm tăng từ 10 – 15%, trong đó, số giấy chứng nhận Hệ thống quản lý chất lượng ISO 9001 và số giấy chứng nhận Hệ thống quản lý môi trường ISO 14001 cấp cho doanh nghiệp tăng ít nhất 10% so với giai đoạn 2011-2020. Đồng thời, có ít nhất 100 doanh nghiệp được hướng dẫn áp dụng đồng bộ các giải pháp nâng cao năng suất chất lượng, trở thành mô hình điểm để chia sẻ, nhân rộng trên toàn quốc.
Để thực hiện được các mục tiêu này, ngoài việc hoàn thiện cơ chế, chính sách, chương trình sẽ tập trung tăng cường công tác thông tin, truyền thông; hỗ trợ doanh nghiệp áp dụng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, hệ thống quản lý, công cụ cải tiến năng suất chất lượng, công cụ hỗ trợ cho sản xuất thông minh, dịch vụ thông minh. Song song với đó, thực hiện đào tạo nguồn nhân lực cho hoạt động nâng cao năng suất chất lượng; tăng cường năng lực hoạt động tiêu chuẩn hóa và đánh giá sự phù hợp với tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật; đẩy mạnh hợp tác quốc tế về năng suất chất lượng.
Nguồn kinh phí thực hiện chương trình bao gồm nguồn vốn ngân sách nhà nước và các nguồn vốn huy động hợp pháp khác.