Địa phương cần phải xây dựng lại năng lực quản lý nợ

Minh Hà

Tại Hội thảo Cơ chế cho vay lại vốn nước ngoài của Chính phủ đối với Ủy ban Nhân dân cấp tỉnh diễn ra sáng 10/12/2015, các đại biểu, diễn giả cho rằng, cần có chế cho vay lại nguồn vốn nước ngoài đối với các địa phương thay vì hơn 92% nguồn vốn vay nước ngoài của Chính phủ cho địa phương theo hình thức cấp phát và địa phương coi đây là nguồn vốn cho không. Điều này dẫn tới thực trạng một số địa phương thiếu ý thức giám sát, đầu tư dàn trải, thiếu ưu tiên và hiệu quả chưa cao.

Qua hội thảo này vấn đề cơ chế cho vay lại vốn nước ngoài của Chính phủ đối với Ủy ban nhân dân cấp tỉnh hy vọng sẽ được cải thiện nếu các địa phương vay lại vốn nước ngoài của Chính phủ và chịu trách nhiệm trả nợ theo cam kết với nhà tài trợ.

Hơn 90% vốn nước ngoài tại địa phương theo hình thức cấp phát

Báo cáo tham luận tại Hội thảo, bà Nguyễn Xuân Thảo, Phó Cục trưởng Cục Quản lý Nợ và Tài chính đối ngoại (Bộ Tài chính) cho biết, có tới 92,15% vốn nước ngoài tại địa phương theo hình thức cấp phát.

Địa phương cần phải xây dựng lại năng lực quản lý nợ - Ảnh 1

Ông Trương Hùng Long - Cục trưởng Cục Quản lý nợ và tài chính đối ngoại phát biểu khai mạc Hội thảo. Ảnh: Văn Trường

Theo bà, hiện nay, hiệu quả đầu tư chưa cao, hầu hết địa phương đăng ký thực hiện không đủ vốn đối ứng, thời gian dự án kéo dài từ 8-10 năm thậm chí có dự án phải mất 12 năm mới hoàn thành. Thêm vào đó, có tới 90% dự án phải gia hạn ít nhất 1 lần, kéo theo nhiều chi phí về trượt giá giải phóng mặt bằng, quy hoạch thay đổi, thiết kế thay đổi, chi phí tư vấn đầu tư dự án nói chung phát sinh lớn, đội vốn lớn… Như vậy, hiệu quả đầu tư của các nguồn vốn vay là chưa cao trong khi cam kết trả nợ thì vẫn phải thực hiện đúng hạn.

Sự thiếu giám sát chính quyền địa phương vì đây là nguồn chưa tính đủ vào trợ cấp cân đối nên địa phương coi là nguồn cho không; một số địa phương chưa ý thức được đây là vay với chi phí vay đắt, nên tranh thủ đăng ký càng nhiều càng tốt…

Bà Thảo cũng cho biết thêm, tình hình nợ công đang tăng, năm 2014 là 59,6% GDP trong khi nhu cầu đầu tư dự án lại lớn, nên chúng ta phải tiếp tục vay cho các dự án trọng điểm quốc gia với quy mô vốn lớn như đường sắt cao tốt Bắc Nam, sân bay Long Thành, dự án điện lớn… Chỉ số trả nợ do Chính phủ vay so với thu NSNN sắp chạm ngưỡng an toàn (25%).

Trong giai đoạn 2004-2014, tổng nguồn vốn vay ODA là 45 tỷ USD trong đó vốn cho địa phương là 15,51 tỷ USD. Trong số này, 38% vốn dành cho dự án cơ sở hạ tầng, 35% cho dự án phát triển đô thị, 23% cho dự án giảm nghèo và 4% với các dịch vụ xã hội.

Đưa ra nhận định về tình hình huy động vốn vay nước ngoài cho các địa phương, theo bà Thảo, bài toán nguồn vốn đầu tư của địa phương phải xử lý bằng việc huy động vốn. Chỉ một số địa phương có nguồn thu khá là có khả năng huy động vốn qua phát hành trái phiếu chính quyền địa phương. Vay lại vốn ODA, vốn vay ưu đãi của Chính phủ có điều kiện ưu đãi hơn so với huy động vốn vay thương mại.

Địa phương cần phải xây dựng lại năng lực quản lý nợ - Ảnh 2

Các diễn giả, đại biểu tham dự Hội thảo. Ảnh: Văn Trường

Trước thực trạng này, bà Thảo cho rằng, cần triển khai cải cách chính sách cho vay lại chính quyền địa phương. Tuy nhiên, về vấn đề này, có 2 nhóm ý kiến: một là ủng hộ việc tăng cường cho vay lại, gắn quyền của địa phương trong việc quyết định đầu tư với trách nhiệm tài chính khi huy động vốn; nhóm kiến nghị thứ hai giữ nguyên cơ chế trước đây, kiến nghị ngân sách Trung ương hỗ trợ cả vốn vay nước ngoài, vốn đối ứng, vốn giải phóng mặt bằng.

Cơ chế cho vay lại cần có tiêu chí rõ ràng

Đồng tình với nhóm quan điểm trên, bà Vũ Hoàng Quyên, Chuyên gia kinh tế cao cấp của Ngân hàng Thế giới (WB) mong muốn, cần có cơ chế rõ ràng, được thể chế hóa cho giai đoạn sắp tới để WB lên kế hoạch trung hạn cho phía Việt Nam. Theo bà, cơ chế cho vay lại mới cần đảm bảo có bộ tiêu chí phân bổ, tỷ lệ giữa cấp phát và cho vay lại minh bạch và có tính dự đoán cao cho cả một thời kỳ.

Gợi ý về tiêu chí phân bổ, bà Quyên cho rằng, các đại phương có khả năng nên chủ động ngân sách, ít trông chờ vào nguồn bổ sung Trung ương sẽ phải vay lại vốn nước ngoài của Chính phủ cao. Với 1 số địa phương, tỷ lệ vay lại có thể lên tới 100%. Với các địa phương khó khăn hơn, bà Quyên cho rằng, tỷ lệ cấp phát có thể vẫn chiếm 70-90%, còn lại là phần vay lại của Chính phủ.

Đánh giá rủi ro tín dụng đầy đủ, đồng thời xác định các điều khoản và điều kiện cho vay lại, theo đại diện WB, nguyên tắc là toàn bộ chi tiêu phải nằm trong dự toán được phân bổ đồng tiền, lãi suất, kỳ hạn, giai đoạn ân hạn, thế chấp và bảo lãnh…

Nêu ý kiến tại Hội thảo, ông Lê Hải Mơ, Phó Viện trưởng Viện Chiến lược và Chính sách Tài chính góp ý, kỳ hạn trả nợ của các địa phương nên sớm hơn 1 bước so với cam kết của Chính phủ với nước ngoài. Đây là vấn đề theo ông giúp Chính phủ có điều kiện xử lý và trả nợ đúng hạn.

Bên cạnh đó, theo ông Mơ, cơ quan chức năng trước khi cho vay lại vốn nước ngoài phải xác định thật cẩn thận tính cấp thiết của dự án, mức vốn, nhu cầu và khả năng trả nợ của địa phương để đảm bảo nguồn vốn thật hiệu quả.

Để hoàn thiện cơ chế này, thời gian tới, cơ quan chức năng sẽ vừa làm vừa đánh giá tác động tới Trung ương cũng như địa phương theo các tiêu chí phân bổ giữa cấp phát và cho vay lại./.

Trong giai đoạn 2004-2014, tổng nguồn vốn vay ODA là 45 tỷ USD trong đó vốn cho địa phương là 15,51 tỷ USD. Trong số này, 38% vốn dành cho dự án cơ sở hạ tầng, 35% cho dự án phát triển đô thị, 23% cho dự án giảm nghèo và 4% với các dịch vụ xã hội.