Nợ công đang được kiểm soát theo lộ trình

PV.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng đã khẳng định như vậy trong phiên chất vấn sáng 17/11 của Quốc hội.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng trả lời chất vấn trước Quốc hội sáng ngày 17/11. Nguồn: internet
Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng trả lời chất vấn trước Quốc hội sáng ngày 17/11. Nguồn: internet

Cơ cấu theo hướng tích cực

Theo Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng, một trong những yếu tố tác động làm nợ công tăng lên thời gian qua đó là do ảnh hưởng của khủng hoảng kinh tế toàn cầu, giá dầu thô thế giới giảm mạnh. Thêm vào đó, Việt Nam lại đang tiến hành tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước và ngân hàng thương mại, thực hiện cắt giảm thuế quan theo lộ trình quốc tế cũng làm giảm thu ngân sách so với giai đoạn 2008-2010.

Tỷ lệ chi thường xuyên hiện nay vẫn lớn cũng là nhân tố ảnh hưởng đến chi phát triển và trả nợ. Giai đoạn 2011-2015, nhu cầu chi ngân sách tăng mạnh nhằm đảm bảo mục tiêu an sinh xã hội mặc dù kinh tế khó khăn. Chi cho an sinh xã hội vẫn tăng 18% /năm, gần gấp đôi tỉ lệ tăng thu; tăng chi cho quốc phòng, an ninh cũng gây áp lực cân đối ngân sách. Hơn nữa, biến động tỷ giá và kế hoạch phát hành trái phiếu 390 ngàn tỷ (thêm 170 ngàn tỷ so với kế hoạch), tăng gấp 3 lần giai đoạn 2006-2010 cũng tạo áp lực cho nợ công.

Tuy nhiên, nợ công thời gian qua đã được cơ cấu lại khi vay trong nước từ 39% năm 2011 tăng lên 57,1% năm 2015 và vay nước ngoài giảm còn hơn 42%. Đối chiếu 6 chỉ tiêu đánh giá an toàn nợ công (nợ công/GDP; nợ Chính phủ/GDP; nợ nước ngoài/GDP; bù đắp bội chi; trái phiếu chính phủ và nghĩa vụ nợ Chính phủ trực tiếp so với thu ngân sách), Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cho biết, nợ công hiện nay có 5 chỉ tiêu đạt theo yêu cầu và chỉ có 1 chỉ tiêu không đạt đó là bù đắp bội chi khi vượt mục tiêu đặt ra là 5%.

Quản lý chặt chẽ nợ công

Tại phiên chất vấn, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng khẳng định, thời gian tới sẽ tiếp tục tăng cường quản lý và sử dụng hiệu quả nguồn vốn vay, thực hiện triệt để kiểm tra, kiểm soát sử dụng vốn vay, đảm bảo chất lượng công trình.

Theo đó, từng bước cơ cấu lại nợ công theo hướng tăng tỷ trọng vay dài hạn, tăng vay trong nước; đẩy mạnh triển khai nghiệp vụ quản lý và xử lý rủi ro, tăng tính thanh khoản và thúc đẩy phát triển thị trường trái phiếu Chính phủ, rà soát thể chế văn bản pháp luật có liên quan đến nợ công.

Đồng thời, quản lý chặt chẽ các khoản vay có bảo lãnh theo hướng siết chặt bảo lãnh, không mở thêm và chọn lọc mục tiêu để ưu tiên. Thực hiện cho vay lại theo hướng tăng dần tỷ lệ cho vay lại, tăng cường trách nhiệm của địa phương trong quản lý sử dụng vốn vay và công trình, giảm cấp phát.

Chính phủ sẽ quản lý chặt chẽ nợ công, đặc biệt là vay mới. Nguồn vốn này sẽ được chi cho đầu tư phát triển, cho công trình thiết yếu theo quy hoạch. Phấn đấu đến năm 2020, nợ công còn khoảng 58% GDP (đỉnh nợ công sẽ khoảng 64% năm 2017).