Điểm lại tin tức tài chính - kinh tế nổi bật trong nước tuần qua

PV. (Tổng hợp)

Tạp chí điện tử Tài chính điểm tin kinh tế - tài chính nổi bật trong nước tuần từ 03-07/9/2018. Trong đó, quyết định của liên Bộ Công Thương - Tài chính tiếp tục giữ nguyên mức trích lập và tăng chi Quỹ Bình ổn giá xăng dầu; Tăng trưởng tín dụng trong những tháng còn lại của năm là 8,47%; Đến năm 2020, tỷ lệ nợ xấu còn 3% tổng dư nợ... là những tin tức nổi bật thu hút được sự chú ý của độc giả.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Năm 2018, có thể đạt và vượt 12/12 chỉ tiêu Quốc hội giao

Tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 8 diễn ra ngày 30/8, Thủ tướng Chính phủ cho biết, qua phân tích 12/12 chỉ tiêu Quốc hội giao năm 2018 có thể đạt và vượt. GDP có thể đạt trên 6,7%; Thu ngân sách vượt dự toán 3 - 5%; Nợ công giảm, lạm phát dưới 4%. CPI bình quân 8 tháng năm 2018 tăng 3,52% so với bình quân cùng kỳ năm 2017

Tiếp tục giữ nguyên mức trích lập và tăng chi Quỹ Bình ổn giá xăng dầu 

Ngày 06/9, Liên Bộ Công Thương - Tài chính quyết định tiếp tục giữ nguyên mức trích lập và tăng chi Quỹ Bình ổn giá xăng dầu, đồng thời tăng giá xăng thêm 300 đồng/ lít và tăng giá các loại dầu từ 173 đồng/kg đến 383 đồng/lít.

Sau khi thực hiện trích lập và chi sử dụng Quỹ Bình ổn giá xăng dầu, giá bán các mặt hàng xăng dầu tiêu dùng phổ biến trên thị trường không cao hơn mức giá: Xăng E5 RON92 là 19.911 đồng/lít; xăng RON95-III là 21.477 đồng/lít; dầu diesel 0.05S là 18.069 đồng/lít; dầu hỏa là 16.559 đồng/lít; Dầu mazut 180CST 3.5S là 14.916 đồng/kg.

Theo Báo cáo của Nikkei, chỉ số PMI toàn phần lĩnh vực sản xuất Việt Nam đạt 53,7 điểm trong tháng 8. Mặc dù các điều kiện kinh doanh tiếp tục được cải thiện, nhưng chỉ số tháng 8 lại giảm so với tháng 7 (54,9 điểm). Việt Nam tiếp tục dẫn đầu bảng xếp hạng PMI ngành sản xuất ASEAN trong tháng 8, bảo toàn thứ hạng của 3 tháng trước đó.

Theo ông Andrew Harker, Phó giám đốc IHS Markit-đại diện Công ty thu thập kết quả khảo sát chỉ số Nhà quản trị mua hàng toàn phần lĩnh vực sản xuất (PMI) của Nikkei, tốc độ tăng trưởng của lĩnh vực sản xuất đang chậm lại khi sản lượng và việc làm tăng chậm hơn so với tháng 7. “Những quan ngại về dòng chảy thương mại quốc tế có thể bắt đầu ảnh hưởng đến các công ty Việt Nam trong những tháng tới”, ông Andrew Harker cảnh báo.

Đến năm 2020, tỷ lệ nợ xấu còn 3% tổng dư nợ

Tính từ năm 2012 - 6/2018, hệ thống ngân hàng và tổ chức tín dụng đã xử lý được 785.930 tỷ đồng nợ xấu; Riêng 6 tháng đầu năm 2018 xử lý đạt khoảng 58.800 tỷ đồng, chủ yếu do các tổ chức tín dụng tự xử lý với 56.740 tỷ đồng.

Đặc biệt, sau một năm thực hiện Nghị quyết số 42 của Quốc hội, 138.290 tỷ đồng nợ xấu đã được xử lý. Tỷ lệ nợ xấu theo báo cáo của các tổ chức tín dụng chỉ còn nhỉnh hơn 2%. Tuy nhiên, nợ ngoại bảng (gồm nợ tại VAMC, nợ tiềm ẩn có thể trở thành nợ xấu...) vẫn ở mức cao, chiếm khoảng 6,6% tổng dư nợ. Ngân hàng Nhà nước đặt mục tiêu giảm tỷ lệ nợ xấu xuống dưới 3% vào năm 2020 (từ mức khoảng 6,6% nói trên).

2 kịch bản tăng trưởng tín dụng trong những tháng cuối năm

Công ty cổ phần Chứng khoán TP. Hồ Chí Minh - HSC tính toán tăng trưởng tín dụng trong những tháng còn lại của năm là 8,47%. Theo đó, HSC đưa ra hai kịch bản, đó là:

Kịch bản một: Tăng trưởng tín dụng đạt khoảng 16 - 17%. Tại kịch bản này, tăng trưởng GDP quý III giảm tốc so với quý II, trong khi  lạm phát dao động ở mức 4%. Ngân hàng Nhà nước buộc phải đẩy mạnh tăng trưởng tín dụng trong quý 4;

Kịch bản hai: Tăng trưởng tín dụng đạt 14 - 16%. Ở kịch bản này, tăng trưởng GDP quý III  tương đương quý II, trong khi  CPI tăng vượt 4%. Ngân hàng Nhà nước tiếp tục kiểm soát tăng trưởng tín dụng.