Điểm nhấn hiện đại hóa Hải quan và doanh nghiệp ưu tiên
Ngày 22/2, ngày làm việc thứ hai của Cuộc họp Nhóm Tiểu ban thủ tục hải quan (SCCP) APEC 2017. Trong buổi làm việc này, các đại biểu đến từ 21 nền kinh tế thành viên sẽ tiếp tục trình bày và đề xuất những giải pháp tạo thuận lợi thương mại (TFA) và đảm bảo an ninh khu vực, trong đó chủ đề về hệ thống thông quan tự động VNACCS/ VCIS và DN ưu tiên (AEO) được phần lớn các đại biểu quan tâm.
Cụ thể, với 2 vấn đề ưu tiên trong năm APEC 2017 bao gồm: Đảm bảo an ninh thương mại trong kết nối chuỗi cung ứng và tạo thuận lợi thương mại thông qua tăng cường triển khai và hoàn thiện kết nối cơ chế một cửa, ngày làm việc thứ hai của SCCP APEC 2017 được đánh giá là một ngày “bận rộn” nhất trong phiên họp SCCP APEC 2017 với nhiều bài phát biểu và tham luận về 2 vấn đề này tới từ 9/21 nền kinh tế thành viên, bao gồm: Việt Nam, Philippines, Nhật Bản, Đài Loan, Indonesia, Hoa Kỳ, Nga, Chile, New Zealand và đại diện WCO ông Toshihiko Osawa.
Về vấn đề ưu tiên thứ nhất là đảm bảo an ninh thương mại, dự kiến đại diện chủ nhà Việt Nam sẽ có bài phát biểu về việc kiểm soát và nâng cao hoạt động chống buôn lậu, gian lận thương mại; đại diện Hải quan Nhật Bản sẽ có bài tham luận về quản lý rủi ro trong các chuyến bay dựa trên hồ sơ hành khách (PNR) và Hải quan Đài Loan sẽ giới thiệu về các giải pháp nhằm quản lý khu vực biên giới.
Đối với ưu tiên thứ hai, đó là tạo thuận lợi thương mại. Đoàn Hải quan Việt Nam sẽ lần lượt trình bày về hệ thống VNACCS/ VCIS, cơ chế một cửa và một số sáng kiến trong việc hỗ trợ các doanh nghiệp xuất, nhập khẩu. Đáng chú ý, đoàn Hải quan Philippines sẽ trình bày về những điểm mới trong việc áp dụng chương trình DN ưu tiên (AEO).
Đây cũng chính là điều mà nhiều đại biểu quan tâm để tạo thuận lợi tối ưu cho các DN của mình. Hải quan Nga và Chile đồng thời giới thiệu về hệ thống trao đổi thông tin điện tử C2C với các nền kinh tế thành viên APEC.
Trước đó, ngày 21/2, trao đổi với phóng viên Báo Hải quan bên lề Cuộc họp SCCP APEC 2017, đại diện của Hải quan Nhật Bản, Giám đốc Ủy ban hợp tác khu vực, ông Tadatsugu Toni-Matsudaira thể hiện sự ủng hộ tuyệt đối trong việc tạo thuận lợi thương mại thông qua cơ chế một cửa quốc gia và hệ thống VNACCS/ VCIS mà Hải quan Nhật Bản đã hỗ trợ Việt Nam.
Ông cho rằng, không chỉ đối với Nhật Bản, mà tất cả các nền kinh tế thành viên trong APEC đều quan tâm tới cơ chế một cửa, nhằm thúc đẩy thương mại diễn ra một cách nhanh chóng và chính xác; đồng thời tạo được sự kết nối, phối hợp chặt chẽ giữa các bộ, ngành; từ đó gây dựng niềm tin đối với các doanh nghiệp.
“Đó mới chính là thành công của cơ chế một cửa”, ông Tadatsugu Toni-Matsudaira nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, đại diện của WCO, ông Toshihiko Osawa cũng khẳng định: Mục tiêu chung của các nền kinh tế thành viên APEC là tạo thuận lợi thương mại một cách tối ưu và các nền kinh tế thành viên APEC cần có những giải pháp hiện đại hóa Hải quan để có thể tiến tới hiện thực hóa mục tiêu đó.