Điều chỉnh mức đóng bảo hiểm thất nghiệp đối với người sử dụng lao động

PV.

Ngày 07/04/2017, tại Nghị quyết số 34/NQ-CP, Nghị quyết phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 3/2017, Chính phủ đã đồng ý về xây dựng Nghị quyết của Quốc hội điều chỉnh mức đóng vào quỹ bảo hiểm thất nghiệp đối với người sử dụng lao động.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Cụ thể, Chính phủ đã thống nhất đề xuất điều chỉnh mức đóng bảo hiểm thất nghiệp đối với người sử dụng lao động quy định tại Điều 57 Luật việc làm từ 1% xuống còn 0,5% quỹ tiền lương tháng của những người lao động đang tham gia bảo hiểm thất nghiệp để tạo điều kiện phát triển doanh nghiệp.

Theo đó, về thời gian thực hiện việc điều chỉnh kể từ ngày Nghị quyết của Quốc hội điều chỉnh mức đóng vào Quỹ bảo hiểm thất nghiệp đối với người sử dụng lao động có hiệu lực thi hành đến hết ngày 31/12/2019.

Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp với Bộ Tư pháp, Văn phòng Chính phủ khẩn trương tiếp thu ý kiến Chính phủ, hoàn tất thủ tục xây dựng Nghị quyết của Quốc hội điều chỉnh mức đóng vào Quỹ bảo hiểm thất nghiệp đối với người sử dụng lao động.

Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội thừa ủy quyền Thủ tướng Chính phủ, thay mặt Chính phủ trình Quốc hội Nghị quyết trên.

Trước đó, Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội (LĐ-TB-XH) cũng đang lấy ý kiến về việc điều chỉnh mức đóng vào Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp đối với người sử dụng lao động từ 1% xuống còn 0,5% quỹ tiền lương tháng.

Bộ LĐ-TB&XH cũng đưa ra 2 phương án giảm đóng quỹ Bảo hiểm thất nghiệp như sau: Một là, giảm mức đóng Bảo hiểm thất nghiệp từ mức 1% xuống mức 0,5% đối với người sử dụng lao động. Hai là, giảm mức đóng Bảo hiểm thất nghiệp từ 1% xuống mức 0,5% đối với người sử dụng lao động nhưng trong một giai đoạn nhất định.

Theo nội dung Tờ trình Quốc hội của Chính phủ, Luật Việc làm có hiệu lực từ ngày 1/1/2015 mở rộng đối tượng tham gia Bảo hiểm thất nghiệp nên số người tham gia Bảo hiểm thất nghiệp năm sau cao hơn năm trước, đảm bảo chỉ tiêu kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao.

Cụ thể, năm 2015 đã tăng 11,8% so với năm 2014, năm 2016 tăng 7,3% so với năm 2015 và vẫn có xu hướng tăng nhưng tỉ lệ tăng sẽ không cao ở những năm tiếp theo. Kết dư của Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp lớn nên năm 2015, 2016 và một số năm tiếp theo, Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp không có sự hỗ trợ từ ngân sách Nhà nước mà tổng thu Bảo hiểm thất nghiệp trong năm chỉ bao gồm phần đóng của người lao động và người sử dụng lao động theo quy định.

Theo quy định hiện hành, ngân sách nhà nước hỗ trợ cho Quỹ bảo hiểm thất nghiệp tối đa 1% quỹ tiền lương tháng đóng bảo hiểm thất nghiệp của những người lao động đang tham gia bảo hiểm thất nghiệp khi kết dư Quỹ bảo hiểm thất nghiệp thấp hơn 2 lần tổng chi bảo hiểm thất nghiệp của năm trước liền kề.

Ước kết dư Quỹ bảo hiểm thất nghiệp tính đến cuối năm 2016 là 56.486 tỉ đồng, dự báo đến năm 2020, Quỹ bảo hiểm thất nghiệp vẫn bảo đảm an toàn.

Như vậy, nhằm tạo điều kiện cho doanh nghiệp nâng cao khả năng cạnh tranh, tạo điều kiện để phát triển doanh nghiệp thì việc điều chỉnh mức đóng vào Quỹ bảo hiểm thất nghiệp là điều cần thiết.