“Điều chỉnh rút vốn là cần thiết”
Trao đổi với báo chí về việc thoái hết phầnvốn nhà nước tại một số doanh nghiệp lớn, Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính- Ngân sách của Quốc hội, ông Bùi Đức Thụ cho rằng, với tinh thần đổi mới, Nhà nước là kiến tạo và bà đỡ cho sự phát triển thì việc điều chỉnh rút vốn ra là cần thiết.
Phóng viên: Chính phủ vừa cho phép Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) chọn thời gian thích hợp, báo cáo Thủ tướng xem xét, quyết định việc thoái hết vốn tại 10 DN lớn trong đó có Công ty Cổ phần Sữa Việt Nam - Vinamilk, Công ty Cổ phần Viễn thông FPT... Ông bình luận gì về việc thoái hết toàn bộ vốn tại các DN này?
Ông Bùi Đức Thụ, Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính- Ngân sách của Quốc hội: Một trong những nhiệm vụ của Nhà nước phải là bà đỡ cho cái mới phát triển và Nhà nước của chúng ta là Nhà nước kiến tạo để xác lập những điều kiện tiền đề cho DN, cá nhân đầu tư phát triển kinh tế- xã hội chứ không làm thay việc của DN, hay của cá nhân. Trong điều kiện phát triển kinh tế đất nước, đối với những lĩnh vực các tổ chức, cá nhân chưa làm thì vì lợi ích chung phát triển bền vững lâu dài thì Nhà nước phải làm.
Trên tinh thần đó, một số lĩnh vực như Công ty Vinamilk phát triển tương đối tốt thì đặt ra vấn đề là Nhà nước có cần tiếp tục đầu tư hay không? Với tinh thần đổi mới, Nhà nước là kiến tạo và bà đỡ cho sự phát triển như tôi đã nói ở trên thì việc điều chỉnh rút vốn ra cũng là cần thiết.
Còn đối với những ngành nghề chúng ta có lợi thế nhưng chưa phát triển thì Nhà nước cần có cơ chế, thậm chí đầu tư để thúc đẩy, xốc lại sự sự phát triển để đảm bảo cân đối và khai thác hiệu quả các nguồn lực trong nền kinh tế.
Trong bối cảnh các cơ quan chủ quản, rút vốn khỏi DNNN thì Tổng Công ty Đầu tư và kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) sẽ đại diện sử dụng vốn Nhà nước đầu tư sinh lời. Xu hướng thời gian tới SCIC cần tập trung đầu tư vào các ngành mang lại giá trị cao, hay chỉ tập trung vào lĩnh vực trọng yếu của nền kinh tế?
SCIC quản lý vốn đầu tư của Nhà nước vào sản xuất kinh doanh, tuy nhiên thực tiễn thời gian qua phần vốn Nhà nước đầu tư vào sản xuất kinh doanh do SCIC nắm giữ chiếm tỷ trọng rất nhỏ. Phần lớn vốn Nhà nước đầu tư vào các tập đoàn, tổng công ty lớn, Nhà nước giao vốn đó cho các tập đoàn, tổng công ty dẫn đến việc cổ phần hóa các DN thành viên; vẫn để lại phần vốn của các DN con của các tập đoàn, tổng công ty cho các tập đoàn, tổng công ty tiếp tục tái đầu tư.
Đối với SCIC, chỉ CPH sắp xếp đổi mới DN, thu lại một phần vốn phần lớn chủ yếu của các DN vừa và nhỏ, các DN địa phương nộp về nên vị trí vai trò của SCIC trong quản lý vốn Nhà nước đầu tư vào DN chiếm tỷ trọng nhỏ.
Mô hình hoạt động của SCIC tôi cho rằng cần phải rà soát lại điều chỉnh cho phù hợp thực tiễn. Có 2 quan điểm: Một là, SCIC phải hoạt động có hiệu quả, vốn Nhà nước giao cho SCIC chỉ tập trung đầu tư vào những DN có hiệu quả để bảo tồn nhân vốn lên. Hai là, đối với SCIC nhiệm vụ chính là công cụ của Nhà nước để điều hành nền kinh tế vì sự phát triển ổn định lâu dài. Do vậy, đối với DN hoạt động có hiệu quả thì không nhất thiết phải đầu tư mà phải thoái vốn vì nhà nước là bà đỡ, kiến tạo cho sự phát triển thì tập trung vào những ngành có lợi thế nhưng chưa phát triển, còn các lĩnh vực thành phần kinh tế tư nhân đầu tư thì nhà nước nên rút ra.
Hai quan điểm này cần phải thảo luận làm rõ để có định hướng đổi mới trong giai đoạn tới để hoàn thiện mô hình quản lý kinh tế tài chính nói chung.
Tổng Công ty bia- rượu- nước giải khát Sài Gòn (Sabeco) hiện có nhà đầu tư Thái Lan muốn trở thành đối tác chiến lược. Trên Cổng Thông tin của Chính phủ đã đăng một số ý kiến cho rằng không nên bán cho nhà đầu tư nước ngoài vì lĩnh vực đó người Việt Nam có thể làm chủ được thì nên bán cho nhà đầu tư trong nước thay bằng bán vốn cho nhà đầu tư chiến lược nước ngoài. Ông nhận xét như thế nào về vấn đề này?
CPH là xu hướng chung cần thiết phải đẩy mạnh. Vấn đề CPH, huy động vốn đối với tổ chức cá nhân trong nước hay nhà đầu tư nước ngoài thì hiện đã có quy định, xác định thị phần của nhà đầu tư nước ngoài đối với một số ngành, lĩnh vực. Vấn đề còn lại là để đảm bảo lãnh đạo quản lý giỏi kinh tế đất nước thì Chính phủ cần rà soát các ngành nghề, lĩnh vực cần khống chế tỷ lệ phát hành cổ phiếu ra nước ngoài cho phù hợp.
Trường hợp Tổng Công ty bia-rượu-giải khát Sài Gòn cũng cần làm rõ vấn đề đó, cần huy động vốn trong nước hay nước ngoài. Nếu để huy động thêm nguồn lực ngoài nước thu hút đầu tư vào trong nước, mà lĩnh vực này không cần nhà nước điều phối thì có thể mở rộng và phát hành ra nước ngoài. Còn nguyên tắc bán cổ phiếu là cạnh tranh trên thị trường chứng khoán. Trước hết cần căn cứ vào chính sách của mình, phải xác định tỷ lệ chào bán nước ngoài, trên cơ sở đó thì thực hiện công khai trên thị trường chứng khoán để huy động tối đa các nguồn lực.
Thoái vốn tại Vinamilk hay Sabeco, có ý kiến lo ngại sẽ bị mất các thương hiệu Việt, thưa ông?
Bán một phần vốn của Nhà nước cho các DN trong, ngoài nước có tính đến thương hiệu không, tôi cho rằng, việc định giá thương hiệu đã có, thị trường chứng khoán không chỉ tính giá trị vật chất mà có cả thương hiệu. Đây là quy luật thị trường mà hiện tại chúng ta đã định giá nhiều thương hiệu lớn có giá trị cao.
Còn ý kiến sau khi bán phần vốn Nhà nước, thương hiệu có duy trì không? Theo quy định của pháp luật hiện hành thì người chủ sở hữu họ quyết định, còn nếu cần đổi tên thương hiệu mới mạnh hơn hay mới hơn thì đó là quyền của chủ đầu tư, Nhà nước không can thiệp vào cái đó.
Vấn đề đặt ra là có nên bán phần vốn Nhà nước tại các DN đang hoạt động có hiệu quả không, thưa ông?
Đây là chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước. Hiện vẫn có 2 quan điểm lớn. Vấn đề là cần thảo luận và thống nhất để đi đến lãnh đạo chỉ đạo.
Xin cảm ơn ông!