Điều hành chính sách tiền tệ linh hoạt, hỗ trợ tăng trưởng

PV.

Với hàng loạt các chính sách mới được ban hành trong thời gian qua, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) không những hướng đến các mục tiêu cơ bản của ngành như điều hành chính sách tiền tệ linh hoạt, hỗ trợ tăng trưởng, kiểm soát lạm phát...đồng thời góp phần tạo môi trường kinh doanh thuận lợi cho các doanh nghiệp.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Tích cực vào cuộc

Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ tại tại Nghị quyết số 35/NQ-CP về hỗ trợ và phát triển DN đến năm 2020, ban hành ngày 16/5/2016, đối với ngành Ngân hàng, Chính phủ yêu cầu NHNN Việt Nam chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, chặt chẽ, duy trì mặt bằng lãi suất thị trường ở mức hợp lý, đồng thời bảo đảm mục tiêu kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, góp phần tạo môi trường kinh doanh thuận lợi cho các DN.

Đặc biệt là, NHNN phải tiếp tục chỉ đạo các TCTD thực hiện một số giải pháp nhằm hỗ trợ DN, nhất là DNNVV tiếp cận vốn tín dụng… Thủ tướng Chính phủ cũng chỉ đạo NHNN xây dựng lộ trình báo cáo Thủ tướng, quyết tâm từ nay đến cuối năm đưa ra các kịch bản giảm lãi suất, tạo điều kiện cho DN phát triển.

Trong bối cảnh thị trường tài chính tiền tệ còn nhiều khó khăn, thách thức, ngành Ngân hàng đồng thời phải triển khai các nhiệm vụ vừa đảm bảo ổn định vĩ mô, kiểm soát lạm phát, vừa phải đảm bảo tăng tín dụng phù hợp để phục hồi các DN, cho vay ưu đãi một số chương trình tín dụng ưu đãi... Đây là bài toán khó đối với ngành nhưng bằng quyết tâm và nỗ lực của cả hệ thống, với việc ban hành một loạt văn bản mới cho thấy NHNN quyết tâm đạt được những mục tiêu Chính phủ giao.

Từ định hướng chung đó, thời gian qua, ngành Ngân hàng đã kịp thời ban hành nhiều cơ chế, chính sách trong quản lý, điều hành lĩnh vực tài chính tiền tệ.

Vừa qua, Thống đốc ban hành Chỉ thị số 04/CT-NHNN về một số giải pháp điều hành chính sách tiền tệ và hoạt động ngân hàng những tháng cuối năm 2016 để góp phần thực hiện các mục tiêu của Chính phủ tại Nghị quyết số 01/NQ-CP, Nghị quyết số 33/NQ-CP, Nghị quyết số 35/NQ-CP. Trong đó Thống đốc đưa ra những yêu cầu cụ thể cho từng khối đơn vị, từ các vụ, cục trực thuộc NHNN; các NHNNN chi nhánh tỉnh, thành phố đến các nhiệm vụ chủ yếu cho các TCTD…

Cụ thể, NHNN tiếp tục công bố tỷ giá trung tâm hằng ngày phù hợp với mục tiêu điều hành chính sách tiền tệ, thực hiện các giải pháp nhằm ổn định tỷ giá và thị trường ngoại tệ; triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm quản lý có hiệu quả thị trường ngoại hối, đảm bảo phù hợp với diễn biến kinh tế vĩ mô.

Thống đốc NHNN yêu cầu các đơn vị tại trụ sở chính của Ngân hàng Nhà nước bám sát diễn biến kinh tế vĩ mô, tiền tệ và hoạt động ngân hàng để điều hành đồng bộ, linh hoạt các công cụ chính sách tiền tệ; điều tiết chủ yếu thông qua nghiệp vụ thị trường mở, tái cấp vốn với thời hạn, khối lượng và lãi suất hợp lý để hỗ trợ thanh khoản và nguồn vốn cho các tổ chức tín dụng nhưng đảm bảo mục tiêu kiểm soát lạm phát.

Trong bối cảnh doanh nghiệp trong nước đang phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, Chỉ thị số 04/CT-NHNN như một công cụ đắc lực đối với hoạt động sản xuất - kinh doanh của doanh nghiệp. Với nhiều quy định “mở” tạo điều kiện tăng khả năng tiếp cận vốn của doanh nghiệp.

Theo đó, các tổ chức tín dụng chủ động cân đối giữa nguồn vốn và sử dụng vốn để đảm bảo thanh khoản, ổn định lãi suất huy động, thực hiện tiết giảm chi phí hoạt động, nâng cao hiệu quả kinh doanh để cóđiều kiện giảm lãi suất cho vay nhằm chia sẻ khó khăn với khách hàng vay nhưng đảm bảo an toàn tài chính trong hoạt động.

Đồng thời, chủ động nghiên cứu, xây dựng các chương trình cho vay với lãi suất hợp lý kết hợp với việc đổi mới quy trình cho vay theo hướng đơn giản hóa thủ tục vay vốn nhưng vẫn đảm bảo an toàn vốn vay và phù hợp với quy định của pháp luật, nâng cao khả năng thẩm định để rút ngắn thời gian giải quyết cho vay; phát triển, đa dạng hóa các sản phẩm, dịch vụ ngân hàng để đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp, nền kinh tế, tăng khả năng tiếp cận vốn của doanh nghiệp trên cơ sở các chương trình hỗ trợ doanh nghiệp của Chính phủ, các bộ ngành liên quan.

Cùng với đó NHNN ban hành Thông tư 06/2016/TT-NHNN sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 36/2014/TT-NHNN và Thông tư 07/2016/TT-NHNN sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 24/2015/TT-NHNN cũng tháo gỡ nhiều điểm, được dư luận và giới chuyên gia đánh giá cao.

Tạo "cú hích” cho hoạt động sản xuất kinh doanh

Trong bối cảnh tăng trưởng kinh tế trong những tháng đầu năm có dấu hiệu giảm so với năm 2015, kim ngạch xuất khẩu trong 5 tháng chỉ đạt 68 tỷ USD, tăng 7% so với cùng kỳ nhưng chưa đạt mục tiêu bình quân đề ra (tăng 10%). Do đó, bảo đảm sự phát triển đúng quỹ đạo của nền kinh tế trong những tháng còn lại của năm 2016 được Thủ tướng Chính phủ đặc biệt quan tâm và yêu cầu các bộ, ngành có hoạt động cụ thể, không được chung chung trong phiên họp Tổ điều hành kinh tế vĩ mô vừa qua. Trước yêu cầu cấp thiết đó, Thông tư 06 và 07 của NHNN quy định về các giới hạn, tỉ lệ bảo đảm an toàn của tổ chức tín dụng và quy định hoạt động cho vay bằng ngoại tệ của NHNN, nhất là Thông tư 07, đã tạo được tâm lý lạc quan cho hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Chuyên gia kinh tế Cấn Văn Lực (Ngân hàng BIDV) cho rằng, Thông tư 06 và 07 ra đời đã đáp ứng được kỳ vọng của doanh nghiệp (DN), của thị trường và các tổ chức tín dụng. Đặc biệt là Thông tư 07 quy định cho vay ngoại tệ từ ngày 1/6, góp phần hỗ trợ DN, đặc biệt là DN xuất khẩu, DN hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, là tín hiệu kịp thời góp phần bảo đảm mục tiêu tăng trưởng kinh tế của năm nay khoảng 6,7% như Quốc hội và Chính phủ đề ra.

Với Thông tư 07, NHNN đã mở lại một kênh vốn có lãi vay (khoảng 3%) thấp hơn nhiều so với vay VND để hỗ trợ DN và gián tiếp hỗ trợ cho các hộ dân trong chuỗi liên kết. Ngoài ra, với việc cho DN xuất khẩu vay ngoại tệ tạo ra chi phí vốn thấp cũng giảm bớt áp lực vay VND, nhờ vậy để có thể giảm lãi suất cho vay nói chung.

Trong khi đó, Tiến sĩ Lê Xuân Nghĩa, Giám đốc Viện Nghiên cứu phát triển doanh nghiệp (BDI) cho rằng việc cho vay ngoại tệ cần tuân thủ quy định của NHNN hiện nay. Ví dụ, DN có quyền vay ngoại tệ của ngân hàng thương mại (NHTM) nếu có nhu cầu. Còn các NHTM có quyền cho vay và tự chịu trách nhiệm về các khoản nợ ấy.

Trước những khó khăn và thách thức mà doanh nghiệp phải đối mặt, những chính sách mới ban hành của NHNN đã góp phần tạo động lực cho doanh nghiệp, tháo gỡ nút thắt về tiếp cận nguồn vốn, đảm bảo những điều kiện để đẩy mạnh sản xuất kinh doanh.

Ông Phạm Thắng, Giám đốc Công ty TNHH Cát Quế cho biết: “Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn vừa thông báo về chương trình cho vay ngoại tệ để thu mua nông sản. Công ty Cát Quế hiện đang vay hơn 400 tỷ đồng để đầu tư vào nông nghiệp với lãi suất 4,5%/năm. Nay được vay bằng ngoại tệ, quy đổi ra VND sẽ giúp chúng tôi và cả bà con nông dân giảm được chi phí vốn”.

Còn Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Cơ kim khí Thăng Long Phạm Hữu Hùng nhận xét: ngân hàng có động thái giảm lãi suất, mở lại tín dụng ngoại tệ cho doanh nghiệp xuất khẩu là một phần động lực để Công ty thực hiện các dự án đầu tư. “Với mức lãi suất hiện nay đã giảm, đặc biệt là cuộc gặp giữa Thủ tướng với doanh nghiệp cách đây 1 tháng là động lực lớn để chúng tôi xem xét, đầu tư, tiếp tục các dự án trong tương lai”, ông Hùng nhấn mạnh.