Điều hành giá các mặt hàng thiết yếu, ổn định thị trường giá cả năm 2023

Trần Huyền

Với nhiều biện pháp được triển khai đồng bộ, kịp thời, công tác điều hành giá, kiểm soát lạm phát năm 2022 đã đạt được mục tiêu đề ra. Tiếp nối thành công này, công tác điều hành giá sẽ tiếp tục được triển khai chủ động, linh hoạt, đặc biệt là điều hành giá các mặt hàng thiết yếu nhằm ổn định thị trường giá cả, kiểm soát lạm phát năm 2023.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Thành công trong điều hành giá, kiểm soát lạm phát năm 2022

Trong năm 2022, tình hình, bối cảnh thế giới và khu vực tiếp tục có nhiều biến động rất nhanh, phức tạp, khó lường; xuất hiện nhiều yếu tố mới, liên tục thay đổi, vượt ngoài dự báo của các tổ chức quốc tế và các nước. Bối cảnh này đã tác động mạnh đến tình hình kinh tế - xã hội của Việt Nam nói chung và đặt ra nhiều thách thức cho công tác quản lý, điều hành giá, kiểm soát lạm phát; đặc biệt là áp lực từ lạm phát chung trên thế giới và phản ứng thắt chặt chính sách tiền tệ của các nước.

Để chủ động ứng phó với áp lực lạm phát gia tăng, công tác quản lý điều hành giá đã được thực hiện thận trọng. Với vai trò Thường trực Ban Chỉ đạo điều hành giá,  Bộ Tài chính đã phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và các bộ, ngành liên quan chủ động tính toán và dự báo các yếu tố tác động đến lạm phát, xây dựng các kịch bản, giải pháp điều hành giá cả năm cũng như thường xuyên cập nhật theo sát tình hình thực tế báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đưa ra các giải pháp phù hợp để kiểm soát lạm phát.

Bộ Tài chính cũng đã phối hợp với các bộ, ngành kiến nghị các biện pháp quản lý, điều hành giá một số mặt hàng quan trọng, thiết yếu. Qua đó, góp phần ổn định mặt bằng giá cả, hạn chế những tác động tiêu cực đến phát triển kinh tế - xã hội.

Trong giai đoạn trước và sau Tết Nguyên đán 2022 là thời điểm giá cả thường có nhiều biến động theo quy luật hàng năm do nhu cầu tiêu dùng tăng cao. Trên cơ sở chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài chính đã bám sát diễn biến giá cả thị trường, thường xuyên đánh giá, dự báo cụ thể để có biện pháp quản lý, điều hành và bình ổn giá cả thị trường phù hợp, nhất là trong thời điểm trước, trong và sau Tết để chủ động kiểm soát ổn định thị trường giá cả.

Cùng với đó là tăng cường phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả; kiểm soát chặt chẽ việc kê khai, quyết toán thuế, hoàn thuế; chủ động sử dụng nguồn dự trữ quốc gia để ứng phó kịp thời các tình huống. Qua đó, tránh để xảy ra các biến động bất thường ảnh hưởng đến đời sống kinh tế - xã hội.

Đặc biệt, trước biến động mạnh và khó lường của giá dầu thế giới trong năm qua, Bộ Tài chính đã chủ động phối hợp với Bộ Công Thương để điều hành giá phù hợp với diễn biến giá xăng dầu thế giới. Trong đó, tiếp tục sử dụng linh hoạt công cụ Quỹ Bình ổn giá để bình ổn thị trường tại các kỳ điều hành khi giá thế giới tiếp tục tăng và ở mức cao để góp phần kiềm chế mức tăng giá xăng dầu trong nước.

Trước tình hình giá xăng dầu có xu hướng tăng cao, Bộ Tài chính đã trình Chính phủ ban hành giải pháp giảm tối đa thuế bảo vệ môi trường; giảm thuế nhập khẩu ưu đãi (MFN) đối với xăng động cơ không pha chì từ 20% xuống còn 10% nhằm góp phần đa dạng hóa nguồn cung nhập khẩu. Qua đó, giúp làm giảm áp lực lên mặt bằng giá xăng dầu trong nước.

Nhờ triển khai các giải pháp đồng bộ, linh hoạt, công tác điều hành giá, kiểm soát lạm phát năm 2022 đã đạt được mục tiêu do Chính phủ và Quốc hội đề ra dưới 4%. Chỉ số giá tiêu dùng CPI bình quân năm 2022 tăng 3,15% so với cùng kỳ năm 2021, lạm phát cơ bản tăng 2,59%.

Triển khai các giải pháp ổn định thị trường năm 2023

Trong năm 2023, thách thức đặt ra cho công tác quản lý, điều hành giá là rất lớn trong bối cảnh thế giới vẫn còn nhiều biến động khó lường. Do đó, phát huy thành công đã đạt được trong năm 2022, công tác quản lý, điều hành giá trong năm 2023 cần tiếp tục thực hiện một cách chủ động và linh hoạt đảm bảo kiểm soát lạm phát theo mục tiêu 4,5% do Quốc hội đề ra.

Theo đó, các bộ, ngành, địa phương cần bám sát thực hiện theo chỉ đạo của Chính phủ, ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Trưởng Ban chỉ đạo điều hành giá về các giải pháp cụ thể đối với công tác điều hành giá tại các cuộc họp định kỳ Ban Chỉ đạo điều hành giá. Trong đó, theo dõi sát diễn biến kinh tế và lạm phát thế giới tác động đến Việt Nam để có những giải pháp ứng phó phù hợp; cập nhật sát tình hình cung cầu trong nước để có chỉ đạo dự phòng tại địa phương đảm bảo nguồn cung, đảm bảo cân đối cung cầu trong nước.

Đồng thời, thực hiện chính sách tiền tệ thận trọng, bảo đảm tính chủ động, hiệu quả, phối hợp với điều hành chính sách tài khóa, mở rộng hợp lý, có trọng tâm, trọng điểm và các chính sách khác để góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát theo mục tiêu đề ra, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế. Tiếp tục kiểm soát lạm phát cơ bản và tạo cơ sở cho việc kiểm soát lạm phát chung. Rà soát việc áp dụng các chính sách tài khóa, đặc biệt là với các chính sách sắp hết hiệu lực, nghiên cứu các phương án gia hạn/điều chỉnh kết thúc các chính sách vào thời điểm thuận lợi để hạn chế bớt tác động tiêu cực tới lạm phát năm 2023.

Đối với các mặt hàng Nhà nước định giá, các dịch vụ công đang triển khai lộ trình thị trường như: dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh, dịch vụ giáo dục, điện, các bộ, ngành, địa phương chủ động trong việc tính toán, chuẩn bị các phương án giá để triển khai điều chỉnh vào thời điểm phù hợp với quy định và bối cảnh chung.

Đặc biệt, tiếp tục triển khai có hiệu quả biện pháp điều hành giá các mặt hàng thiết yếu nhằm ổn định thị trường giá cả. Đối với các mặt hàng cụ thể, các bộ, ngành, địa phương có trách nhiệm tổ chức, theo dõi sát diễn biến cung cầu, giá cả thị trường các mặt hàng thuộc lĩnh vực quản lý để có biện pháp điều hành phù hợp. Chủ động tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, trong lưu thông để chuẩn bị các nguồn hàng dự trữ, bình ổn giá cả thị trường nhất là dịp Tết Nguyên đán năm 2023, ưu tiên đảm bảo nguồn cung, đảm bảo cân đối cung - cầu thị trường, nhất là đối với mặt hàng quan trọng, thiết yếu như: xăng dầu, lương thực, thực phẩm (thịt lợn, thịt gia súc, gia cầm tươi sống), vật liệu xây dựng, cước vận tải, các hàng hóa tiêu dùng thiết yếu có nhu cầu tăng cao vào dịp cuối năm.

Các bộ, ngành, địa phương sử dụng linh hoạt, hiệu quả các công cụ, biện pháp điều tiết giá theo quy định của pháp luật về giá để kiểm soát, bình ổn thị trường. Đồng thời, tăng cường triển khai hiệu quả và giám sát thực hiện các biện pháp kê khai giá, niêm yết giá; công khai thông tin về giá; tổ chức thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật về giá, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật về giá.

Ngoài ra, Bộ Tài chính luôn xác định công tác truyền thông cần đóng vai trò quan trọng nhằm tránh tạo kỳ vọng lạm phát vượt mức tại một số thời điểm diễn biến kinh tế trong và ngoài nước không thuận lợi, hạn chế tâm lý “tát nước theo mưa” của giá các mặt hàng khác trong nền kinh tế. Theo đó, cần tiếp tục đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền, đảm bảo kịp thời, minh bạch thông tin về giá và công tác điều hành giá, nhất là diễn biến giá cả các vật tư quan trọng, các mặt hàng thiết yếu liên quan đến sản xuất và đời sống người dân để hạn chế gia tăng lạm phát kỳ vọng, ổn định tâm lý người tiêu dùng và doanh nghiệp.