Định giá doanh nghiệp sao cho đủ giá trị?
(Taichinh) - Trường hợp của Tràng Thi với 42 điểm kinh doanh (đồng nghĩa 42 mặt bằng địa ốc) và đặc biệt miếng đất “vô giá” ở ngay “cửa ngõ” vào phố cổ với diện tích khá lớn mà Tràng Thi được thuê trả tiền theo năm – song thị giá chào bán cổ phần chỉ bằng mệnh giá 10.000 đ/CP, đã cho thấy các nhà định giá DNNN vẫn khá “khiêm tốn” khi định giá giá trị DN.
Không chỉ riêng chuyện của Tràng Thi, việc Cty TNHH MTV Dệt 19/5 Hà Nội – đơn vị sở hữu Nhà máy Dệt Minh Khai trong đợt IPO đầu năm 2015 đã bán hết 1,6 triệu cổ phần với mức giá cao ngất ngưỡng hơn 70.000 đồng/cổ phần cũng là một ví dụ điển hình cho thấy các nhà đầu tư đang sẵn sàng đặt giá cao cho các DN sở hữu đất vàng, trong khi giá trị DN trên sổ sách lại hiển thị con số thấp. Theo phương án CPH của Dệt 19/5, giá trị Dệt Minh Khai tại thời điểm 31/12/2013 là hơn 59 tỷ đồng. Giá trị DN như vậy chắc chắn chưa thể tính đủ giá trị khu đất rộng 3,8 ha của Nhà máy Dệt Minh Khai tại số 423 đường Minh Khai (quận Hai Bà Trưng) mà Cty đang sở hữu bởi nếu xét theo giá thị trường, mỗi mét vuông của khu đất này đã lên tới hàng chục triệu đồng.
Do đó, cần nhìn lại một cách chính xác và nghiêm túc công việc định giá giá trị DN khi CPH ở giai đoạn hiện nay – giai đoạn mà chúng ta đã có đủ kinh nghiệm để nhìn nhận rõ việc chọn các đối tác, nhà đầu tư chiến lược nên tập trung vào vấn đề then chốt nào để giúp phát triển DN cũng như làm thế nào để tránh thất thoát vốn Nhà nước.
Nếu như cách đây 10 năm, việc CPH hóa DN làm thất thoát vốn Nhà nước chủ yếu do chưa tính giá đất vào vốn nên các DN đã CPH vẫn thuê đất của Nhà nước với giá rẻ như cho, thì nay mặc dù giá trị quyền sử dụng đã tính vào giá trị DN khi tiến hành CPH, vẫn thấy rằng nút thắt của việc làm sao xác định đúng giá trị vị trí của từng mặt bằng đất mà DN đang sử dụng lại chưa thể tháo cởi. Hiện tại, về mặt lí thuyết Bộ Tài chính đã có hướng dẫn quy định cụ thể về phương pháp xác định xác định giá trị DN trong đó bao gồm giá trị đất, quyền sử dụng đất. Tuy nhiên, tùy theo mỗi DN, đặc thù mà sử dụng phương pháp xác định giá trị khác nhau. Trong đó, việc xác định giá trị DN bằng giá trị hiện tại của các khoản thu nhập trong tương lai, hoăc việc xác định giá trị DN tính bằng giá trị hiện tại của các khoản siêu lợi nhuận mà DN tạo ra đươc trong n năm tồn tại, đều có những kẽ hở mà các tham số tạo nên “công thức” xác định giá trị DN luôn có thể thay đổi tùy theo cách nhìn nhận, đánh giá của mỗi bên (mua và bán). Mỗi cách nhìn khác nhau có thể dẫn đến chênh lệch về giá trị DN khác nhau. Những hội đồng thẩm định độc lập giá trị DNNN khi CPH càng thật sự cần thiết để có thể tư vấn cho Nhà nước một phương án CPH hiệu quả, không để lọt giá trị tài sản công vào tay tư nhân với giá rẻ theo phương thức tư duy “thà bán rẻ còn hơn không bán được”, mà tương lai hiệu quả cải cách DNNN để phát triển năng lực lõi của DN được cổ phần lại không bao nhiêu, là vô cùng cần thiết.
Ở một vài trường hợp đã đấu giá CPH và IPO thành công cũng cho thấy trong CPH DNNN, xác định tỷ lệ bán cho đối tác đầu tư là quan trọng. Theo đó, nếu ở những DN hấp dẫn, kể cả DN có đất vàng, mà DN đã có sẵn đối tác chiến lược nắm tỷ lệ sở hữu cổ phần chi phối lớn, thì phần cổ phần IPO ra bên ngoài sẽ khó có cơ hội thành công do nhà đầu tư dù rất muốn tham gia vào DN, cũng không sẵn sàng tranh vị thế cổ đông nhỏ, tiếng nói yếu bên cạnh, trong khi Nhà nước lại cũng chỉ nắm 1 tỷ lệ còn lại rất “tượng trưng”.
Giải pháp tính toán lại tỷ lệ CPH của Nhà nước tại những DN đang sắp sửa CPH mà TP HCM áp dụng, đặc biệt ở những DN có đất đai ở vị trí đắc địa và chiến lược, hi vọng sẽ phần nào hóa giải nút thắt bất cập về việc định giá giá trị DN chưa tính đủ, tính đúng giá trị tương lai của DN, cũng như hạn chế được nguy cơ lợi thế DN với chủ yếu là đất đai – một tài sản xã hội, có thể sẽ bị mang… phân lô bán nền vì mục đích của một vài nhóm lợi ích riêng trong tương lai.