Nhân rộng mô hình nông nghiệp xanh


Những năm gần đây, nhiều địa phương trong cả nước đang đẩy mạnh phát triển các mô hình nông nghiệp xanh. Đây là xu hướng đúng đắn nhằm đáp ứng nhu cầu thực phẩm sạch ngày càng cao của thị trường, hướng tới mục tiêu thực hiện hiệu quả Chiến lược Quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021 - 2030 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đang triển khai.

Mô hình nông nghiệp xanh, nông nghiệp hữu cơ là hướng đi tất yếu của nhiều địa phương
Mô hình nông nghiệp xanh, nông nghiệp hữu cơ là hướng đi tất yếu của nhiều địa phương

Hướng đi của nhiều địa phương

Khởi đầu của nông nghiệp xanh chính là các mô hình sản xuất nông nghiệp theo tiêu chuẩn hữu cơ, nông nghiệp sinh thái, thuận theo tự nhiên để tạo sản phẩm chất lượng, an toàn cho người tiêu dùng. Đến nay đã cả nước đã có nhiều địa phương đã và đang nhân rộng mô hình này nhằm tạo nguồn thực phẩm sạch, hiệu quả kinh tế cao và hạn chế ô nhiễm môi trường. 

Tiêu biểu như tại Hà Nội, hiện đã có 5.044ha sản xuất rau an toàn, hơn 50ha sản xuất rau hữu cơ, cùng nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Còn tại Bắc Ninh, tư duy làm “nông nghiệp xanh” đang thổi làn gió mới vào khu vực nông nghiệp - nông dân - nông thôn. Đến nay đã xây dựng 8 vùng sản xuất rau, quả an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP; 72 cơ sở trồng trọt ứng dụng công nghệ cao tổng diện tích 161ha, trong đó có 29 cơ sở sản xuất đạt tiêu chuẩn VietGAP với tổng diện tích trên 154ha, 47 cơ sở sản xuất rau, hoa trong nhà lưới, nhà màng, nhà kính với tổng diện tích gần 30ha, cho thu nhập hàng trăm triệu đến hàng tỷ đồng năm. Hình thành 7 vùng sản xuất lúa an toàn đạt tiêu chuẩn VietGAP với tổng diện tích 150ha; 14 vùng sản xuất rau đã được cấp giấy chứng nhận VietGAP Giấy chứng nhận đủ điều kiện ATTP tổng diện tích 91ha... Đặc biệt, trong Chương trình hành động, ngành nông nghiệp Bắc Ninh cũng đặt mục tiêu: xây dựng nền nông nghiệp sản xuất hàng hóa dựa trên lợi thế địa phương, theo hướng hiện đại bảo đảm năng suất, chất lượng, thân thiện với môi trường, thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển.

Với Thanh Hóa, cũng phát triển các mô hình nông nghiệp an toàn theo hướng VietGAP, GlobalGAP, hữu cơ. Đến nay, có hơn 12.560ha rau, củ, quả an toàn; trong đó, hơn 4.500ha được sản xuất theo quy trình, tiêu chuẩn VietGAP; 330ha nông sản sản xuất theo tiêu chuẩn hữu cơ. Ngoài ra, còn có hàng trăm mô hình nuôi trồng thủy sản và 5 vùng chăn nuôi lợn an toàn nông hộ theo tiêu chuẩn VietGAHP, 1.140 hộ chăn nuôi được cấp giấy chứng nhận VietGAHP nông hộ...

Thực hiện Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh

Thực hiện Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về Chiến lược Quốc gia tăng trưởng xanh giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn 2050. Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đã ban hành Kế hoạch hành động “Phát triển nền nông nghiệp xanh, thân thiện với môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu, giảm ô nhiễm môi trường nông thôn”.

Mục tiêu cụ thể giai đoạn 2021 - 2030 tốc độ tăng trưởng GDP ngành nông nghiệp 2,5 - 3%/năm; nâng cao hiệu quả sử dụng và bảo vệ tài nguyên đất nước, thủy sản, rừng, bảo tồn đa dạng sinh học; tỷ lệ che phủ rừng duy trì ở mức 42%, diện tích có chứng chỉ quản lý rừng bền vững trên 1 triệu hecta; giảm thâm dụng đầu vào hóa chất nông nghiệp tăng hiệu quả sử dụng nguồn lực tự nhiên trong quá trình sản xuất nông nghiệp. Bên cạnh đó, tỷ lệ sản phẩm phân bón hữu cơ trong tổng sản phẩm phân bón được sản xuất và tiêu thụ đạt trên 30%; tăng số lượng thuốc bảo vệ thực vật sinh học trong danh mục thuốc bảo vệ thực vật được phép sử dụng lên trên 30%; có ít nhất 30% tổng diện tích cây trồng cạn có tưới được áp dụng phương pháp tưới tiên tiến, tiết kiệm nước.

Đặc biệt Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn xác định sẽ chuyển đổi 300 nghìn hecta đất lúa sang trồng các loại cây trồng khác có hiệu quả cao hơn cả về kinh tế và môi trường; diện tích đất trồng trọt hữu cơ đạt khoảng trên 2% tổng diện tích đất trồng trọt. Tỷ lệ sản phẩm chăn nuôi hữu cơ đạt khoảng 2 - 3% tính trên tổng sản phẩm chăn nuôi sản xuất trong nước. Cùng với đó mở rộng quy mô áp dụng các thực hành sản xuất nông nghiệp tốt nhằm nâng cao chất lượng, giá trị gia tăng năng lực cạnh tranh và giảm phát thải khí nhà kính lĩnh vực nông nghiệp theo kế hoạch của quốc gia.

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Phùng Đức Tiến cho biết, để hội nhập kinh tế nông nghiệp, Việt Nam cần có tầm nhìn và những bước đi táo bạo để chuyển đổi sang hệ thống lương thực, thực phẩm xanh. Hiện nay, Bộ đang xây dựng chính sách quản lý, sử dụng tài nguyên theo hướng thân thiện với môi trường, trong đó tập trung vào chăn nuôi và trồng lúa; phối hợp với các địa phương hình thành vùng sản xuất tập trung, an toàn, quy mô lớn để đáp ứng nhu cầu tiêu dùng sản phẩm nông nghiệp sạch trong nước và xuất khẩu.

Theo Báo Đại biểu Nhân dân/daibieunhandan.vn