Doanh nghiệp "bội thu" nhờ kết hợp TPM và nhiều hệ thống

Cẩm An

Áp dụng phương pháp bảo trì năng suất toàn diện (TPM) kết hợp linh hoạt với các hệ thống, công cụ cải tiến năng suất, chất lượng khác đem lại nhiều lợi ích thiết thực cho doanh nghiệp.

TPM có thể áp dụng trong một số ngành công nghiệp nhưng được sử dụng phổ biến nhất trong lĩnh vực sản xuất. Ảnh: Internet
TPM có thể áp dụng trong một số ngành công nghiệp nhưng được sử dụng phổ biến nhất trong lĩnh vực sản xuất. Ảnh: Internet

Giảm chi phí sản xuất, giảm thời gian chết

TPM là một hệ thống bảo trì chủ động tập trung vào việc giữ cho thiết bị/máy móc của tổ chức trong điều kiện làm việc tối ưu, tăng tính khả dụng của thiết bị và tránh sự cố và chậm trễ trong các quy trình cốt lõi.

Không giống như các chiến lược bảo trì khác, với TPM, người vận hành máy móc tham gia vào quá trình bảo trì thiết bị được triển khai. Ba mục tiêu của TPM là không có lỗi ngoài kế hoạch (không có thời gian chết hoặc chạy chậm), không có lỗi sản phẩm và không có tai nạn.

TPM có thể áp dụng trong một số ngành công nghiệp nhưng được sử dụng phổ biến nhất trong lĩnh vực sản xuất, chủ yếu là do cách tiếp cận triệt để và độc đáo của nó trong việc bảo trì thiết bị.

Việc triển khai TPM có thể đem lại cho doanh nghiệp lợi ích đáng kể. Cụ thể là, giảm việc bảo trì ngoài kế hoạch: Khi được triển khai đúng cách, TPM có thể giảm việc bảo trì ngoài kế hoạch bằng việc giới thiệu một cách tiếp cận có cấu trúc và kế hoạch hơn để bảo trì cũng như nâng cao ý thức và sự liên kết những người vận hành sử dụng thiết bị và máy móc của bạn.

Cạnh đó là giảm chi phí sản xuất: Máy móc thiết bị bị lỗi, hỏng hóc tốn kém chi phí. TPM hỗ trợ tăng hiệu quả của máy móc, do đó giảm chi phí bảo trì và sản xuất, đồng thời tăng lợi nhuận và lợi tức đầu tư (ROI).

Ngoài ra, giảm thời gian chết: Vì TPM giới thiệu các quy trình kiểm soát chất lượng liên tục và có cấu trúc, máy móc sẽ ít bị ảnh hưởng bởi thời gian ngừng hoạt động hoặc lỗi. Các quy trình sẽ ít bị đình trệ hơn và sẽ duy trì mức năng suất cao hơn.

Môi trường làm việc cũng an toàn hơn: TPM cũng giải quyết các vấn đề con người, tạo nên một môi trường làm việc an toàn hơn. Nhân viên phải giữ cho nơi làm việc của họ gọn gàng, ngăn nắp và có tổ chức, điều này làm giảm khả năng xảy ra tai nạn lao động. Hơn nữa, TPM tập trung nhiều vào việc nâng cao nhận thức về an toàn trong lực lượng lao động của tổ chức.

Nâng cao hiệu suất và khả năng cạnh tranh cho sản phẩm

Tại Việt Nam, suốt thời gian qua đã có nhiều doanh nghiệp mạnh dạn áp dụng phương pháp TPM cũng như kết hợp áp dụng TPM với các hệ thống, công cụ cải tiến năng suất, chất lượng khác, đem lại kết quả vượt trội cho doanh nghiệp.

Điển hình trong số đó phải kể đến Công ty THACO Interior (Ninh Bình). Là doanh nghiệp đứng đầu trong lĩnh vực sản xuất, lắp ráp và phân phối ô tô tại Việt Nam, THACO Interior đã tích hợp một cách toàn diện nhiều hệ thống quản lý khác nhau như IATF 16949/ISO 9001, ISO 14001 và TPM nhằm không ngừng cung cấp các sản phẩm có chất lượng tốt hơn, phù hợp hơn với thị trường và nâng cao năng lực cạnh tranh của mình đối với các doanh nghiệp trong và ngoài nước.

Bước đầu áp dụng TPM, Công ty đã tiến hành tập trung thiết lập, vận hành bảo trì tự quản AM (Autonomous Maintenance) đối với các máy quan trọng được chọn làm thí điểm (máy ép phun nhựa 250 tấn), sau đó sẽ nhân rộng mô hình AM cho các máy khác (chuyền chân không nhựa và chuyền màng phức hợp) để sản xuất linh kiện nhựa. Sau 7 tháng triển khai, việc áp dụng TPM đã góp phần nâng cao hiệu quả, hiệu lực của các hệ thống quản lý hiện có trên cơ sở tích hợp tối đa về mặt hệ thống tài liệu lẫn quá trình vận hành, đánh giá, cải tiến hệ thống.

Thông qua hướng dẫn bảo trì tự quản, nhân viên vận hành của Công ty đã có khả năng nhìn ra các vấn đề của máy móc trong quá trình vệ sinh và bôi trơn thiết bị (C-I-L), từ đó chủ động bảo trì phòng ngừa để hạn chế tối đa các tổn thất có thể phát sinh trong quá trình chạy máy. Cũng nhờ vậy, nhân viên bảo trì sẽ có nhiều không gian hơn để tập trung vào các công việc đòi hỏi chuyên môn cao.

Công nhân đã có những nhận thức căn bản về các loại lãng phí trong doanh nghiệp, hiểu được rằng nếu không được nhận diện, đánh giá, phân tích để từ đó có kế hoạch cải tiến, loại bỏ lãng phí thì cuối cùng sẽ dẫn tới hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh không cao, giảm sức cạnh tranh của sản phẩm, dịch vụ.

Tại Công ty cổ phần Nhựa Thiếu niên Tiền Phong (TP. Hải Phòng), thời gian qua, nhờ tích hợp các công cụ cải tiến năng suất (5S, TPM) với ISO 9001, năng suất lao động của Công ty được nâng cao; phương tiện, máy móc, thiết bị đạt hiệu suất trên 90%. Đặc biệt, sự tích hợp TPM với ISO 9001 là yếu tố then chốt giúp doanh nghiệp này nâng cao hiệu suất và khả năng cạnh tranh cho sản phẩm.