Công bố thông tin của công ty đại chúng quy mô lớn:

Doanh nghiệp cần nâng cao ý thức!

Luật sư Dương Thị Thu Thuỷ - Đoàn Luật sư Hà Nội

(Tài chính) Theo bảng xếp hạng năng lực cạnh tranh toàn cầu của Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF), nhiều năm Việt Nam bị xếp ở thứ hạng thấp: hạng 75/183 nền kinh tế được khảo sát năm 2009, thứ 65 năm 2011 và thứ 75 năm 2012 trên tổng số 144 nền kinh tế trên thế giới và trở thành nước đứng gần cuối trong khu vực ASEAN. Trong đó, đặc biệt yếu tố về chỉ số bảo vệ các nhà đầu tư, Việt Nam nhiều năm đứng ở tốp "đội sổ": xếp thứ 172/183 năm 2009; thứ 133/139 năm 2010.

Doanh nghiệp cần ý thức hơn trong việc công bố thông tin để nâng cao hình ảnh mình trong con mắt công chúng đầu tư. Nguồn: internet
Doanh nghiệp cần ý thức hơn trong việc công bố thông tin để nâng cao hình ảnh mình trong con mắt công chúng đầu tư. Nguồn: internet
Tăng cường các quy định bảo vệ nhà đầu tư là nhu cầu thực tiễn cấp bách trong quá trình hội nhập. Những năm gần đây, hệ thống pháp luật Việt Nam đang từng bước hoàn thiện các quy định về bảo vệ nhà đầu tư. Ngày 5/4/2012, Thông tư số 52/2012/TT-BTC ra đời thay thế Thông tư số 09 ngày 15/01/2009 quy định chặt chẽ hơn việc công bố thông tin của các công ty đại chúng, đặc biệt là đối với công ty đại chúng quy mô lớn (công ty có vốn điều lệ thực góp từ 120 tỷ đồng trở lên, được xác định tại Báo cáo tài chính năm gần nhất có kiểm toán hoặc theo kết quả phát hành gần nhất, và có số cổ đông không thấp hơn 300 tính tại thời điểm chốt danh sách cổ đông).

Bên cạnh đó, năm 2012 Bộ Tài chính cũng ban hành Thông tư số 121/2012/TT-BTC quy định về quản trị công ty áp dụng cho các công ty đại chúng, trong đó đáng chú ý là các quy định mới về quyền của cổ đông và trách nhiệm của công ty trong việc báo cáo và công bố thông tin. Thông tư 121 quy định công ty đại chúng phải có nghĩa vụ công bố đầy đủ, chính xác và kịp thời các thông tin khác nếu các thông tin đó có khả năng ảnh hưởng đến giá chứng khoán và ảnh hưởng đến quyết định của cổ đông và nhà đầu tư.

Hoạt động của công ty đại chúng quy mô lớn có tầm ảnh hưởng lớn đến rất nhiều nhà đầu tư và ảnh hưởng đến môi trường chung, do đó Thông tư 52 quy định công ty đại chúng quy mô lớn (đại chúng quy mô lớn) bắt buộc phải công bố trên trang web của công ty và trên các phương tiện công bố thông tin của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước với các nội dung giống doanh nghiệp niêm yết. Cụ thể là ngoài việc phải công bố các thông tin định kỳ giống như các công ty đại chúng khác như Báo cáo tài chính năm đã được kiểm toán, Báo cáo thường niên, Báo cáo tình hình quản trị công ty, các thông tin về họp Đại hội đồng cổ đông, thông tin về việc chào bán chứng khoán và tiến độ sử dụng vốn thu được từ đợt chào bán… các công ty đại chúng quy mô lớn còn phải công bố thông tin về Báo cáo tài chính bán niên đã được soát xét trong thời hạn 45 ngày kể từ ngày kết thúc 6 tháng đầu năm tài chính, và 60 ngày nếu là công ty mẹ của một tổ chức khác hoặc là đơn vị kế toán cấp trên có các đơn vị kế toán trực thuộc; Báo cáo tài chính quý trong thời hạn 20 ngày kể từ ngày kết thúc quý hoặc 45 ngày nếu là công mẹ hoặc đơn vị kế toán cấp trên, nếu lợi nhuận sau thuế Thu nhập doanh nghiệp tại Báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh giữa báo cáo quý của kỳ công bố so với báo cáo quý cùng kỳ năm trước có biến động từ 10% trở lên hoặc kết quả kinh doanh trong quý bị lỗ thì phải giải trình rõ các nguyên nhân trong Báo cáo tài chính quý đó.

Đặc biệt Thông tư 52 quy định thêm trường hợp Báo cáo tài chính năm và Báo cáo tài chính bán niên có các ý kiến ngoại trừ/lưu ý thì công ty phải công bố thông tin về giải trình đối với các ý kiến ngoại trừ/lưu ý đó.

Việc công bố các thông tin bất thường đối với công ty đại chúng quy mô lớn cũng yêu cầu chặt chẽ hơn rất nhiều so với công ty đại chúng thông thường, như phải công bố thông tin trong vòng 24 giờ khi xảy ra một số sự kiện bất thường như: Công ty bị tổn thất tài sản từ 10% vốn chủ sở hữu; quyết định, nghị quyết liên quan đến vấn đề tăng, giảm vốn điều lệ; công ty góp vốn vào một tổ chức khác; quyết định, nghị quyết về việc mua bán tài sản có giá trị lớn hơn 15% tổng tài sản của công ty…

Tất cả những thông tin trên phải được công bố trên trang web của công ty và trên các phương tiện công bố thông tin của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước.

Rõ ràng pháp luật ngày càng quy định cụ thể, chặt chẽ về vấn đề công bố thông tin của các công ty đại chúng quy mô lớn. Tuy nhiên, đến nay vẫn xảy ra nhiều trường hợp công ty đại chúng quy mô lớn chưa tuân thủ đúng quy định. Các vi phạm diễn ra muôn hình vạn trạng. Lỗi phổ biến hay gặp nhất là những công ty có đăng ký công ty đại chúng và có công bố thông tin nhưng không đầy đủ.

Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã xử phạt nhiều trường hợp công ty đại chúng quy mô lớn vi phạm công bố thông tin như: Công ty Cổ phần Khử trùng Việt Nam ngày 5/9/2013 bị phạt tiền 60.000.000 đồng vì đã vi phạm công bố thông tin không đúng thời hạn Báo cáo tài chính bán niên năm 2012 đã được soát xét và Nghị quyết Hội đồng quản trị về mức chi trả cổ tức đợt 3 năm 2011; ngày 02/01/2013, Công ty Cổ phần Xi măng Bỉm Sơn bị xử phạt vi phạm hành chính số tiền 80.000.000 đồng do công bố thông tin không kịp thời khi xảy ra các sự kiện phải công bố thông tin bất thường theo quy định pháp luật…

Tình trạng một số công ty đại chúng quy mô lớn sơ suất không thực hiện đúng việc công bố thông tin theo quy định, khiến cho nhà đầu tư không nắm rõ đồng tiền của mình đang được sử dụng ra sao. Nguyên nhân có thể là do lãnh đạo công ty bận nhiều công việc nên không để ý, cũng có thể là do tâm lý ở một số doanh nghiệp xem nhẹ việc công bố thông tin, muốn tiết kiệm thời gian dành cho những công việc khác, hoặc do tâm lý ngại không muốn công khai các thông tin của công ty vì không muốn “thiên hạ săm soi”… Việc không công bố đầy đủ thông tin theo quy định có thể mang lại cái lợi nhỏ (chẳng hạn như tiết kiệm thời gian cho doanh nghiệp) nhưng lại có nguy cơ ảnh hưởng đến sự phát triển bền vững của doanh nghiệp.

Vi phạm về công bố thông tin của công ty đại chúng quy mô lớn không những làm ảnh hưởng đến quyền lợi của các cổ đông mà về lâu dài còn ảnh hưởng đến chính sự phát triển của công ty. Bởi khi công ty công bố thông tin không đầy đủ, kịp thời có thể làm cho nhà đầu tư bị thiệt hại bởi nhận định sai lệch về hiện trạng và triển vọng của công ty, từ đó đưa ra những quyết định không chính xác dẫn đến việc đầu tư của họ kém an toàn và kém hiệu quả.

Còn về phía doanh nghiệp, vì chưa minh bạch trong công bố thông tin làm cho nhà đầu tư thiếu lòng tin vào doanh nghiệp, dẫn đến ngần ngại trong việc đầu tư vốn, khiến cho doanh nghiệp bị mất cơ hội huy động vốn, ảnh hưởng đến khả năng được vay vốn của ngân hàng, thậm chí có thể phát sinh mâu thuẫn tranh chấp từ nguyên nhân lỗi vi phạm công bố thông tin.

Để tạo môi trường minh bạch trong kinh doanh, cũng như tăng sức hấp dẫn với thị trường vốn, răn đe việc xem thường pháp luật của doanh nghiệp, thiết nghĩ cần tăng cao hơn nữa các mức hình phạt, số tiền phạt đối với các lỗi vi phạm về công bố thông tin. Bên cạnh đó, các cơ quan quản lý cũng cần tăng cường kiểm tra, giám sát, xử phạt kịp thời và nghiêm minh những trường hợp vi phạm nghĩa vụ công bố thông tin của công ty đại chúng quy mô lớn. Bản thân các doanh nghiệp cũng cần ý thức hơn đối với việc công bố thông tin để vừa nâng cao hình ảnh mình trong con mắt công chúng đầu tư, vừa chấp hành tốt quy định pháp luật, tránh các rắc rối pháp lý có thể nảy sinh.

Bài đăng trên Báo Kiểm toán số 2 - 2014