Doanh nghiệp đang tin hơn vào môi trường kinh doanh

Theo chinhphu.vn

(Taichinh) - Báo cáo bổ sung của Chính phủ tại phiên họp thứ 38 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã khái quát tình hình phát triển doanh nghiệp trong năm 2014 cũng như những tháng đầu năm 2015.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ đã trình bày bản báo cáo này vào sáng nay 11/5. Đây là bản báo cáo cập nhật mới nhất về việc thực hiện các nhiệm vụ kinh tế-xã hội trong năm 2014, cũng như những số liệu đầu năm 2015.

Bộ trưởng Bùi Quang Vinh cho biết, “tình hình phát triển doanh nghiệp năm 2014 có xu hướng tốt hơn so với năm 2013” và dẫn chứng: Trong năm 2014, cả nước có 74.842 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với tổng số vốn đăng ký là 432.286 tỷđồng, giảm 2,7% về số lượng doanh nghiệp nhưng tăng 8,4% về số vốn đăng ký. Số vốn đăng ký bình quân đạt 5,77 tỷ đồng/doanh nghiệp, tăng 11,5% so với năm 2013.

Trong năm 2014, đã có 9.501 doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể, giảm 3,2% so với năm trước. Phần lớn trong số giải thể này là những doanh nghiệp quy mô nhỏ có vốn đăng ký dưới 10 tỷ đồng.

Số doanh nghiệp quay trở lại hoạt động là 14.419 doanh nghiệp, tăng 7,1%. “Đây là con sốđáng khích lệ, cho thấy tín hiệu tốt của nền kinh tế tạo thêm cơ hội đầu tư, kinh doanh cho những doanh nghiệp khó khăn”, báo cáo của Chính phủ viết.

Từ những số liệu trên, Bộ trưởng Bùi Quang Vinh cho biết, cộng đồng doanh nghiệp đã có niềm tin hơn vào môi trường kinh doanh sau thời kỳ khủng hoảng và yên tâm đầu tư kinh doanh.

Tiếp tục đánh giá về tình hình phát triển doanh nghiệp trong Quý 1/2015, Bộ trưởng Bùi Quang Vinh cho biết vẫn có dấu hiệu tích cực khi doanh nghiệp thành lập mới tăng cả về số lượng, số vốn đăng ký và quy mô vốn bình quân của một doanh nghiệp so với cùng kỳ năm 2014. Cụ thể, 19.049 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với 111.200 tỷ đồng, tăng 3,8% về số lượng và 13,5% về vốn. Số vốn đăng ký bình quân là 5,8 tỷ đồng/doanh nghiệp, tăng 3,6% so với cùng kỳ 2014.

Tổng số doanh nghiệp ngừng hoạt động, giải thể là 18.740 doanh nghiệp, chiếm 3,6% tổng số doanh nghiệp đang hoạt động, được Chính phủđánh giá là thấp hơn nhiều so với tỷ lệ thông thường của thị trường (từ 12- 14% là bình thường).

Sự phát triển của cộng đồng doanh nghiệp thời gian qua cũng phù hợp với sự phát triển của nền kinh tế khi tăng trưởng kinh tế Quý 1/2015 là 6,03% - mức tăng cao nhất so với cùng kỳ 5 năm qua; chỉ số giá tiêu dùng tăng thấp 0,74%; tín dụng tăng trưởng 1,25%, trong khi cùng kỳ năm ngoái chỉ số này giảm 0,57%.

Tuy nhiên, Chính phủ cũng cho biết hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp vẫn còn rất khó khăn, nhất là về thị trường tiêu thụ và khả năng cạnh tranh.

Không đánh giá nhiều về công tác phát triển doanh nghiệp, nhưng Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Thường vụ Quốc hội do Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Văn Giàu trình bày nhận định hoạt động của doanh nghiệp còn khó khăn, qua số lượng giải thể, ngừng hoạt động còn lớn, tỷ lệ doanh nghiệp có lãi thấp khi số doanh nghiệp phát sinh thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp chỉ chiếm tỷ lệ dưới 50% trong những năm gần đây.

Khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp của nước ngoài tiếp tục đóng góp lớn vào tăng trưởng kinh tế, nhưng việc nâng cao trình độ, năng lực của nền kinh tế Việt Nam chưa rõ nét. Có ý kiến quan ngại nếu nguồn vốn này rút khỏi thị trường sẽ ảnh hưởng tới sự phát triển bền vững của nền kinh tế nước ta.

Để giảm bớt khó khăn cho doanh nghiệp, cũng như đạt mục tiêu tăng trưởng kinh tế trong năm 2015, Chính phủ yêu cầu các cấp, ngành tập trung rà soát, giảm mạnh thời gian và chi phí thực hiện thủ tục hành chính về thuế, hải quan, đất đai, bảo hiểm xã hội, thủ tục đầu tư, tiếp cận điện năng, thành lập, phá sản doanh nghiệp, đổi mới công nghệ, bảo hộ sở hữu trí tuệ, đăng ký tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm...

Đồng thời khẩn trương nghiên cứu trình Chính phủ các Nghị định và hướng dẫn thực hiện các Luật Doanh nghiệp, Đầu tư (sửa đổi); tổ chức triển khai Nghị định của Chính phủ về hợp tác công tư; ban hành và hướng dẫn chính sách cho nhà đầu tư nước ngoài bỏ vốn xây dựng kết cấu hạ tầng.

Chính phủ cũng đề nghịđẩy mạnh tái cơ cấu doanh nghiệp Nhà nước, trọng tâm là cổ phần hóa và thoái vốn Nhà nước khỏi những ngành, lĩnh vực mà Nhà nước không cần nắm giữ, giảm tỷ lệ vốn Nhà nước tại các doanh nghiệp không cần nắm giữ chi phối để cổ phần hóa thực sự là đổi mới quản trị và hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp.