Tỉnh Bình Dương:

Doanh nghiệp dệt may phục hồi mạnh mẽ

Theo Tiểu My/Báo Bình Dương

Đơn hàng dồi dào, nỗ lực giữ chân và thu hút lao động… doanh nghiệp (DN) ngành dệt may đang tập trung khôi phục sản xuất, kinh doanh sau khi dịch bệnh được kiểm soát tốt, góp phần cùng các ngành khác lấy lại đà tăng trưởng cho kinh tế tỉnh nhà.

Sản xuất tại Công ty Esquel Garment Manufacturing Việt Nam (Khu công nghiệp VSIP I, TP.Thuận An)
Sản xuất tại Công ty Esquel Garment Manufacturing Việt Nam (Khu công nghiệp VSIP I, TP.Thuận An)

Tăng tốc sản xuất

Ngay sau khi Bình Dương kiểm soát được dịch bệnh, nới lỏng giãn cách, các DN dệt may bắt tay ngay vào khôi phục sản xuất. Mặc dù vẫn còn những khó khăn, tuy nhiên theo bà Phan Lê Diễm Trang - Phó Chủ tịch Hiệp hội Dệt may tỉnh, các DN nỗ lực bảo đảm các đơn hàng, tạo việc làm, thu nhập cho người lao động.

Kết quả, trong tháng 10, kim ngạch xuất khẩu dệt may của tỉnh ước đạt 152 triệu USD, tăng 241,4% so với tháng trước. Lũy kế 10 tháng kim ngạch xuất khẩu ước đạt hơn 2 tỷ USD, tăng 1,4% so với cùng kỳ, chiếm tỷ trọng 7% tổng kim ngạch xuất khẩu của tỉnh. Con số này cho thấy sự nỗ lực vượt bật của DN trong ngành và khả năng thích ứng để thực hiện đơn hàng, giữ vững thị trường.

Các DN cũng đang cùng với sở, ngành, liên hệ với các địa phương để đón lao động trở lại nhà máy làm việc theo chủ trương của tỉnh. Đáng mừng hơn có những DN lớn, lao động chỉ biến động khoảng 10%. Ông Nguyễn Văn Lương, Tổng Giám đốc Công ty Esquel Garment Manufacturing Việt Nam (Khu công nghiệp VSIP I, TP.Thuận An) cho biết từ khi dịch bệnh bùng phát, công ty đã thường xuyên quan tâm, hỗ trợ kịp thời cho công nhân, thông tin kế hoạch khôi phục sản xuất trong thời gian sắp tới để công nhân yên tâm.

Đồng thời, công ty phối hợp triển khai thực hiện chi trả các gói chính sách an sinh của Chính phủ và của tỉnh đến tận tay công nhân. Số lượng công nhân về quê rất ít, dưới 5%, không ảnh hưởng lớn đến hoạt động sản xuất. Để công nhân yên tâm quay lại làm việc, công ty đã chuyển đổi từ mô hình “3 tại chỗ” sang “3 xanh”, tất cả công nhân đều có việc làm, thu nhập.

Dự báo từ nay đến hết năm, đơn hàng sẽ nhiều hơn, DN sẽ tăng tốc sản xuất để đáp ứng. Thực tế, đã có DN tính đến phương án tăng ca, làm thêm giờ. Ông Nguyễn Văn Lương cho biết thêm: “Thời điểm giãn cách, để bảo đảm tiến độ giao hàng Công ty Esquel Garment Manufacturing Việt Nam đã chuyển một phần đơn hàng sang các đối tác khu vực ngoài vùng tâm dịch để sản xuất. Hiện, DN đang tăng tốc, hoạt động hết công suất, nỗ lực để thực hiện các đơn hàng còn nợ khách hàng trong đại dịch”.

Hóa giải khó khăn

Dịch bệnh COVID-19 là “phép thử” với cộng đồng DN, thực tế có nhiều DN đã cho thấy sức chống chịu tốt, vượt qua khó khăn. Dù có nhiều tín hiệu tích cực, song các DN dệt may vẫn gặp không ít khó khăn, trong đó thiếu vốn là vấn đề nổi cộm. Điều này không chỉ diễn ra với DN trong nước mà còn cả với DN có vốn đầu tư nước ngoài.

Chia sẻ về điều này, bà Phan Lê Diễm Trang cho rằng bên cạnh nguồn lao động thiếu hụt, các DN còn đối mặt với thiếu vốn. Hiện DN ứng phó bằng cách chấp nhận sự biến động để sàng lọc, định hình đội ngũ lao động phù hợp. Cải tiến công tác quản lý, cải tiến công nghệ kỹ thuật nhằm nâng cao năng suất, tạo môi trường và thu nhập tốt để giữ chân người lao động.

Theo lãnh đạo Công ty Panko Vina (Khu công nghiệp Mỹ Phước), trong khó khăn, DN phải chuyển từ quản trị theo kế hoạch sang quản trị trạng thái với ưu tiên cao nhất là tuân thủ chỉ đạo của chính quyền và sự tồn tại của DN. Theo đó, công ty thường xuyên cập nhật sự thay đổi về năng lực cung ứng với khách hàng, bằng mọi cách giảm thiểu tổn thương các chuỗi cung ứng đang tham gia cũng như các đối tác trực tiếp.

Ông Nguyễn Trường Thi - Phó Giám đốc Sở Công thương cho biết, sau khi dịch bệnh được kiểm soát, DN gặp phải nhiều khó khăn như thiếu vốn sản xuất, kinh doanh, thị trường tiêu thụ bị thu hẹp, lượng đơn hàng ký kết được bị đứt gãy, thiếu hụt nguồn nguyên liệu…

Song các DN vẫn cố gắng hoạt động sản xuất trở lại để phục hồi kinh tế bằng các biện pháp thay đổi cách thức làm việc linh hoạt, thích nghi với điều kiện hiện tại, vừa bảo đảm theo yêu cầu phòng, chống dịch bệnh vừa duy trì sản xuất, kinh doanh, giải quyết việc làm cho người lao động. Đây là một nỗ lực lớn của cộng đồng DN rất đáng ghi nhận. Ngành công thương cũng đã đề xuất khó khăn của các hiệp hội, ngành hàng đến các ngành, đơn vị liên quan để kịp thời tháo gỡ, hỗ trợ.

Bà Phan Lê Diễm Trang, Phó Chủ tịch Hiệp hội Dệt may tỉnh Bình Dương: Dù có nhiều tín hiệu tích cực, song các DN dệt may vẫn gặp không ít khó khăn, trong đó thiếu vốn là vấn đề nổi cộm. Điều này không chỉ diễn ra với DN trong nước mà còn cả với DN có vốn đầu tư nước ngoài. Hiện DN ứng phó bằng cách chấp nhận sự biến động để sàng lọc, định hình đội ngũ lao động phù hợp. Cải tiến công tác quản lý, cải tiến công nghệ kỹ thuật nhằm nâng cao năng suất, tạo môi trường và thu nhập tốt để giữ chân người lao động.