Doanh nghiệp FDI: Báo lỗ để trốn thuế

Theo daidoanket.vn

(Tài chính) Dư luận thời gian qua không khỏi bức xúc về việc một loạt các ông lớn có tên tuổi bị vạch trần hành vi chuyển giá trốn thuế, như Coca - Cola, Pepsi, Adidas, Metro… và mới đây nhất là hai đại gia với tên tuổi nổi đình nổi đám trên thương trường, đó là Keangnam Vina và Công ty Hualon Corporation.

Câu chuyện chuyển giá không hề mới nhưng tình trạng chuyển giá đang ngày càng tinh vi, phức tạp. Nguồn: internet
Câu chuyện chuyển giá không hề mới nhưng tình trạng chuyển giá đang ngày càng tinh vi, phức tạp. Nguồn: internet
Nếu như Tập đoàn bất động sản xứ Hàn chỉ mới có… 5 năm báo lỗ thì "ông lớn” Liên doanh Malaysia- Đài Loan- British Virgin Island (Công ty Hualon Corporation là "con đẻ”) đã có thâm niên báo lỗ ở Việt Nam tới gần 20 năm. Điều đáng nói ở đây, công ty này đã thản nhiên nâng khống giá dây chuyền thiết bị từ trị giá 400 USD lên tới… 16 triệu USD - một con số khủng khiếp và mang tính chất giả dối một cách trắng trợn.

Ngày càng phát hiện nhiều vụ việc chuyển giá và với hành vi hơn. Phải có người chịu trách nhiệm, phải xử lý đến nơi đến chốn, bởi để một doanh nghiệp (DN) FDI oanh tạc, hoành hành như vậy, làm ăn dối trá trắng trợn như vậy, chắc chắn khâu kiểm tra, giám sát đã bị bỏ qua. Cần phải thấy rõ, ở đây có cả sự tiếp tay của những nhà làm quản lý trong cách hành xử quá dễ dãi của mình – không ít một chuyên gia kinh tế bày tỏ quan điểm. 

Việc ngày càng nhiều DN FDI bị vạch trần hành vi chuyển giá, trốn thuế không chỉ gây sự bức xúc trong dư luận mà còn tạo ra tâm lý bất an đối với DN trong nước, bởi rõ ràng, phải được ưu ái thế nào các DN FDI mới liên tục làm mưa làm gió như vậy… Câu chuyện chuyển giá, trốn thuế của các DN FDI không còn mới, song với thực tế mỗi ngày lại có một sự vụ chuyển giá "khủng” hơn, buộc người ta phải đặt ra một vấn đề rằng: Phải có người chịu trách nhiệm về vấn đề này, không thể cứ để tình trạng này mãi tiếp diễn khiến ngân sách nhà nước thất thu, DN trong nước chịu sự bất công, và cả những cái nhìn không thiện cảm đối với các DN FDI làm ăn chân chính.

Theo TS. Vũ Đình Ánh, ngoài việc gây thất thu ngân sách nhà nước, chuyển giá còn khiến nhiều DN liên doanh thành DN 100% vốn nước ngoài. Thậm chí, chuyển giá đối với máy móc thiết bị tạo tài sản cố định cho DN FDI, một mặt còn tạo ra "giá trị ảo” cho tài sản cố định, "thổi phồng” phần vốn góp của phía nước ngoài, làm méo mó bức tranh thực tế về vốn FDI. DN FDI có thể không quan tâm khai thác yếu tố đầu vào từ thị trường trong nước, dẫn tới không kéo DN trong nước phát triển mà còn chèn ép, lất át DN nội. Do tác động chuyển giá mà 2 mục tiêu quan trọng nhất trong thu hút FDI là vốn và công nghệ đều bị ảnh hưởng. 

 Thế nhưng, việc kiểm tra, xử lý thì lại đang gặp khó khăn. Kể cả Thanh tra Chính phủ cũng cho rằng dù biểu hiện của chuyển giá là rõ ràng, nhưng do không xác minh được thông tin đầu ra với FN FDI, cơ quan thuế không đủ cơ sở xem xét, xử lý. Điều này cũng được ngay cả Tổng cục Thuế thừa nhận. 

Tuy nhiên, đã đến lúc cần phải phân định rõ trách nhiệm của một bộ phận để thực trạng này kéo dài và chưa thấy hồi kết. 

Theo chuyên gia kinh tế Bùi Kiến Thành cho rằng, câu chuyện chuyển giá không hề mới nhưng tình trạng chuyển giá đang ngày càng tinh vi, phức tạp. Về cách thức chuyển giá, thông thường, DN đều khai tăng giá nhập khẩu nguyên liệu đầu vào, trong khi giá thành bán ra thấp, dẫn tới lỗ. Coca Cola là ví dụ điển hình. Nhưng vấn đề đặt ra là gì? Không thể có chuyện DN bỏ hàng tỷ USD đầu tư hàng mấy năm chỉ để khai lỗ. Như vậy, một trong những nguyên nhân quan trọng là do thiếu quyết tâm làm rõ vấn đề cũng như quá lơ là, sao nhãng trong kiểm tra, giám sát của các cơ quan chức năng. Việt Nam không thiếu cơ chế nhưng cách thức quản lý chưa tốt, chưa rõ ràng nên mới dẫn đến thực trạng như hiện nay. 

Vấn đề chuyển giá có thể xảy ra suốt cả quá trình DN FDI hoạt động. Và không loại trừ trường hợp, tất cả các yếu tố cấu tạo nên giá thành của sản phẩm DN FDI đều đã bị chuyển giá. Do đó, thời gian tới, cần chống chuyển giá ngay từ khâu kêu gọi đầu tư, xét duyệt, cấp phép dự án, nhất là tình trạng phân cấp, phân quyền của tỉnh. "Đặc biệt, khi DN FDI đã đi vào hoạt động,  tăng cường các hoạt động kiểm tra, giám sát là việc làm cần thiết” - ông Bùi Kiến Thành nhận định. 

Đồng quan điểm, PGS., TS. Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội đầu tư nước ngoài cũng cho rằng, chuyển giá là vấn đề thời sự, DN FDI khi bán cho công ty mẹ, thậm chí còn bán thấp hơn nhiều so với giá thành gây ra "lỗ giả” để trốn thuế. Hiện tượng chuyển giá là một hiện tượng bình thường của cơ chế thị trường. Điều đáng tiếc ở đây là, nhà quản lý quá sao nhãng trong việc kiểm tra, giám sát. Nếu kiểm tra thường xuyên thì sẽ không có một kết cục như ngày hôm nay: quá nhiều DN vi phạm. 

Như vậy, rõ ràng, trách nhiệm đầu tiên phải thuộc về những người làm quản lý, không chỉ lơ là tạo kẽ hở cho các DN FDI dễ dàng thực hiện hành vi chuyển giá, mà ngay cả sự dễ dãi trong việc cấp phép cũng là hành vi tiếp tay cho hành động này của các DN FDI.