Doanh nghiệp FDI bơm vốn và làn sóng khởi nghiệp

Theo kinhtedothi.vn

Việt Nam đang trở thành “miền đất khởi nghiệp” an toàn và hiệu quả đối với các nhà đầu tư nước ngoài, điều này được thấy rõ qua số liệu về các dự án mới và vốn đăng ký, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) giải ngân có xu hướng tăng lên trong năm 2017.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Trùng hợp ngẫu nhiên?
Số liệu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho thấy có sự trùng hợp nhất định về động thái tăng lượng vốn đầu tư và chọn lĩnh vực đầu tư của đầu tư nước ngoài và làn sóng đầu tư khởi nghiệp trong thời gian gần đây.
Quý I/2017 chứng kiến sự trùng hợp về xu hướng tăng lên cả về số vốn và dự án của FDI và số vốn khởi nghiệp.
Tổng vốn đăng ký bổ sung là gần 600.000 tỷ đồng, trong đó vốn đăng ký của doanh nghiệp đăng ký thành lập mới là trên 270.000 tỷ đồng và tổng số vốn đăng ký tăng thêm của các doanh nghiệp tăng vốn là xấp xỉ 330.000 tỷ đồng. Tỷ trọng vốn đăng ký bình quân của một doanh nghiệp trong 3 tháng đầu năm 2017 đạt 10,2 tỷ đồng, tăng 30,9% so với cùng kỳ năm 2016.
Nếu các lĩnh vực lựa chọn của nhà đầu tư nước ngoài tại Việt Nam lần lượt là chế tạo, chế biến, bất động sản, xây dựng, bán buôn, bán lẻ, sửa chữa…, thì khởi nghiệp cũng có sự lựa chọn tương tự. Trong quý I, ngành, lĩnh vực thu hút nhiều số lao động gia nhập thị trường là:
Công nghiệp chế biến, chế tạo (126.736 lao động); Bán buôn; bán lẻ; sửa chữa ô tô, xe máy (54.971 lao động); Xây dựng (29.054 lao động); Khoa học, công nghệ; dịch vụ tư vấn, thiết kế; quảng cáo và chuyên môn khác (20.982 lao động).
Sự trùng hợp ngẫu nhiên và có sự bổ sung giữa việc tăng vốn và chọn lĩnh vực đầu tư của FDI và khởi nghiệp cho thấy có một lượng vốn khá lớn từ cả hai nguồn đầu tư vào nền kinh tế. FDI không lấn át khởi nghiệp. Điều này tạo nền tảng để nền kinh tế có bước phát triển bùng nổ trong giai đoạn tới khi nguồn vốn đầu tư công bị hạn chế và nền kinh tế sẽ vận hành chủ yếu dựa trên cơ sở nguồn vốn FDI và khởi nghiệp trong dài hạn.
FDI thúc đẩy và dẫn dắt khởi nghiệp
Những chính sách cải thiện môi trường kinh doanh hiệu quả ở Việt Nam tạo cơ hội để cả FDI và khởi nghiệp triển khai thuận lợi. Năm 2016, môi trường kinh doanh được cải thiện 9 bậc so với năm 2015 theo hướng minh bạch, công bằng và khuyến khích cạnh tranh lành mạnh.
Lợi thế của FDI là nguồn vốn lớn, công nghệ cao, năng lực quản lý hiện đại; mạng lưới rộng, quy mô lớn và năng lực cạnh tranh cao. Những lợi thế của khởi nghiệp là sự ủng hộ của Chính phủ và cộng đồng cũng như công chúng. Tuy nhiên, các doanh nghiệp khởi nghiệp còn hạn chế về kinh nghiệm quản lý, hiểu biết thị trường, công nghệ, cạnh tranh, cho nên sự thành công của doanh nghiệp FDI là động lực và hình mẫu để khởi nghiệp học hỏi, lấy cảm hứng hành động và rèn luyện bản lĩnh kinh doanh.
Để kịp thời nắm bắt cơ hội thị trường, tiếp cận hiệu quả với các nguồn lực phát triển và các biện pháp ưu đãi, khởi nghiệp cần lấy động lực cạnh tranh, hợp tác và kết nối chặt chẽ lẫn nhau trong đó có với các doanh nghiệp FDI để phát triển. Nói cách khác, FDI trở thành động lực phát triển khởi nghiệp.
Hơn nữa, do FDI là nguồn vốn đầu tư có lịch sử vận hành khoảng 30 năm ở Việt Nam trong khi khởi nghiệp mới được thúc đẩy và coi trọng trong vòng một năm, cho nên FDI sẽ là động lực dẫn dắt thậm chí định hướng khởi nghiệp. Các nghiệp chủ cần quan sát, phân tích, học hỏi thành công và chưa thành công của doanh nghiệp FDI để xây dựng chiến lược và phát triển giải pháp khởi nghiệp phù hợp.

Trong quý I, tỷ lệ doanh nghiệp thành lập mới tăng ở tất cả các ngành nghề so với cùng kỳ năm 2016, cụ thể: Kinh doanh bất động sản có 924 doanh nghiệp, tăng 55,0%; Sản xuất phân phối điện, nước, gas có 200 doanh nghiệp, tăng 32,5%; Giáo dục và đào tạo có 640 doanh nghiệp, tăng 28,0%; Tài chính, ngân hàng và bảo hiểm có 269 doanh nghiệp, tăng 26,3%; Nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản có 461 doanh nghiệp, tăng 16,4%; Xây dựng có 3.737 doanh nghiệp, tăng 15,8%...

Trong năm 2017, cơ hội và ưu đãi về khởi nghiệp đang mở ra khá lớn thông qua hàng loạt biện pháp khuyến khích tài chính như: Miễn, giảm thuế, thể chế, chính sách hỗ trợ khởi nghiệp có hiệu lực, trong đó có biện pháp hỗ trợ và khuyến khích khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, các nguồn đầu tư ưu đãi nông nghiệp công nghệ cao, dịch vụ tư vấn khởi nghiệp miễn phí, hình thành các quỹ đầu tư mạo hiểm, đầu tư thiên thần và cơ chế ươm tạo doanh nghiệp…
Những chính sách mới đang tiếp thêm nguồn khích lệ doanh nghiệp FDI đầu tư vào khởi nghiệp khi các doanh nghiệp này đã tích lũy rất nhiều kinh nghiệm kinh doanh ở Việt Nam, hiểu biết thị trường, tập quán, thói quen, chính sách và cách thức tiếp cận các nguồn lực.
Mức độ bình đẳng về cơ hội và cách ứng xử giữa doanh nghiệp trong nước và nhà đầu tư nước ngoài ngày càng tăng. Điều này dẫn đến khả năng doanh nghiệp FDI định hướng đầu tư vào các lĩnh vực được ưu đãi khởi nghiệp để tối đa hóa lợi ích. Do đó, không loại trừ khả năng xuất hiện làn sóng FDI đầu tư mạnh mẽ vào khởi nghiệp từ năm 2017, cần được đón nhận một cách hiệu quả.